Hạnh Thuý: "Ngày cúng Tổ chỉ còn vài chục ngàn, mua 1 kg hồng, ngượng không dám bày lên lễ"

Cao Thanh Hương |

"Lần đầu được tham gia lễ Giỗ, trong túi tôi chỉ có mấy chục ngàn, rón rén mua một ký trái hồng về nhưng không dám bày lên bàn thờ vì thấy phần lễ của mình sao kỳ quá", Hạnh Thuý kể.

Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu là ngày hội của những người làm nghề, là cơ hội để mọi người gặp gỡ, xí xóa mọi giận hờn cho nhau. Trong ngày này, ai cũng chỉ một lòng thành tâm hướng Tổ.

Những người có tâm, đêm trước Lễ giỗ Tổ thường thao thức khó ngủ, nghĩ cách chia lịch để đến chỗ này, đi chỗ kia cầu sức khỏe và công việc thuận buồm xuôi gió.

Hạnh Thuý cũng thao thức. Nhưng cái thao thức ấy đưa chị nhớ về những ngày đầu mới bước chân theo nghề mà ngày giỗ Tổ, trong túi chỉ còn vài chục ngàn, mua một kg hồng về sân khấu mà ngượng, không dám bày lên cúng vì thấy phần lễ của một sao mà... kỳ quá!

Hạnh Thuý: Ngày cúng Tổ chỉ còn vài chục ngàn, mua 1 kg hồng, ngượng không dám bày lên lễ - Ảnh 1.

Ngày giỗ Tổ nghề là một ngày hội đối với những người đang ăn cơm Tổ.

Tổ nghiệp chứng tấm lòng thành

Hạnh Thuý nhớ lại: "Ngày này nhiều năm trước, lần đầu được tham gia lễ Giỗ, trong túi tôi chỉ có mấy chục ngàn, rón rén mua một ký trái hồng về nhưng không dám bày lên bàn thờ vì thấy phần lễ của mình sao nó "kỳ" quá!

May nhờ lúc ấy có một cô trong nhà hát nói: "Con cứ bày lên, ông Tổ sẽ chứng tấm lòng nên đừng lo". Vậy là cô bày lên đĩa rồi dâng lên bàn thờ dùm tôi".

Hạnh Thuý thắp nhang, lạy 12 lạy, lòng thầm cầu nhiều thứ nhưng không dám mơ ước lớn lao. Chỉ xin Tổ nghiệp cho được làm nghề lâu lâu, đóng vai ngắn ngủi, vài phân đoạn cũng được... miễn sao bà con hàng xóm lỡ có xem ti vi, thấy Hạnh Thuý đóng kịch và biết chị là diễn viên là được.

Lời nguyện cầu thành tâm ấy đã được chứng. Sau đó, Hạnh Thuý được y chang vậy. Vai của chị nhỏ xíu, chạy xẹt ngang màn hình vậy mà lâu lâu cũng có khán giả gặp chị bảo "bữa thấy con đóng phim". Chỉ nghe vậy, Hạnh Thuý đã sướn rơn và hạnh phúc vô cùng.

Nhưng rồi chị nhận ra lâu lâu đóng vai nhỏ thì không sống được với nghề, lại len lén xin ông Tổ: "Cho con diễn nhiều nhiều để có tiền lo cho gia đình".

Hạnh Thuý: Ngày cúng Tổ chỉ còn vài chục ngàn, mua 1 kg hồng, ngượng không dám bày lên lễ - Ảnh 2.

Hạnh Thuý cùng đồng nghiệp cúng giỗ Tổ ở Đài truyền hình TPHCM.

Rồi vai diễn, suất diễn cũng nhiều hơn, Hạnh Thuý dần an tâm với mưu sinh. Không nhiều tiền, nhưng mỗi suất vài chục ngàn, một tối cũng hơn trăm ngàn, đủ lo cho con và lâu lâu lo cho gia đình nữa.

Càng làm nghề, Hạnh Thuý càng cháy lên những khát khao riêng, nên trước bàn thờ, trước mỗi suất diễn thắp nhang cho Tổ nghề, chị đều âm thầm xin "cho con được như người này, cho con được như người kia, cho con được giải thưởng... tại con thèm quá"!

Hạnh Thuý từng nghĩ rằng, mình đi tấu hài thì suốt đời chắc chẳng bao giờ có cơ hội được giải thưởng. Ấy vậy mà cơ duyên đưa đẩy. Hạnh Thuý được vài giải thưởng, huy chương chứ không phải một. Lần nào được xướng tên, chị cũng ngơ ngác không hiểu tại sao người ta lại gọi mình.

Hạnh Thuý lại thèm có một chỗ ở tử tế, có một cái xe mới, có thêm sức khoẻ làm việc này việc kia, có cơ hội làm từ thiện như một cách báo ân với Tổ nghiệp đã phù hộ cho mình.

Cầu thì cầu vậy nhưng trong lòng vẫn nghĩ, không bao giờ mình thành đạt vì thấy mình không có chút cơ may nào để đạt được.

Ấy vậy mà tất cả những lời nguyện cầu ấy, Tổ đều nghe và đều cho chị. "Có thể thời gian hơi lâu, thậm chí đến cả chục năm nhưng lời ước nguyện nào của tôi cũng đều đạt được", chị nói.

Hạnh Thuý: Ngày cúng Tổ chỉ còn vài chục ngàn, mua 1 kg hồng, ngượng không dám bày lên lễ - Ảnh 3.

Hạnh Thuý dành nhiều thời gian cho các hoạt động từ thiện cùng bạn bè, đồng nghiệp.

Hạnh Thuý: Ngày cúng Tổ chỉ còn vài chục ngàn, mua 1 kg hồng, ngượng không dám bày lên lễ - Ảnh 4.

mang tiếng cười đến cho người nghèo, trẻ em là niềm hạnh phúc của chị. Đó cũng là cách chị báo ân như một phần lễ vật dâng Tổ nghiệp.

"Trả treo với Tổ nhất chắc có mình tôi"

Hạnh Thuý bảo, bây giờ đã khấm khá hơn, đã có thể đường hoàng chuẩn bị một lễ vật tử tế hơn, nhưng vẫn xin ông Tổ cho cúng "vừa phải" theo sức mình, rồi sẽ tham gia những việc từ thiện, đóng góp, coi như đó là phần lễ vật dâng lên Tổ nghiệp.

Chị hài hước nói: "Trả treo với Tổ nhất chắc có mình tôi, muốn gì đòi đó, đòi bằng được mới thôi. Nhưng may mắn là Tổ nghiệp thương, cho đủ".

Lễ giỗ Tổ năm nay, Hạnh Thuý chỉ dám xin cho mình và gia đình mãi được an yên như bây giờ và những công việc sắp tới được như ý.

Chị cũng không quên cầu xin Tổ nghiệp phù hộ cho những đồng nghiệp của mình được khoẻ mạnh, bình an. Và cầu cho sân khấu, điện ảnh Việt được khán giả thương yêu hơn, có nhiều tác phẩm hay và giá trị hơn!

Điều cuối cùng Hạnh Thuý xin là "nếu đến ngày cuối, xin cho con được chết nhẹ nhàng không bệnh tật".

Nhìn lại chặng đường mấy chục năm làm nghề của mình, Hạnh Thuý bảo: "Tôi có một lời khuyên cho những bạn trẻ nghèo như mình hồi đó. Tổ nghiệp chứng tấm lòng, có lòng nén nhang cũng đủ. Dĩ nhiên lễ vật là điều cụ thể nhất thể hiện lòng mình với Tổ nghiệp nhưng không cần phải vay mượn để sắm theo "con nhà người ta".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại