*Bài viết có sử dụng tư liệu từ bài đăng của Melody Wilding trên tạp chí Anxy Magazine. Bà Wilding là giáo sư, chuyên viên tư vấn và nhà văn chuyên về tâm lý học, kiểm soát cảm xúc trong công việc.
Bà đã được cấp phép hành nghề ở Mỹ và hiện đang là giảng viên về hành vi nhân chủng học tại trường Hunter College ở thành phố New York-Mỹ.
Hãy giơ tay nếu bạn cảm thấy phát chán khi liên tục phải nghe những lời khuyên kiểu như "Cuộc sống chỉ bắt đầu khi bạn bước ra khỏi cùng an toàn". Trên thực tế tôi là 1 người trong số đó, cũng phát ngán vì những lời khuyên như vậy.
Thời đại ngày này, mạng xã hội và truyền thông tràn ngập những bài viết, học thuyết hay những lời khuyên của người nổi tiếng về việc chọn vùng an toàn chẳng khác nào tự hủy hoại cuộc đời bản thân.
Rằng nếu không có cố gắng, không vượt qua được những thử thách không thoải mái hàng ngày thì chúng ta sẽ chẳng thể đi đến đâu, chẳng thể thành công trong cuộc sống.
"Nó không đáng sợ như bạn nghĩ đâu", một chàng sinh viên tên Yubing Zhang đã phát biểu như thế trong chương trình đối thoại mở "TEDx talk" với chủ đề "Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi bạn chấm dứt vùng an toàn của mình".
Thời nay, nhà nhà khuyên cố gắng, người người cổ vũ mạo hiểm, nhưng có khi họ chẳng biết mình đang nói cái gì.
Diễn giả và là nhà văn nổi tiếng Jack Canfield cũng từng nói rằng khi bạn ở trong vùng an toàn, bạn sẽ thường xuyên có những niềm tin sai lầm về khả năng của bản thân, hay thậm chí hoài nghi nhiều vấn đề hoặc không tự tin.
"Vùng an toàn là nơi tuyệt đẹp của mỗi cá nhân, nhưng chẳng có gì phát triển hay thành công được ở đó cả", Diễn giả Canfield nhận định.
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt cũng từng có câu nói nổi tiếng: "Mỗi ngày hãy thử 1 thứ gì đó mà bạn từng sợ hãi", và chúng được in lên mọi thứ, từ cốc uống nước cho đến giấy dán tường để cổ vũ con người mạo hiểm.
Tôi cũng đã từng tin vào điều này, nhưng kinh nghiệm bản thân lại cho tôi thấy một trải nghiệm hoàn toàn khác.
Khi tôi liên tục ép bản thân thoát khỏi vùng an toàn như những gì mọi người khuyên, cuộc sống khiến tôi kiệt sức.
Tôi đã học được bài học đắt giá về việc xác định cũng như trân trọng các giới hạn của vùng an toàn của bản thân. Kể từ đó, bài học xứng đáng cả gia tài này đã giúp tôi đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.
Quay ngược trở lại cách đây vài năm, tôi thường sẽ phải chen chúc trên những chuyến xe buýt ra ngoại thành New York vào giờ cao điểm với khoảng 2 giờ di chuyển.
Cuộc đời tôi cũng chẳng khác các bạn là bao. Mỗi buổi sáng, thuốc an thần, giảm đau là những thứ duy nhất giúp tôi không gục ngã vì kiệt sức.
Tại thời điểm này, tôi đã cố gắng đẩy bản thân mình ra xa vùng an toàn và quan điểm sống là phải liên tục vươn lên, như đạt điểm "A" ở mọi môn học tại lớp, trở thành học sinh giỏi hàng đầu ở trường và kiếm được công việc ở Manhattan, trung tâm kinh tế của New York.
Nhìn bề ngoài, mọi thứ tưởng chừng như đều hoàn hảo. Tôi như là tấm gương sáng về thành công cho mọi phụ huynh hối thúc con cái họ noi theo. Nhưng trên thực tế, tôi cảm thấy mình ngày càng thất bại và bất lực.
Với tư tưởng phải liên tục cố gắng và không được sống thoải mái, tôi cho rằng những cảm xúc trên là do mình chưa đủ phấn đấu, chưa đủ tập trung. Nếu tôi thất bại là do tôi chưa làm đủ tốt, tôi cần phải cố gắng hơn nữa.
"Mình chỉ cần làm việc chăm chỉ hơn nữa. Mình đã thoát khỏi vùng an toàn. Mình sẽ trở nên tốt hơn. Cuộc đời mình sẽ thay đổi", tôi tự nhủ với bản thân như vậy.
Nhảy ra biển lớn là điều tốt, nhưng hãy chắc chắn là bạn sống được ở vùng nước mặn và có thể nhảy lại cái bể cá cũ nếu không sống được ở biển nhé.
Thế những nhiều tháng trôi qua, cảm giác sợ hãi, bất lực trong tôi càng tăng lên. Mỗi ngày trôi qua là một sự tra tấn. Tôi luôn tự hỏi khó khăn nào tôi sẽ phải đối mặt hôm nay? Dự án nào sẽ được sếp vứt trước bàn tôi sáng nay?
Cuộc đời tôi sẽ ra sao và còn những điều tồi tệ gì sẽ đến. Sức khỏe của tôi suy giảm dần và gần như sụp đổ.
Theo lý thuyết, việc đối mặt với nỗi sợ hãi sẽ khiến tôi có động lực phát triển, thế nhưng ở vào độ tuổi ngoài 20, sự cố gắng của tôi chỉ khiến bản thân mệt nhoài nằm trên giường, chẳng có sức sống một cuộc đời cho ra sống, luôn phải chịu đựng những cơn đau tim và ác mộng.
Bằng cách ép bản thân cố gắng theo khẩu hiệu "hãy thoát khỏi vùng an toàn", tôi đã hy sinh sức khỏe cùng rất nhiều thứ để rồi kiệt sức.
Cuối cùng, tôi đã phải rời bỏ công việc trong mơ ở Manhattan và chấp nhận rằng giới hạn của mình chỉ có đến vậy nếu không muốn mất mạng.
Hãy tạo nên bến đỗ cho tâm hồn tạm nghỉ ngơi
Theo tâm lý học, vùng an toàn là một trạng thái mà con người cảm thấy thoải mái và có thể kiểm soát được môi trường xung quanh của họ.
Câu chuyện làm thế nào mà phong trào tự thoát khỏi vùng an toàn để thành công hơn vẫn là điểm mù bởi không có dữ liệu chính xác.
Tài liệu xưa nhất có liên quan là báo cáo nghiên cứu năm 1907 của nhà tâm lý học người Mỹ Robert Mearns Yerkes cho thấy sự lo lắng của loài chuột thí nghiệm khiến chúng đạt hiệu suất cao hơn cho đến khi kích thích đạt đến mức tối ưu nhất định.
Tiếp đó, việc sử dụng lo lắng như 1 chất kích thích tăng cường năng suất được dần áp dụng rộng rãi khi nền kinh tế mở cửa dần từ thập niên 1990, đi kèm với đó là cuộc cạnh tranh làm giàu cũng như mưu sinh của người dân.
Thế tồi tiêu chuẩn sống đi lên khiến con người mơ ước nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn và cũng chèn ép nhau mạnh hơn.
Năm 2009, chuyên gia quản lý nổi tiếng người Anh, ông Alasdair White đã nêu bật quan điểm rằng sự lo lắng là yếu tỗ hỗ trợ quản lý cũng như hiệu suất.
Ông White cho rằng một nhà quản lý giỏi là phải biết điều chỉnh áp lực, tạo ra sự lo lắng vừa phải để kích thích lao động.
Trớ trêu thay vào năm 2017, báo cáo của trường đại học Leicester cho thấy không có bất cứ bằng chứng thực nghiệm nào chứng minh cho quan điểm của ông White.
Chúng chỉ là lý thuyết trên giấy mà chẳng có một nghiên cứu thực nghiệm trên cơ thể người nào chứng minh tạo càng nhiều sức ép thì năng suất càng cao.
Áp lực càng tăng thì chưa chắc năng suất sẽ lên mãi đâu.
Chúng ta đều biết sự lo lắng khiến con người có xu hướng cố thoát khỏi nguy hiểm, nhưng những câu hỏi như sức ép bao nhiêu là đủ, chúng có tác dụng phụ gì thì chẳng mấy người nói tới.
Các diễn giả luôn chỉ bảo chúng ta hãy rời bỏ thứ khiến mình thoải mái, nhưng họ lại chẳng nói rõ chúng ta nên giải quyết khủng hoảng thế nào khi quá áp lực, hay đến mức nào là giới hạn chịu đựng.
Cuộc sống khó khăn khiến mọi người chạy đua và chèn ép lẫn nhau, cha mẹ thúc ép con cái, bạn bè ganh đua lẫn nhau, đồng nghiệp cạnh tranh, sếp "đè" nhân viên, khách hàng hành hạ doanh nghiệp…
Nhưng tất cả các diễn đàn vẫn ra rả kêu "cố, cố nữa, cố mãi" để rồi dẫn đến những cái chết thương tâm của các em học sinh Hàn tự tử vì quá sức hay những cái chết bất chợt của nhân viên Nhật vì quá mệt.
Trên thực tế, đúng là chúng ta cần cố gắng nhưng theo một cách an toàn hơn.
Đầu thế kỷ 20, nhà tâm lý học Lev Vygotsky phát triển lý thuyết mới mang tên "Vùng phát triển gần".
Vùng này gần với vùng an toàn, cho phép cá nhân phát triển một cách an toàn, lành mạnh, tương tự như khi những đứa trẻ học thêm một kỹ năng mới.
Đối với tôi, lý thuyết này có nghĩa là chấp nhận thử thách một cách có suy tính, sau khi đã tính toán kỹ lương về khả năng của bản thân cũng như vạch ra đường lối chiến lược rõ ràng.
Nói đơn giản hơn là chấp nhận thử thách dựa trên những thế mạnh của bản thân chứ không mù quáng thoát khỏi vùng an toàn.
Bản thân tôi đã học được khá nhiều khi cố ép bản thân đến độ lăn ra ốm, đó là thời điểm mà tôi nhận ra rằng mình chẳng thể tra tấn thân xác thêm được nữa.
Bằng việc nhận ra cũng như tôn trọng ranh giới vùng an toàn, tôi có thể xác định trong trường hợp nào thì thử thách trở thành mối họa chứ chẳng phải yếu tố kích thích bản thân.
Cũng bởi vì đó mà tôi có thể quay trở lại về vùng an toàn mà mình cảm thấy thoải mái về tâm lý để bắt đầu một thử thách mới.
Trong một thế giới đòi hỏi chúng ta phải tập trung và tốn nhiều thời gian hơn để mưu sinh, vùng thoải mái chẳng khác nào một nơi trú ẩn khi căng thẳng vượt tầm kiểm soát.
Chúng như một bến đỗ giúp chúng ta lấy lại sự tự tin, lấy đà cho những thử thách mới khi đã suy nghĩ rõ ràng.
Khi ít phải tốn thời gian vật lộn với những thứ khó chịu, chúng ta có thể tập trung hơn vào những mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời.
Nói một cách ẩn dụ, những người cố thoát khỏi vùng an toàn chẳng khác nào những vận động viên thể thao mạo hiểm như nhảy dù, có thể mất mạng bất cứ lúc nào.
Còn những người sống trong vùng an toàn thì như những người chăm chỉ đắp từng viên gạch xây lên cuộc đời mình một cách dài lâu.
Đừng cố gắng mù quáng, hãy cố gắng có kế hoạch.