Hậu quả tàn khốc nếu Ấn Độ và Pakistan trút bom hạt nhân lên nhau

Trung Hiếu |

Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan làm dấy lên quan ngại về chiến tranh hạt nhân. Bài học Chiến tranh Lạnh cho thấy, điều khủng khiếp nhất có thể xảy ra.

Hôm 26/2/2019, các máy bay chiến đấu của Ấn Độ tấn công một trại huấn luyện khủng bố của nhóm Jaish-e-Mohammed (JeM) đóng trên lãnh thổ Pakistan, ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Cuộc tấn công này là đòn trả đũa cho một vụ đánh bom tự sát trước đó ở vùng Kashmir (khu vực Ấn Độ kiểm soát) hôm 14/2 khiến hơn 40 cảnh sát bán quân sự của Ấn Độ thiệt mạng.

Dấu hiệu bất thường trong đụng độ

Cuộc không kích đó là trường hợp đầu tiên kể từ Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan 1971 một trong hai quốc gia này sử dụng sức mạnh không quân để chống lại nước kia. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã thực hiện các cuộc không kích vào một quốc gia khác cũng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hậu quả tàn khốc nếu Ấn Độ và Pakistan trút bom hạt nhân lên nhau - Ảnh 1.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra. Ảnh: AFP.

Việc triển khai máy bay để chống lại một quốc gia khác cho thấy cấp độ thù địch đã vượt xa các đụng độ ở biên giới. Năng lực của một quốc gia trong việc tung ra những phi cơ công nghệ cao thường được xem là một chỉ dấu về công nghệ hiện đại, khiến cho sức mạnh không quân nước đó trở thành một biểu tượng mạnh mẽ cho lòng tự hào dân tộc.

Cần lưu ý thêm rằng các máy bay phản lực Mirage 2000 do Không quân Ấn Độ sử dụng trong đợt không kích này cùng là loại máy bay dùng để mang và sử dụng một số loại vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Khi một đất nước sẵn lòng thực hiện một cuộc tấn công bằng những phi cơ và trái bom trị giá hàng chục triệu USD thì điều này có khả năng kích động một cuộc leo thang căng thẳng nghiêm trọng có thể vượt ra ngoài vòng kiểm soát.

Thực tế trong vụ này, Pakistan đã phản ứng lại cuộc không kích của Ấn Độ bằng các đợt pháo kích và những cuộc không kích của riêng mình. Cả hai bên đều mất máy bay trong các cuộc đụng độ này, trong đó phía Pakistan tuyên bố đã bắn rơi 2 máy bay phản lực của Ấn Độ, bắt giữ một phi công Ấn Độ, còn phía Ấn Độ tuyên bố đã bắn hạ một phi cơ Pakistan.

Rất may là phía Pakistan sau đó đã trao trả viên phi công Ấn Độ cho phía Ấn Độ, một cử chỉ thiện chí giúp hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên tình hình hoàn toàn đã có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Kho vũ khí tử thần, cả cấp chiến lược lẫn chiến thuật

Ấn Độ và Pakistan sở hữu hai trong các kho vũ khí hạt nhân mở rộng nhanh nhất trên thế giới. Hans Kristensen thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ ước tính rằng Ấn Độ có trong tay khoảng 140 vũ khí hạt nhân còn Pakistan sở hữu khoảng 150 vũ khí hạt nhân.

Đặc biệt quan ngại là việc Pakistan đang gia tăng các vũ khí hạt nhân nhỏ hơn, ở cấp chiến thuật. Theo Kristensen, các vũ khí hạt nhân chiến thuật này là một phần trong nỗ lực “tạo ra mối răn đe toàn phổ được thiết kế không chỉ để phản ứng lại các cuộc tấn công hạt nhân mà còn để ngăn chặn một cuộc xâm lấn quy ước của quân Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan”.

Điều này thực sự đáng lo ngại. Bản thân việc sở hữu vũ khí hạt nhân loại có thể đem dùng chống lại lực lượng quy ước đã là một mối đe dọa làm giảm ngưỡng sử dụng các vũ khí này trong xung đột.

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói như thế này: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Chúng tôi tin rằng các hệ thống đó làm tăng khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân trong khu vực”.

Các mối đe dọa này không chỉ đơn thuần là dọa nạt. Mới đây một tướng Pakistan hồi hưu nói với các đồng nghiệp của mình rằng để răn đe Ấn Độ, “phản ứng của chúng ta nên là leo thang và đẩy giới hạn thù địch tới mức độ có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân”.

Tất nhiên lối tư duy này là sai trái. Chính Mỹ từng nghĩ như vậy và đã phải từ bỏ suy nghĩ đó.

Bóng ma hạt nhân gây sốc cho chính Mỹ

Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ tích trữ hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật, bao gồm các súng bazooka, mìn và đạn pháo hạt nhân, dùng đó làm công cụ để đối phó lại ưu thế quân sự quy ước của Liên Xô ở châu Âu. Kế hoạch của Mỹ khi đó khá đơn giản.

Nếu một đội quân xe tăng của Liên Xô lăn bánh qua khoảng trống Fulda, Mỹ sẽ sẵn sàng sử dụng một loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ. Học thuyết của Mỹ khi ấy là, bằng việc thể hiện quyết tâm sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, họ sẽ buộc đối phương nghĩ rằng họ liều đến mức có thể sử dụng loại vũ khí hạt nhân to hơn, và do vậy làm cho đối phương lùi bước.

Năm 1955, Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện cuộc tập trận Carte Blanche, trong đó hơn 300 vũ khí hạt nhân chiến thuật giả định được sử dụng để chống lại các mục tiêu Liên Xô trên đất Đức với mục tiêu ngăn chặn quân đội Liên Xô tiến sang.

Khi bụi lắng xuống và khói tan đi (sau cuộc tấn công hạt nhân), ước tính 1,7 triệu người Đức đã tử vong và 3,5 triệu người bị thương. Ngoài ra do ảnh hưởng của ô nhiễm phóng xạ, sẽ có thêm vô số thương vong nữa. Khi các kết quả bi thương này của cuộc tập trận được tiết lộ cho báo chí, chúng tạo ra tâm lý hãi hùng, bất an cao độ ở Tây Đức trước chiến lược hạt nhân của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Reagan đã thử nghiệm lại tình huống này vào năm 1983, với cuộc tập trận Proud Prophet. Kịch bản của cuộc tập trận này như sau: Khối quân sự NATO mở các cuộc tấn công hạt nhân giới hạn nhằm vào các mục tiêu Xô viết để đáp trả một cuộc khiêu khích quy ước. Nhưng thay vì lùi bước, phía Liên Xô lại đáp trả gấp đôi.

Cố vấn Bộ Quốc phòng Mỹ kiêm sử gia Paul Bracken viết: “Phe Liên Xô giải thích các cuộc tấn công này là một cuộc tấn công vào quốc gia họ, lối sống của họ và danh dự của họ. Nên họ đã phản ứng thật bằng một loạt phóng tên lửa hạt nhân khủng vào nước Mỹ”. (Nhưng việc này phóng này của Liên Xô đã không diễn ra do một sự cố nhỏ - ND).

Vẫn Paul Bracken: “Mỹ đáp trả tương ứng. Kết quả sẽ là một thảm họa khiến cho tất cả các cuộc chiến tranh trong 500 năm qua trở nên mờ nhạt... nửa tỷ người có thể chết trong cuộc giao tranh hạt nhân lúc đầu, và nhiều người nữa sẽ chết do phóng xạ và đói khát. Nhiều khu vực lớn của Bắc Bán cầu sẽ không thể sinh sống được trong nhiều thập kỷ”.

Các kết quả dự đoán nói trên đã khiến Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bị sốc nặng và kế hoạch của ông đã được dẹp bỏ ngay trong ngày. Vài tháng sau, Regan nói với người dân Mỹ rằng “một cuộc chiến tranh hạt nhân không có bên chiến thắng và không được phép để xảy ra”.

Hậu quả nếu kho vũ khí hạt nhân Ấn Độ và Pakistan được sử dụng

Các bài học về các cuộc tập trận nguy hiểm nói trên có tác dụng với khu vực Ấn Độ-Pakistan. Các nghiên cứu gần đây đã ước tính rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân trong khu vực (như giữa Ấn Độ và Pakistan) có thể dẫn tới cái chết của khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới.

Để ngăn chặn cơn ác mộng này trở thành hiện thực, cộng đồng quốc tế phải lên án các hành động bạo lực và tạo thêm không gian cho việc hòa giải các xung đột trước khi tình hình leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Cuộc khủng hoảng mới nhất phản ánh một vấn đề lớn hơn. Năm năm qua đã có sự gia tăng đáng kể căng thẳng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Mối quan hệ Nga-Mỹ đã xấu đi tới mức chưa từng thấy thời Chiến tranh Lạnh, và Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF) – một hòn đá tảng cho kiểm soát vũ khí quốc tế, đã bị vứt bỏ. Nga và NATO đã có những hành động thù địch lẫn nhau ở Syria, khiến máy bay chiến đấu của Nga bị bắn hạ tại đây. Số lượng các vụ đối đầu giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông cũng lên mức cao kỷ lục. Khi thần may mắn thôi mỉm cười, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại