Hậu vỡ nợ, Sri Lanka thành “điểm nóng” địa chính trị mới ở châu Á

Hồ Điệp |

Chính phủ Sri Lanka vừa thông báo tạm dừng việc thanh toán 51 tỷ USD Mỹ nợ nước ngoài của nước này do không thể trả nợ.

Tiến sĩ Đặng Thái Bình.

Tiến sĩ Đặng Thái Bình.

Trong một động thái mới nhất, chính phủ Sri Lanka đã phải xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Trung Quốc cứu trợ. Nhưng, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn “lắc đầu” không cứu Sri Lanka vì những tính toán riêng.

Điều đáng nói là Sri Lanka , quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, nổi lên như một điểm nóng địa chính trị mới ở Nam Á - nhờ nhận được rất nhiều các khoản tài trợ, nhưng rốt cuộc vẫn vỡ nợ. Giới phân tích nhận định: suy thoái kinh tế và vỡ nợ không chỉ đẩy Sri Lanka đứng trước nguy cơ bất ổn chính trị mà còn có thể trở thành điểm nóng tranh giành giữa các ông lớn Ấn Độ, Trung Quốc và cả Mỹ.

Tiến sĩ Đặng Thái Bình, Phó trưởng phòng phụ trách - Phòng Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã có những đánh giá về tác động của việc Sri Lanka vỡ nợ đến cạnh tranh địa chính trị khu vực.

PV: Thưa Tiến sỹ, dư luận quốc tế đang dành sự quan tâm lớn tới câu chuyện Sri Lanka vỡ nợ. Nhiều năm nghiên cứu về Nam Á và Sri Lanka, trước tiên ông bình luận như thế nào về tình trạng mà Sri Lanka đang gặp phải?

TS Đặng Thái Bình: Quốc đảo Sri Lanka với dân số 22 triệu dân đang phải đối mặt với khủng hoảng cả về kinh tế và chính trị.

Có thể khái quát tình trạng nợ công và kinh tế của Sri Lanka qua một vài con số và thông tin nổi bật như sau: Chính phủ Sri Lanka đã vay các khoản tiền khổng lồ từ các tổ chức cho vay nước ngoài, các quốc gia khác để tài trợ cho các dịch vụ công cũng như phát triển cơ sở hạ tầng. Tỷ lệ nợ trên GDP của Sri Lanka đã tăng vọt trong những năm gần đây, tăng từ 42% vào năm 2019 lên 104% vào năm 2021, dự trữ ngoại hối thấp chưa từng có. Kết quả của tình trạng này đã dấn đến ngày 12/4 Sri Lanka đã tuyên bố vỡ nợ với 51 tỷ USD nợ nước ngoài.

Sri Lanka phải trả khoảng 8,6 tỷ USD các khoản nợ trong năm nay, tuy nhiên, tính đến tháng 3, quốc gia này chỉ có 1,94 tỷ USD dự trữ của mình. Sri Lanka phải trả 78,2 triệu USD tiền lãi vào ngày 18/4, tiếp theo là khoản thanh toán 1 tỷ USD cho một trái phiếu đáo hạn vào ngày 25/7.

Các nhà đầu tư nghi ngờ Sri Lanka khó có thể thực hiện khoản thanh toán vào tháng 7, với giao dịch trái phiếu thấp hơn mệnh giá 0,54 USD. Sri Lanka đã phải tuyên bố vỡ nợ vào ngày 12/4 và chính phủ đã phải đề nghị với IMF cung cấp gói cứu trợ khác cho Sri lanka cũng như đề nghị Trung Quốc và Ấn Độ cung cấp gói tín dụng để quốc đảo này có thể trang trải các khoản nợ.

Ngoài ra, thâm hụt thương mại liên tiếp và thâm hụt ngân sách khiến cho Sri Lanka nợ chồng nợ. Nước này cũng đang chìm trong lạm phát 18,8% - mức cao nhất ở châu Á, và mức chưa từng thấy kể từ Nội chiến Sri Lanka. Đồng Rupee Sri Lanka lao dốc giảm 32% từ đầu năm và trở thành đồng tiền kém nhất thế giới thậm chí còn thấp hơn so với đồng Ruble của Nga đã phục hồi trở lại mức trước chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.

Sri Lanka cũng đang phải đối mặt với nguy cơ về khủng hoảng chính trị. Nội các Sri Lanka từ chức liên tục vào ngày 3 tháng 4, khiến chính phủ phải loay hoay tìm các quan chức mới để giúp điều hành đất nước vượt qua các cuộc khủng hoảng. Hơn 40 nghị sĩ đã rời bỏ liên minh cầm quyền vài ngày sau đó vào ngày 5/4.

PV: Sri Lanka đang phải nhập khẩu hầu hết mặt hàng, từ sữa bột, gạo, xăng dầu cho tới dược phẩm, xi măng. Dư luận băn khoăn, Sri Lanka từ trước đến nay nhận được rất nhiều khoản viện trợ và cũng là thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường nhờ vào lợi thế vị trí địa lý của Sri Lanka ở Nam Á nhưng điều gì đã đẩy Sri Lanka vào tình cảnh hiện nay?

TS Đặng Thái Bình: Điều đầu tiên và là nguyên nhân lớn nhất đã đẩy Sri Lanka vào tỉnh cảnh hiện nay là do Sri Lanka là thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường tuy nhiên chính việc tham gia vào sáng kiến này đã đẩy Sri Lanka trở thành “con nợ”, cụ thể là việc đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém này đã gây ra tình trạng hiện nay của Sri Lanka khi mà các dự án cơ sở hạ tầng này gần như không tạo ra bất kỳ nguồn doanh thu thực sự nào trong khi đó Sri Lanka phải trả lãi cho các khoản vay này. Sri Lanka đã vay những khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ - chẳng hạn như Cảng quốc tế Hambantota do Trung Quốc tài trợ - với hy vọng rằng kết quả cuối cùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc cắt giảm thuế lớn và việc in tiền không kiểm soát đã gây áp lực lên tài chính công cũng như tạo ra lạm phát tăng cao: Một mặt giảm thuế làm giảm nguồn thu của chính phủ mặt khác điều này làm cho các cơ quan xếp hạng tín dụng đã hạ xếp hạng tín dụng của Sri Lanka ở mức gần vỡ nợ, khiến cho Sri Lanka bị đóng băng khỏi thị trường trái phiếu quốc tế. Nguyên nhân sâu xa của việc giảm thuế là ông Gotabaya được bầu làm tổng thống vào năm 2019 và thực hiện lời hứa sẽ cắt giảm thuế trong chiến dịch tranh cử của mình.

Chính sách hạn chế nhập khẩu không phải là chính sách tốt để dữ trự ngoại tệ và vấn đề kinh tế của Sri Lanka.

Ngành du lịch là ngành quan trọng của Sri Lanka (đóng góp 13% GDP) và nguồn ngoại tệ quan trọng trước Covid-19 tuy nhiên ngành du lịch đã bị lao dốc do các vụ đánh bom và đại dịch Covid-19 khiến khả năng tích lũy và trả nợ của Sri Lanka càng trở nên khó khăn. Khách du lịch giảm từ 2,3 triệu năm 2018 xuống còn 173.000 năm 2021.

Yếu kém trong quản lý kinh tế của chính phủ cũng như việc sắp xếp các thành viên trong gia đình vào các vị trí chủ chốt đã dẫn đến một nội các và một chính phủ không hiệu quả trong điều hành nền kinh tế.

Thâm hụt thương mại liên tiếp đặc biệt là thâm hụt trong chi tiêu của chính phủ (thâm hụt ngân sách) dẫn đến nợ kép là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế và nợ công của Sri Lanka đang phải đối mặt hiện nay.

Sai lầm trong chính sách nông nghiệp: đó là việc thay đổi một cách đột ngột từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang canh tác hữu cơ và cấm nhập khẩu phân bón hóa học (Từ tháng 4/2021) với ý tưởng là để ngăn chặn nhập khẩu làm cạn kiệt ngoái hối của đất nước.

Điều này đã dẫn đến sản lượng gạo giảm 50%, buộc nước này phải nhập khẩu gạo lần đầu tiên trong nhiều năm và sản lượng chè cũng sụt giảm, làm mất đi một trong những ngành xuất khẩu chủ chốt của quốc gia này. Vào tháng 3 năm nay, lạm phát ở Sri Lanka đạt 18,8% - cao nhất ở châu Á, và mức chưa từng thấy kể từ Nội chiến Sri Lanka - và giá lương thực tăng 30% so với năm trước.

Trong khi đó, Covid-19 cũng làm giảm lượng kiều hối từ những người Sri Lanka làm việc ở nước ngoài, cuộc chiến Nga-Ukraine cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ra lạm phát, tăng chi phí nhập khẩu của Sri lanka.

PV: Trong một động thái mới nhất, Sri Lanka đã xin Ấn Độ và Trung Quốc xóa nợ, song cả Ấn Độ và Trung Quốc đều “lắc đầu từ chối”. Phải chăng Sri Lanka không còn quan trọng nữa hay Ấn Độ và Trung Quốc đang có những tính toán khác?

TS Đặng Thái Bình: Chúng ta có thể khẳng định rằng Sri Lanka vẫn có một vai trò quan trọng đối với cả Ấn Độ và Trung Quốc. Hai quốc gia này đồng thời cũng là 2 trong 3 chủ nợ lớn đối với Sri Lanka trong đó Trung Quốc và Nhật Bản nắm giữ 10% mỗi khoản nợ nước ngoài của Sri Lanka, trong khi Ấn Độ là dưới 5%.

Trong tình trạng khủng hoảng hiện nay thì Sri Lanka đã tìm cách xóa nợ 2 quốc gia trên, tuy nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc không xóa nợ mà thay vào đó đưa ra nhiều hạn mức tín dụng hơn để mua hàng từ Sri lanka. Sắp tới cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tăng cường đề nghị hỗ trợ giúp đỡ Sri Lanka vượt qua khó khăn; thông qua các gói cho vay thời gian dài nhưng lãi suất thấp, nhằm lôi kéo Sri Lanka vào quỹ đạo của mình.

Vào ngày 17/3, Ấn Độ đã cung cấp 1 tỷ USD tín dụng cho nước này, đồng thời cung cấp viện trợ về thuốc và nhiên liệu thiết yếu. Sri Lanka cũng đang đàm phán với Trung Quốc về khoản tín dụng bổ sung 2,5 tỷ USD.

Ấn Độ và Trung Quốc đều không muốn xoá nợ cho Sri Lanka, vì nếu nước nào xóa nợ cho Sri Lanka thì sẽ mất nhiều lợi thế trong khai thác hàng hải ở biển Ấn Độ Dương, nhất là trong bối cảnh cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang hiện thực hoá mục tiêu trở thành cường quốc biển. Cũng như đối với Trung Quốc việc tiếp tục cung cấp tín dụng cho Sri Lanka để kéo quốc đảo này sâu hơn vào sáng kiến Vành Đai con đường của Trung Quốc.

PV: Ông bình luận như thế nào về vị trí địa chính trị của Sri Lanka đối với các cường quốc hiện nay và theo ông, bất ổn kéo dài ở quốc gia này có thể dẫn tới những hệ quả gì đối với khu vực?

TS Đặng Thái Bình: Thứ nhất Sri Lanka vẫn có một vai trò quan trọng đối với Ấn Độ và Trung Quốc. Sri Lanka đang cố gắng cân bằng cả hai quốc gia và gặt hái lợi ích từ lợi ích địa chính trị của Trung Quốc và Ấn Độ, vì cả hai nước đều có lợi ích chiến lược ở Sri Lanka.

Trung Quốc vừa là nguồn nhập khẩu hàng đầu vừa là quốc gia đầu tư nhiều vốn FDI nhất vào Sri Lanka. Trung Quốc muốn giữ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Sri Lanka, họ thận trọng để không chấp nhận những rủi ro không cần thiết. Các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trước đây chứng thực điều này. Hơn nữa, về mặt địa chính trị, Trung Quốc và Ấn Độ đều có tham vọng trở thành cường quốc biển và đạt được những lợi thế về kinh tế và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trung Quốc đã thể hiện tham vọng này khi đầu tư 100% vốn Dự án Thành phố Cảng Colombo. Dự án này được ví như là: “Viên ngọc quý của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương” bởi khi hoàn thành dự án này sẽ trở thành một khu vực gần như ngoài lãnh thổ sẽ có một số luật và quy định thuận lợi riêng về thương mại và đầu tư. Vị thế của Sri Lanka khiến Trung Quốc quan tâm. Nằm lơ lửng ở mũi của tiểu lục địa Ấn Độ trên con đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, ngay giữa Đông Á, Trung Đông và Châu Phi, Sri Lanka luôn là một trung tâm thương mại ly hợp.

Đối với Ấn Độ, thứ nhất, khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka làm cho quốc đảo này tái ràng buộc kinh tế với Ấn Độ. Trong 2 năm qua, Sri Lanka đã tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế với Ấn Độ và nhiều lần tìm kiếm sự hỗ trợ. Ấn Độ cũng đã tận dụng cơ hội này để mở rộng sự hiện diện kinh tế của mình ở Sri Lanka trong bối cảnh sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước láng giềng gần gũi của Ấn Độ. Các khoản tín dụng này có thể sẽ dẫn đến việc Ấn Độ trở thành nguồn nhập khẩu hàng đầu của Sri Lanka, vượt qua Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka cho phép Ấn Độ thực hiện các lợi ích địa chính trị của riêng mình bằng cách tăng cường sự hiện diện của họ ở những nơi quan trọng về mặt chiến lược ở Sri Lanka. Một công ty con của công ty dầu chính phủ Ấn Độ, Công ty Dầu Ấn Độ Lanka (LIOC), đã ký một thỏa thuận phát triển các mỏ dầu Trincomalee như một liên doanh cùng với Sri Lanka.

Theo đó, 51% liên doanh thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Ceylon trong khi LIOC sở hữu 49% còn lại. Thỏa thuận này đã bị đình trệ trong nhiều năm do tính chất gây tranh cãi của dự án, nhưng cuộc khủng hoảng đã tạo cơ hội cho Ấn Độ đạt được thỏa thuận.

Có thể nói, khủng hoảng Sri Lanka một mặt tạo ra những lợi thế cho Ấn Độ trong việc khai thác dầu khí của Sri Lanka nhưng đây có thể là những nguồn cơn trong việc tranh chấp khai thác dầu khí tại Sri Lanka và Ấn Độ Dương, điều này sẽ làm cho tình hình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc khai thác dự án thành phố cảng Colombo trung tâm của Ấn Độ Dương sẽ khiến cạnh tranh về địa chính trị và hàng hải giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương sẽ ngày càng gia tăng. Ngoài ra Mỹ ngày càng hướng trọng tâm vào khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng như chủ trương về tự do hàng hải thì sẽ khiến tình hình tại khu vực này càng trở nên phức tạp hơn.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại