"Sống trong sợ hãi", bộ phim dựa trên câu chuyện có thật của một người đàn ông làm nghề khai thác mìn ở tỉnh Ninh Thuận được nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc viết kịch bản và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bấm máy, công chiếu năm 2005 do hãng phim truyện Việt Nam phát hành.
Đây cũng là một trong những bộ phim Việt Nam đầu tiên được thu âm hiện trường với sự giúp đỡ của đài NHK – Hiệp hội truyền thông Nhật Bản.
Phim có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: Mai Trần, Mỹ Uyên, Hạnh Thuý, Trần Hữu Phúc, Mai Ngọc Phượng, Bùi Nam Yên, Nguyễn Phước Lai Thị Minh Hiền.
Ở thời điểm phát hành, phim từng gây ra một làn sóng tranh cãi dữ dội vì có quá nhiều cảnh nóng, trong khi khán giả lúc đó đa phần vẫn chưa có cái nhìn "cởi mở". Thậm chí, chính diễn viên cũng e ngại.
Sau 14 năm, ê-kíp làm phim "Sống trong sợ hãi" người còn người mất, người khoẻ người yếu, người chuyển hướng làm công việc khác, người tiếp tục phát triển sự nghiệp.
Người còn làm nghề cũng đi qua hàng trăm vai diễn, hàng trăm nhân vật với bao cảm xúc hỉ nộ ái ố... nhưng những kỷ niệm khi thực hiện bộ phim này chắc chắn vẫn còn hằn sâu trong tâm trí mọi người.
Nghệ sĩ ưu tú Hạnh Thuý kể: "Hồi đó diễn viên làm phim chỉ vì ham một vai diễn, vì nghe tiếng ông đạo diễn này (Bùi Thạc Chuyên – PV) làm việc hay lắm chứ không ai biết sẽ được bao nhiêu tiền cho vai đó. Mà thật ra, tiền cũng chẳng được bao nhiêu thật nhưng kỷ niệm, tình cảm thì vô giá.
Diễn viên Trần Hữu Phúc và bé Nguyễn Phước Lai Thị Minh Hiền trong phim Sống trong sợ hãi. Minh Hiền đã mất vì u não năm 2009, còn Trần Hữu Phúc sau này ít đóng phim mà chuyển qua làm phó đạo diễn và đạo diễn phim truyền hình như Mùi ngò gai, Tường vi cánh mỏng...
Đoàn quay ở Phan Rang, nắng gió khủng khiếp, vất vả không thể tưởng tượng được nhưng mọi người thương nhau, gắn bó với nhau như một gia đình.
Đến tận bây giờ, anh em trong đoàn vẫn có một ước hẹn với nhau là, hễ gặp mặt là sống chết gì cũng phải ráng đến, ngồi mau ngồi lâu không cần biết nhưng phải đến.
Đến để kể đi kể lại những chuyện mà ai cũng thuộc làu nhưng không khí thì vẫn rôm rả như ngày đầu off máy.
Trong đoàn có bé Lanh tên thật là Nguyễn Phước Lai Thị Minh Hiền. Cô bé có cái tên dài nhất mà Thuý từng biết nhưng lại vắn số, mất khi mới 16 tuổi.
Cô bé có mái tóc rất dài và đen đẹp, cái lúm đồng tiền, nước da đen giòn, giọng thoại trong veo và diễn rất giỏi. Hồi đó, Thuý cứ thắc mắc mãi sao giám khảo không trao giải diễn viên xuất sắc cho con vì còn diễn giỏi hơn cả mẹ.
Mai Phượng hai mấy tuổi đầu mà nhí nhảnh đến nỗi trai Phan Rang 16, 17 tuổi, thậm chí có đứa mới 14, 15 cứ đi theo chọc ghẹo hoài vì tưởng là trẻ vị thành niên. Thế mà Mai Phượng đóng vai một phụ nữ chồng con lam lũ.
Hạnh Thuý bây giờ đã là nghệ sĩ ưu tú. Ngoài là một diễn viên, Hạnh Thuý còn là đạo diễn và tham gia công tác giảng dạy đào tạo diễn viên kế thừa.
"Bố" Mai Trần sau mấy ngày quay phim, phơi mình ngoài nắng gọi điện về khoe với vợ "em ơi, cái chỗ bình thường em chê nó đen thì giờ chỗ đó nó trắng nhất rồi", làm cả đoàn phim ai cũng cười sằng sặc.
Mấy anh em trong tổ quay phim như Khuê, Cương, anh Hoàng Tấn Phát cứ chăm chút từng khung hình, từng góc sáng đến nỗi nhiều người bảo, mình đẹp nhờ quay phim. Còn anh phó đạo diễn Lý Anh Tâm lo cho anh em từ miếng ăn đến giấc ngủ.
Phân đoạn mà Thuý nhớ nhất là cảnh khai máy theo bé Lanh đi tìm cha ở cuối phim. Máy phải đi theo bé rất dài, qua nhiều địa hình.
Cú máy dài đến nỗi nhiều người xem phim xong cứ hỏi địa hình đó, cú máy đó đã đi kiểu gì vì không thể chạy dolly, không boom, không thể xách máy vì máy quay phim nhựa thời đó cồng kềnh, nặng nề vô kể chứ chưa có flycam như bây giờ.
Để quay cảnh này, anh Đạo phải xách đồ nghề đi lang thang từ vài ngày trước, xem đặt mic chỗ nào để thu âm tốt nhất, có khi ngồi lặng thinh cả buổi trời chỉ để nghe tiếng hiện trường, tính xem thu cái gì thì hiệu quả.
Mỹ Uyên, Hạnh Thuý trong phim Sống trong sợ hãi.
Trong đoàn có diễn viên đóng vai bà chủ vựa thu mua phế liệu, bà có nét mặt và nhân dáng rất hay nhưng không biết diễn, diễn cả chục lần không được, làm mất bao nhiêu mét phim nhựa.
Cuối cùng, đạo diễn nghĩ ra cách buộc dây vào chân bà, khi nào giật dây thì nói. Vậy mà rồi cũng ổn, nhìn bà già chất hơn bất cứ diễn viên nào.
Cô thư ký đoàn phim rất dữ. Mỗi lần diễn viên diễn sai, hao phim là cô ấy la rầy, may là còn được đạo diễn bênh. Đạo diễn bảo, "quan trọng nhất là cảm xúc của diễn viên nhưng nếu diễn viên diễn ít tốn phim hơn thì vẫn tốt".