Là người Hà Giang, đi đâu, gặp ai cũng được hỏi: bao giờ đến mùa hoa tam giác mạch? Lòng âm ỉ vui vì du lịch mùa hoa của tỉnh nhà thành công. Nhưng lắm lúc chỉ muốn nói: Anh chị cứ rảnh lúc nào, thì xách ba lô lên mà đi. Nơi ấy, cảnh đẹp và tình người quanh năm đầy ắp.
Hà Giang không chỉ có tam giác mạch đâu, nhất là những người thích đi vì thiên nhiên, vì văn hóa và chán nản sự đông đúc nhàm tẻ.
Hãy bắt đầu bằng thời gian mà nhiều người cho là Đồng Văn xấu nhất, buồn nhất: mùa mưa, tháng 6,7,8. Khi ngô mọc cao phủ xanh hết mọi triền đá xám, che hết tầm mắt bao la, cảm giác hùng vĩ của lữ khách nghe chừng hẹp lại. Khi những gió mưa ướt át níu chân người chết dí nơi quán trọ.
Nhưng không hề đâu, xứ này cao nguyên, lại cận ôn đới, không khí khô, cơn mưa đều bay qua rất nhanh. Mọi thứ chừng lại như tinh khôi mới mẻ sau cơn mưa.
Nếu bạn thích chụp ảnh phong cảnh, nhất là góc ảnh phong cảnh có không gian siêu rộng như ở Đồng Văn, thì sau cơn mưa là lúc mọi tấm hình đều lên trong văn vắt.
Hay sau một cơn mưa bất chợt, cả Mã Pì Lèng bỗng hóa một biển mây phiêu bồng. Chạy chầm chậm dọc đường nhỏ khi ấy thấy như mình bơi trong thinh không trắng.
Hay nữa, tựa lưng nơi thềm một quán cà phê nhỏ nơi phố cổ Đồng Văn, nhìn từng giọt mưa bay nhẹ nhàng trên những mái ngói trăm năm, nghe hơi thở từ bức tường đá ám màu những phiên chợ xa xưa, không khí còn 22 độ C, bỗng thấy cái oi ả ngột ngạt 35 độ C nơi khác như xa vời.
Ảnh: Nam Chấy.
Một lần, chẳng nhớ năm nào, tôi cùng một cô bạn cũ, hai đứa ngồi giữa phiên chợ mưa Bạch Đích. Chợ về chiều đã vắng sạch bóng người. Trời thì mưa và lạnh như thu. May thay còn chút củi than sót lại của nồi thắng cố ban sáng.
Hai đứa nướng lạp xường, xuýt xoa với ớt bột, hạt dổi, hồi quế và ngắm những vườn đá ruộng ngô xa tít chìm trong nước trắng. Má cô ấy hồng lên, mắt long lanh hơn.
Đến giờ tôi vẫn không nhớ mình có nói gì chiều hôm ấy không nữa. Cột mốc biên giới giờ đã thay số mới, cô ấy còn nhớ tôi không?
Tháng 9,10,11, mùa cao điểm, dĩ nhiên được ưu ái nhất vì là mùa hoa tam giác mạch. Giời thôi mưa, khí thu dìu dịu, hoa bung sắc nơi nơi.
Trời như lên xanh cao thăm thẳm mà đôi nhành mây sà xuống như thấp với được. Chỉ có điều, muốn đi mùa này lưu ý đặt phòng, thuê xe, đặt ăn … cẩn thận trước 1-2 tháng. Bởi chưng đông đúc quá lắm.
Tháng 11,12, giời lạnh hơn, khô hơn, tam giác mạch dần tàn, và cúc dại vàng thẫm, bạc hà tím nhạt lại đơm bông. Còn gì tuyệt hơn ngồi lặng trong mênh mông biển đá, ngắm những đóa tim tím nhạt nhỏ nhắn vươn ra từ khe nhỏ, nghe tiếng đôi ong mật vùng vẫy giữa phấn hoa.
Nắng rất vàng, nhưng rất nhẹ, phủ đầy triền núi. Những lúc ngồi lâu, lưng dựa vào một tảng đá tai mèo giữa hoang vu biển đá Sảng Tủng, bạn có thể thiếp đi trong một giấc mơ thoang thoảng hương bạc hà.
Qua tận chính đông, tháng 12, rồi tháng 1, hoa cải nở khắp mọi hốc đá, trắng, vàng tím, xám chen nhau. Mùa nông nhàn, phiên chợ lùi ngày một đông vui, sắc áo quần ngày một rực rỡ.
Ảnh: Nam Chấy.
Lạ là Đồng Văn dường như chiều nào cũng có nắng, bất kể giữa mùa đông âm u. Nên nếu lạc chân vào Ma Lé tầm giữa độ chiều, bạn có thể bị ngợp vì những dãy núi hàng ngàn ngọn leo lên nhau, mà tôi hay gọi đùa là "thập vạn đại sơn".
Bước vào gian bếp một ngôi nhà cổ người Mông, than đỏ làm ửng hồng những đôi má trẻ nhỏ mới xuýt xoa đi học về. Thi thoảng có giọt mỡ rơi từ chùm lạp xưởng và thịt lạp treo trên gác bếp mà cô chủ nhà mới làm dành Tết rơi xuống cháy xèo xèo, thơm lựng mùi quế hồi.
Có đận, tôi nhỡ độ đường giữa con đèo lạnh khi trời dần tối. Gã bạn thân - chiếc xe máy - hôm đó bỗng nhiên buồn nản điều gì dừng lại nơi đầu dốc, không thèm chạy nữa.
Đang loanh quanh giữa gió lạnh và sương mờ thì gặp một anh chàng to như hộ pháp, quần bò, áo da chẽn, quấn khăn, vác một ôm củi cành. Anh gọi "Hỏng xe hả, vội không? Vào đây".
Hóa ra đó là nhóm bạn gần chục người, đi trên dăm chiếc xe bán tải, họ cắm trại lại trong một khoảng không bằng phẳng nhìn xuống khe núi. Họ mời tôi ở lại khi biết tôi là dân du lịch.
Đêm đó, lần đầu tiên tôi tận hưởng cảm giác lưng lạnh như dao cắt và má ấm nóng hơi lửa trại giữa bạt ngàn Đồng Văn. Ngụm rượu ngô và lát thịt treo gác bếp vốn đã thơm phức lại càng thêm ngọt lừ.
Trời đông không một gợn mây, lung linh hàng vạn vì sao, trong vắt, lạnh quắt như một khối thạch. Một anh bạn chơi đàn, bài gì đó về cao nguyên, tiếng đàn lan trong sương lạnh, va vào vách núi, vọng lại như những tiếng thì thầm của đá trăm năm.
Ảnh: Nam Chấy.
Sang tháng 2, tháng 3 dương lịch, ấy là độ Tết về. Phiên chợ lùi trở nên nơi đáng đến nhất. Từ đỉnh núi nhìn xuống, cả phiên chợ như một rừng hoa trăm sắc đủ màu. 17 dân tộc từ khắp các vùng rẻo cao tụ về đây.
Chợ, không hẳn là nơi mua bán, mà là chốn sẻ chia. Những gia đình cả nhà ra chợ chỉ để gặp hàng xóm, uống với nhau bát rượu bên nồi thắng cố, nhâm nhi miếng bánh tam giác mạch, mua cho vợ cái váy mới, cho cu nhóc đôi bánh áp chao… nói đôi ba câu chuyện hàng ngày.
Ai cũng nói "chưa đến Mã Pì Lèng là chưa đến Đồng Văn", nhưng chưa dự một phiên chợ cuối năm thì còn lâu mới thành người biên viễn.
Hãy theo cụ bà thử rượu từ đầu chợ đến cuối chợ cũng đủ say. Rồi trong cơn chếnh choáng, đi cùng một bác già dìu chú bê mới tậu ở chợ bò về bản, dọc theo con lối mòn hồng sắc đào phai, trắng sắc lê hoa, dạt dào đá xám. Nghe rạo rực những nhựa mầm đang tí tách nảy trong những gốc xù xì.
Xuân rẻo cao về muộn, và ở lâu, suốt tháng 2,3,4 đất trời lúc nào cũng rạo rực nảy mầm. Và đây là mùa lễ hội.
Bạn đã chơi hội Gàu Tào? Nơi chàng trai người Mông trong chiếc áo tà pủ, chiếc quần chân què say sưa tiếng khèn gọi bạn, chao lượn quanh chiếc váy tình yêu bách sắc. Hay bạn đã từng xem hội đua cá độc nhất vô nhị, chỉ diễn ra duy nhất một lần ở Yên Minh?
Bạn đã từng xem lễ hội thần rừng của người Pu Péo, lễ hội "xanh" nhất Việt Nam.
Đã từng dự lễ hội chợ tình Khau Vai, để hiểu cái hồn người trên núi cao sâu lắng mà cháy rực thế nào, khi các giá trị văn hóa phi vật thể thậm chí không cần một tí tẹo biểu hiện vật thể nào mà vẫn lung linh, huyền hoặc?
Toàn cảnh khu chợ tình Khau Vai (Ảnh: Tuyenquangonline)
Kể về lễ và hội, nhẽ chẳng nơi đâu đa dạng và nguyên thủy như nơi đây, kể cả tuần chửa hết và chơi cả năm chửa đã.
Cuối tháng 4, sang tháng năm, cả Cao nguyên vào mùa trồng cấy. Bạn hãy đi vào giữa cánh đồng, nơi người dân bản địa đang trồng ngô. Xem hoặc thử cách họ gùi từng gùi đất, đổ vào hốc đá nhỏ bằng cái chậu con để ươm vài hạt ngô vàng.
Cánh đồng, thay vì phẳng bằng bát ngát, thì bị ông giời dựng ngược lên 45 độ nghiêng. Nghiêng đến mức mà bạn tôi, một người chuyên nghiên cứu văn hóa thổ canh hốc đá, đã có lần đùa rất tếu táo:
"Tớ hiểu vì sao gọi là người Mông rồi, tớ đi xuống thì mông dường như chạm đất, trượt chứ chẳng phải đi. Lên thì toàn đụng trán vào mông.
Thật không thể tin được bà con vẫn gùi mấy chục cân đất đi thoăn thoắt như thế kia. Người Mông thật vĩ đại.".
Mỗi hạt ngô nơi đây có lẽ nằng bằng nửa bát bù hôi và đôi ba giọt máu.
Chuyện dông dài thế thôi, chứ xứ nhỏ xa xăm này còn nghèo khó lắm, và có kể thì cũng chả bao giờ hết những thứ đáng xem. Nhưng chúng tôi vẫn kiên cường, vẫn vươn lên đầy tự hào và tự trọng. Còn bạn, bạn đã quyết định lên thăm chúng tôi vào lúc nào chưa?
Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: BQL Công viên đá Đồng Văn.
Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm 4 huyện cực Bắc nghèo nhất nhì tổ quốc nằm ở tỉnh Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Vùng được các chuyên gia hàng đầu thế giới về địa chất và du lịch đánh giá có những di sản tầm quốc tế. Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Năm 2015, một lần nữa, UNESCO trong kỳ họp Đại hội đồng lần 38, đã công nhận nơi đây là một trong những kiệt tác của di sản Trái đất, di sản Nhân văn và sự kết nối giữa chúng.