Xe thám hiểm Ấn Độ tìm ra "nguyên tố Trái Đất" ở Mặt trăng: Còn sống 7 ngày

Trang Ly |

Sau khi đổ bộ Mặt trăng thành công, tàu thám hiểm Ấn Độ đang tiến hành các phép đo tại chỗ đầu tiên.

Hãng AP cho biết, một tuần sau khi đổ bộ cực Nam Mặt trăng, bộ đôi tàu đổ bộ Vikram và xe tự hành 6 bánh Pragyan (thuộc sứ mệnh Chandrayaan-3) đã tìm thấy những "nguyên tố Trái đất" tại vùng cực Nam khắc nghiệt trong hành trình tìm kiếm dấu hiệu của nước đóng băng.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết, sau khi thực hiện các phép đo tại chỗ đầu tiên về thành phần nguyên tố của bề mặt Mặt trăng gần cực nam, thiết bị quang phổ cảm ứng bằng laser (LIBS) của Pragyan đã phát hiện sự hiện diện của lưu huỳnh, nhôm, sắt, canxi, crom, titan, mangan, oxy và silicon trên bề mặt Mặt trăng. Đây là chiếc xe tự hành đầu tiên khám phá khu vực này.

Các phép đo tại chỗ này xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh (S) trong khu vực một cách rõ ràng - một điều không thể thực hiện được bằng các thiết bị trên tàu quỹ đạo. Hiện, các phân tích về sự hiện diện của hydrogen đang được tiến hành.

Thiết kế để "sống" trong 1 ngày Trăng

Xe thám hiểm Mặt trăng đã đi xuống một đoạn đường dốc từ tàu đổ bộ Vikram và dự kiến sẽ tiến hành các thí nghiệm trong tổng 14 ngày Trái đất (1 ngày Mặt trăng).

Như vậy, bộ đôi Vikram và Pragyan chỉ còn 'sống sót' 7 ngày Trái đất nữa, trước khi hết năng lượng và bị cái lạnh của đêm Mặt trăng nhấn chìm.

M. Srikanth, Giám đốc điều hành sứ mệnh Chandrayaan-3 cho biết, hiệu suất hiện có của bộ đôi Vikram và Pragyan làm tăng hy vọng cả hai sẽ 'sống' sau 1 đêm Mặt trăng khắc nghiệt.

M. Srikanth cho biết, Vikram và Pragyan đều chạy bằng năng lượng Mặt trời và được thiết kế chỉ để hoạt động trong thời gian có ánh nắng Mặt trời, với nhiệt độ 54 độ C. Khi Mặt trời lặn, nhiệt độ ban đêm có thể xuống đến -203 độ C.

Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các hệ thống trên Vikram và Pragyan đều sập nguồn, không còn điện để duy trì hoạt động.

Giả sử rằng các thiết bị điện tử và các hệ thống khác trên Vikram và Pragyan sống sót qua đêm Trăng, quy trình đưa chúng hoạt động trở lại là... tự thực hiện, Times of India cho hay.

Xe thám hiểm Ấn Độ tìm ra nguyên tố Trái Đất ở Mặt trăng: Còn sống 7 ngày - Ảnh 2.

Sự kết hợp của hai hình ảnh do ISRO công bố cho thấy miệng hố va chạm trên Mặt trăng và vết bánh xe của xe thám hiểm Pragyan. Ảnh: ISRO

Mục tiêu lớn nhất của sứ mệnh Chandrayaan-3 là tìm kiếm các dấu hiệu của nước đóng băng, có thể hỗ trợ các sứ mệnh phi hành gia trong tương lai, như một nguồn nước uống tiềm năng và làm nhiên liệu tên lửa.

Chủ tịch ISRO - ông S. Somnath cho biết xe thám hiểm cũng sẽ nghiên cứu bầu khí quyển và hoạt động địa chấn của Mặt trăng.

Vào thứ Hai 28/8, lộ trình của xe thám hiểm Pragyan đã được lập trình lại khi nó đến gần một miệng hố va chạm rộng 4 mét. ISRO cho biết: "Bây giờ Pragyan đang đi trên một con đường mới một cách an toàn".

Pragyan di chuyển với tốc độ chậm khoảng 10 cm mỗi giây để giảm thiểu va đập và hư hỏng cho xe do địa hình gồ ghề của Mặt trăng.

Xe thám hiểm Ấn Độ tìm ra nguyên tố Trái Đất ở Mặt trăng: Còn sống 7 ngày - Ảnh 3.

Bộ đôi tàu đổ bộ Vikram và xe tự hành 6 bánh Pragyan (thuộc sứ mệnh Chandrayaan-3). Ảnh: ISRO

Sau nỗ lực đổ bộ lên Mặt trăng thất bại vào năm 2019, ngày 23/8/2023 Ấn Độ đã cùng với Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 4 đạt được cột mốc này.

Cái tên Pragyan có nguồn gốc từ tiếng Hindu "Pragya", có nghĩa là trí tuệ, trí thông minh và sự hiểu biết cao nhất và thuần khiết nhất.

Chiếc rover nhỏ chỉ nặng 25,8 kg và có kích thước gần bằng một chú chó chăn cừu Đức nhỏ. Nó được trang bị công cụ LIBS và chùm hạt alpha.

LIBS có thể phát hiện các nguyên tố bằng cách bắn tia laser cường độ cao vào bề mặt Mặt trăng và tạo ra plasma nóng. Bằng cách nghiên cứu ánh sáng từ plasma đó, các nhà nghiên cứu có thể xác định bước sóng của các hạt khác nhau trong phần cụ thể đó của Mặt trăng.

Nguồn: AP, Sciencealert, Times of India

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại