Reuters trích thông tin từ Điện Kremlin ra thông báo ngày 29/8 rằng sự thất bại trong sứ mệnh Luna-25 của Nga tới Mặt trăng hồi giữa tháng 8 là "không có gì khủng khiếp" và điều quan trọng chính là Nga sẽ tiếp tục chương trình thám hiểm không gian của mình.
Trong cuộc gọi với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Đây không phải là lý do để tuyệt vọng, cũng không phải khiến chúng tôi phải 'vò đầu bứt tai'. Tai nạn của Luna-25 là một lý do khác để phân tích nguyên nhân thất bại và loại bỏ chúng cho các sứ mệnh tiếp theo".
Tàu vũ trụ của sứ mệnh Luna-25 Nga. Ảnh: Roscomos
Luna-25, sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976, đã rơi xuống Mặt trăng vào ngày 19/8 sau quá trình điều động quỹ đạo thất bại, điều được báo chí nước ngoài coi là một đòn giáng mạnh vào chương trình không gian của Nga.
Vài ngày sau, ngày 23/8, tàu vũ trụ của Ấn Độ đã hạ cánh thành công xuống cực Nam Mặt trăng.
Dmitry Peskov nói: "Điều quan trọng là Nga sẽ không dừng lại. Kế hoạch của chúng tôi khá tham vọng và sẽ được thực hiện kỳ công hơn nữa".
Bộ ba sứ mệnh đưa Nga trở lại đường đua
Ba ngày sau tai nạn của Luna-25, Yury Borisov, Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, bày tỏ quyết tâm tiếp tục chương trình Mặt trăng của họ bất chấp thất bại này, Theweek.in thông tin.
Ông Yury Borisov nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không làm gián đoạn chương trình Mặt trăng, và cho rằng việc tạm dừng thám hiểm Mặt trăng kéo dài hàng thập kỷ (từ năm 1976 đến nay) là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến thất bại của Luna-25.
Người đứng đầu Roscosmos nhấn mạnh sự cần thiết phải học hỏi kinh nghiệm trong quá khứ và cải thiện nỗ lực của mình. Một ủy ban đặc biệt đã được thành lập để điều tra nguyên nhân chính xác của vụ việc.
Đúng như thông báo của Điện Kremlin - rằng Nga sẽ tiếp tục chương trình thám hiểm không gian của mình - sau thất bại của Luna-25, Roscosmos vẫn kiên quyết thực hiện cam kết khám phá Mặt trăng, với bộ ba sứ mệnh Luna-26, Luna-27 và Luna-28 đóng vai trò là những bước tiếp theo trong chương trình Mặt trăng đầy tham vọng của họ.
Những sứ mệnh này nhằm mục đích không chỉ xây dựng dựa trên kiến thức khoa học thu được từ những nỗ lực trên Mặt trăng thời Liên Xô mà còn thể hiện sự cống hiến của Nga trong việc thúc đẩy hoạt động khám phá không gian trên thiên thể gần hành tinh chúng ta nhất.
1. Sứ mệnh Luna-26: 2027
Sứ mệnh Luna-26, còn được gọi là Luna-Resurs-Orbiter, dự kiến ra mắt vào năm 2027.
Tàu quỹ đạo cực Mặt trăng này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định vị và định lượng tài nguyên thiên nhiên Mặt trăng; tập trung vào nghiên cứu bề mặt Mặt trăng và môi trường của nó, bao gồm các tia vũ trụ và gió Mặt trời.
Bề mặt Mặt trăng đầy rẫy những hố va chạm trong quá khứ. Credit: NASA
Luna-26 dự kiến sẽ mang theo một bộ thiết bị khoa học, một số trong đó có thể do NASA hoặc các công ty tư nhân Mỹ đóng góp. Hơn nữa, Luna-Resurs-Orbiter sẽ đóng vai trò là trạm chuyển tiếp viễn thông giữa Trái đất và các trạm liên lạc trên đất liền của Nga.
2. Sứ mệnh Luna-27: 2028
Luna 27, diễn ra sau Luna-26 khoảng một năm, là một sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng đầy tham vọng dự kiến khởi động vào năm 2028.
Luna 27 sẽ sử dụng một hệ thống định vị châu Âu có tên là "Pilot" để hạ cánh chính xác tại địa điểm cực Nam Mặt trăng đầy thách thức.
Sứ mệnh này là sự hợp tác giữa Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA). Luna-27 nhằm mục đích nghiên cứu thành phần của đất Mặt trăng gần cực Nam và phát hiện các chất dễ bay hơi tại đay, đặc biệt tập trung vào nước.
Phát hiện của Luna-27 có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị về tài nguyên và tiềm năng của Mặt trăng cho các sứ mệnh trong tương lai.
3. Sứ mệnh Luna-28: 2030
Luna-28, một phần trong kế hoạch thám hiểm Mặt trăng của Roscosmos, bao gồm một tàu đổ bộ Mặt trăng cố định và một tàu thám hiểm Mặt trăng.
Sứ mệnh này được thiết kế để thu thập các mẫu đất từ bề mặt Mặt trăng và đưa chúng về Trái đất. Theo kế hoạch, sau khi lấy thành công những mẫu này, phương tiện quay trở lại sẽ tách khỏi quỹ đạo Mặt trăng và bắt đầu hành trình quay trở lại Trái đất.
Trong khi tàu quỹ đạo Mặt trăng tiếp tục sứ mệnh của mình trên quỹ đạo Mặt trăng, các mẫu sẽ được phân tích trên Trái đất, có khả năng tiết lộ thông tin quan trọng về thành phần và tài nguyên của Mặt trăng.
Mặc dù ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2027, nhưng sự chậm trễ trong chương trình Luna-Glob đã đẩy ngày phóng dự kiến không sớm hơn năm 2030. Luna-Glob là chương trình Mặt trăng của Roscosmos nhằm tiến tới việc tạo ra một căn cứ Mặt trăng hoàn toàn bằng robot.
Bộ ba sứ mệnh Luna 26, 27, 28 của Nga chứng tỏ quyết tâm 'trở lại đường đua' lên Mặt trăng của Moskva trong bối cảnh 'cơn sốt băng' đang diễn ra mạnh mẽ giữa các cường quốc vũ trụ.
Bên cạnh Nga, còn có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... cũng nhắm đến đích đến cách Trái đất 384.400 km này.
Nguồn: Reuters, Theweek.in