Cha mẹ thường hay có xu hướng quyết định thay con cái. Tuy nhiên, bằng cách này, chúng ta có thể vô tình tước đi những kỹ năng tự đưa ra quyết định - điều quan trọng mà trẻ cần có khi trở thành người lớn.
Vậy với mỗi độ tuổi cha mẹ có thể rèn luyện con thế nào để bé dần học được kỹ năng này?
Theo Jim Taylor, Tiến sĩ của tờ Psychology Today, có một điều nhất định cha mẹ cần làm đó là để trẻ nhỏ tự ra quyết định.
Tất nhiên, bạn không thể trao cho con trách nhiệm hoàn toàn trước một vấn đề quá hệ trọng nào đó. Tuy nhiên thay vì như vậy, cha mẹ có thể dần dạy bé cách đưa ra quyết định phức tạp hơn khi con lớn lên.
Cách tốt nhất để bắt đầu "luyện tập" cho các bé là không nên đưa ra quá nhiều lựa chọn.
Hãy giới hạn phạm vi chọn cho bé. Chẳng hạn, nếu bạn cho bé chọn bất kỳ thứ gì trong siêu thị. Sẽ xảy ra trường hợp bé bị thiếu quyết đoán do chọn thứ này lại tiếc thứ kia, hoặc ngược lại: bé muốn mọi thứ.
Vì thế, hãy đưa cho bé 2 hoặc 3 lựa chọn trong các lần quyết định, ví dụ như: "Con thích bim bim, táo hay sữa chua nào?". Sau đó yêu cầu bé suy nghĩ rồi quyết định chọn 1 thứ con thích nhất (hoặc 2 thứ tùy vào bạn muốn luyện tập bé).
Hãy đưa cho bé lựa chọn giữa 2 hoặc 3 thứ, tránh lựa chọn quá nhiều khi trẻ còn nhỏ, đây chính là bước khởi đầu cho khả năng tự quyết định của con. (Ảnh minh họa)
Khi con bạn bắt đầu trưởng thành hơn, bạn có thể đa dạng hóa các lựa chọn. Hơn nữa, cha mẹ có thể "nâng tầm quan trọng" của các sự việc cần lựa chọn, chẳng hạn như chọn lựa giữa một sự kiện con muốn tham gia, hay chọn thời gian để ngủ.
Sau đó, khi con đã tự ra quyết định của mình, hãy hướng dẫn bé nhìn nhận và hiểu ra đằng sau mỗi quyết định của con sẽ ảnh hưởng tới bé như thế nào.
Nếu quyết định của con không có kết quả tốt, bé nên biết rằng tự bé sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả của mỗi lựa chọn, những lần tới con cần cân nhắc hơn. Làm như vậy, con sẽ dần học được cách đưa ra quyết định một cách độc lập.
6 lợi ích to lớn khi cha mẹ dạy bé kỹ năng tự đưa ra quyết định
1. Ngăn chặn cơn giận dữ của con
Hầu hết, một đứa bé nổi cơn thịnh nộ khi chúng cảm thấy mình bị tước đi "quyền kiểm soát".
Đương nhiên, tất cả mọi người đều mong muốn có quyền kiểm soát. Không chỉ với người lớn mà con trẻ cũng cảm thấy cần "quyền kiểm soát" như vậy.
Bé có thể khóc toáng lên vì bữa sáng, nhưng không phải vì bạn đựng đồ ăn vào một cái khay khác với "khay yêu thích" của con, mà sâu xa hơn, hãy nhìn vào gốc rễ vấn đề, đó là bé không cảm thấy mình đủ "quyền lực".
Để bé có thể tự quyết định những vấn đề của mình, dù nhỏ bé cũng khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng hơn. (Ảnh minh họa)
Vì vậy, để cho bé con nhà bạn có được cảm giác "quyền lực" và "quyền kiểm soát". Đó là chìa khóa để ngăn chặn cơn giận dữ của bé dưới sự kiểm soát khéo léo của bạn.
Hãy nhớ rằng, bạn có nhiều thực quyền hơn nếu bé con cảm thấy mình được lắng nghe, được quyền quyết định, có quyền kiểm soát.
Với câu chuyện chiếc bát, đơn giản là hãy trao đổi với bé về việc con muốn dùng bát nào, hoặc chọn một chiếc bát khác thay thế vì chiếc bát yêu thích còn đang "ngái ngủ" hoặc muốn nghỉ ngơi một ngày chẳng hạn!
2. Giúp bé hình thành tự tôn, bớt mặc cảm tự ti.
Tự mình đưa ra quyết định là chìa khóa để tăng sự tự tin của bé. Việc tự mình đưa ra quyết định này mang lại hai cái lợi.
Một là bé cảm thấy vui thích với việc mình được chọn lựa. Hai là thỏa mãn sự tự tin của bản thân, từ đó thúc đẩy tích cực cho bé kỹ năng đưa ra quyết định khi lớn lên.
3. Giúp con ý thức về giá trị của bản thân
Một trong những điều trọng tâm của việc nuôi dạy con cái mà hầu hết các bậc cha mẹ bỏ qua đó là giúp bé ý thức giá trị của chính bản thân mình.
Trẻ em thực sự sáng tạo hơn người lớn. Những ý tưởng và đóng góp từ bé con nhà bạn cũng có giá trị như một người lớn và nên được xem trọng.
Hãy đảm bảo rằng những đứa trẻ nhà bạn hiểu rằng, cha mẹ đánh giá cao những gì các con đóng góp và khi trưởng thành đủ để nhận thức được rằng mình có thể đóng góp bao nhiêu giá trị cho gia đình.
Luôn chú ý đánh giá cao sự tham gia của con trẻ, những lựa chọn thường ngày dù đơn giản hay có vẻ tầm thường nhưng đều cần thiết để nâng cao lòng tự trọng và tự nhận ra giá trị của mình.
4. Hãy để con được chịu trách nhiệm
Cuộc sống được tạo thành từ những quyết định chúng ta đưa ra. Và điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi cha mẹ chuẩn bị cho con bước vào đời bằng cách giúp con tự đưa ra quyết định.
Từ từ kết hợp các lựa chọn nhỏ trong thói quen hàng ngày của trẻ giúp bé đóng vai trò tích cực trong việc đưa ra quyết định.
Hơn nữa, con bạn cũng sẽ dần được tiếp nhận, hiểu để xử lý cả quyết định và kết quả của chúng (dù tốt hay xấu).
5. Nuôi dưỡng và thúc đẩy năng lực sáng tạo của trẻ
Việc cha mẹ quyết định tất cả mọi thứ gần như tước mất cơ hội để trẻ giải phóng sự sáng tạo của bé, đồng thời không nuôi dưỡng khả năng tư duy trừu tượng của trẻ em.
Trên thực tế, hầu hết người lớn thường có suy nghĩ cố định và không có sự sáng tạo như trẻ em.
Dù sao, hãy luôn nhớ, vai trò của chúng ta là nuôi dưỡng tư duy sáng tạo của trẻ thay vì "tắt" ngấm sự sáng tạo đó thông qua lộ trình nuôi dạy con của mình.
Dạy kỹ năng ra quyết định phù hợp với lứa tuổi của mình, chẳng hạn như hỏi bé muốn vẽ gì, thay vì yêu cầu bé vẽ theo mẫu hoặc theo sự hướng dẫn.
Hãy kích thích khả năng sáng tạo trong con trẻ để bé thỏa sức phát huy những năng lực của mình. (Ảnh minh họa)
6. Để bé có cơ hội học cách giải quyết vấn đề
Ai cũng có lúc đưa ra những quyết định tồi tệ, và con bạn cũng không ngoại lệ. Đôi khi, quyết định của bé có thể dẫn đến một kết quả không mong muốn.
Điều đó không có gì là xấu hết, các mẹ à! Bé con của bạn sẽ nhìn thấy những gì xảy ra phản ánh qua quyết định sai lầm của chúng, từ đó giúp bé có khả năng đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.
Chẳng hạn, nếu con bạn đi đôi giày yêu thích và nhảy xuống bùn, làm hỏng giày, bé sẽ nhớ những gì đã xảy ra và quyết định khác đi nếu gặp lại tình huống đó (đi đôi giày bền nhất và nghịch bùn).
Các bậc cha mẹ à, chúng ta hãy là những người bạn đồng hành, giúp những đứa trẻ phát triển và trở thành những người trưởng thành hiểu biết, quyết đoán và có trách nhiệm trong tương lai.
Đưa cho con cơ hội để trải nghiệm, để sáng tạo, tăng cường sự tự tin và cảm thấy có trách nhiệm với bản thân mình sẽ cung cấp một nền tảng tuyệt vời cho bé phát triển các kỹ năng sống.
Ngay cả những lựa chọn tầm thường cũng có thể tạo nên ảnh hưởng về lâu dài - tại sao không để con bạn tự quyết định những điều đơn giản đó ngay từ hôm nay?