Mới đây, ông Nguyễn Văn Phước, nhà sáng lập kiêm CEO First News - Trí Việt đã đăng tải những dòng trạng thái thể hiện sự bất bình trước vấn nạn sách lậu - vấn nạn mà theo ông không chỉ gây thiệt hại đến riêng First News mà còn làm tổn hại đến tất cả các nhà xuất bản chân chính, "ăn cắp" ngân sách quốc gia.
"Buộc phải chiến đấu..."
Với đầu đề "FIRST NEWS BUỘC PHẢI CHIẾN ĐẤU TÌM CÔNG LÝ", ông Phước cho biết dù nhiều lần phía ông cảnh báo đích danh, nhiều sàn thương mại điện tử lớn hiện nay vẫn tiếp tục bán, chuyển hàng công khai tiêu thụ sách lậu của Trí Việt - First News và của nhiều NXB khác - đang tâm đánh lừa bạn đọc, thu lợi bất chính.
"Chất lượng sách in rất xấu và sai sót rất nhiều. Chúng tôi không thể chấp nhận những đứa con tinh thần yêu quí của mình đã đổ biết bao tâm huyết, tâm sức, thời gian để tạo nên bị các trùm in lậu xuyên quốc gia với các thế lực đen bảo vệ xẻ thịt, bị đoạ đày dã man vô lương tâm như vậy", ông Phước viết.
Qua các hình ảnh ông chia sẻ, rất nhiều sách, bộ sách, dòng sách nổi tiếng từ hàng chục năm nay do First News - Trí Việt tiên phong chuyển ngữ phục vụ người Việt đã bị in lậu một cách có hệ thống, như: Hạt Giống Tâm Hồn, Đắc Nhân Tâm, Nghĩ Giàu Làm Giàu, Dám Nghĩ Lớn...
Những hình ảnh về sách in lậu, nhái sách thật được ông Phước công bố, đã được First News phối hợp cơ quan chức năng lập vi bằng.
Không chỉ nói đứng đằng sau tình trạng này là những trùm in sách lậu, ông Phước cho rằng đó có thể còn là những "đường dây mafia" sản xuất kinh doanh buôn bán tiêu thụ hàng giả đang ngang nhiên lộng hành vi phạm luật pháp, trốn thuế trắng trợn.
"Phải tìm cho ra những thế lực đen phía sau quốc nạn này", ông viết. Bởi "nếu không triệt phá tận cùng - sẽ không còn có ai còn muốn lao động sáng tạo, tìm nguồn tri thức mới cho sự nghiệp khai tâm mở trí chấn hưng phục quốc cho nước Việt của chúng ta."
In lậu tinh vi, giống tới 90-95% sách thật, qua mắt cơ quan chức năng
Trả lời phóng viên, nhà sáng lập First News - Trí Việt nói lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách gắn liền với tri thức và văn hóa, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân nên luôn được giám sát và kiểm duyệt gắt gao. Vậy nhưng, sách lậu vẫn xuất hiện nhan nhan trên thị trường khiến nhiều độc giả nhầm lẫn.
Điều này trước hết là ảnh hưởng xấu trực tiếp tới người đọc. Do quá trình in ấn ẩu tả, sử dụng mực giả kém chất lượng, nhiều cuốn sách lậu dễ bị lem, nhòe mực, gáy sách dễ bung.
Tuy nhiên, cũng có những cuốn sách lậu in ấn tinh vi đến nỗi giống tới 90-95% sách thật. Trong nhiều lần đi cùng công an triệt phá sách lậu, ông Phước khẳng đinh, có những đơn vị sản xuất sách lậu quá giống sách thật đến nỗi chính công an cũng không thể phân biệt mà chỉ có người trong nghề mới có thể nhận ra.
Những chi tiết giúp phân biệt có thể kể ra như: Bìa sách giả mờ nhạt hơn một chút, giấy bìa và ruột sách mỏng hơn vài %, chữ in không sắc nét, mực in không đều, hơi lem nhem chỉ ở những trang có chữ to, trang bìa lót, trang lưu chiểu cuối và những trang có hình ảnh minh hoạ.
Bên cạnh đó, gáy sách giả thường không vuông vức, hơi lệch chỉ so với sách thật. Cuốn sách nhìn mỏng và èo uột hơn. Ngoài một số chi tiết nhỏ này, theo ông Phước, sách lậu rất giống sách thật, ngay cả logo, địa chỉ của nhà sách cũng được in hiệu ứng chữ nổi hay ép nhũ không khác bìa sách thật.
Dòng sách self-help của First News - Trí Việt mang lại nhiều giá trị lớn cho người đọc, đã được thị trường đón nhận tốt nhiều năm qua.
"Một số sách in lậu, đơn vị gian lận còn sắp chữ lại y như sách thật. Tuy nhiên, do khâu đọc lỗi chính tả, morat quá kém, sai sót ở nhiều trang. Chỉ khi so hai cuốn sách giả, thật từng trang mới nhận ra được".
Ông Phước cũng cho rằng, khi đặt bìa các sách giả, sách thật bên cạnh nhau thì bạn đọc tinh ý có thể so sánh, phân biệt được. Tuy nhiên, cách làm đó cũng chỉ áp dụng với sách in lậu tay ngang. Đối với sách in lậu cao cấp thì chỉ còn cách phải tìm một cuốn sách chính hãng mở bên trong ruột sách so sánh từng trang mới có thể phân biệt.
Bán một cuốn sách lậu là tiếp tay giết chết ngành xuất bản, phá hủy văn hóa và nền tri thức Việt
Nhiều người cho rằng, sách giả vừa rẻ vừa giống sách thật đến như vậy thì chỉ có lợi chứ không gây hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều sách in giả đề giá bán cao hơn sách thật từ 20-40%. Ví dụ có cuốn sách thật in giá 42.000 đồng thì sách giả tăng lên 50.000 đồng sau đó chiết khấu, bán bằng giá sách thật.
Chiêu bài ở đây chính là việc tạo ra ảo giác "giảm giá" để kích thích người mua.
Một tác hại to lớn khác của sách giả chính là việc trốn thuế. Theo ông Phước, để làm ra một cuốn sách thật, các NXB sẽ phải chi trả cho thuế, chi phí in ấn, dịch thuật, tác quyền, truyền thông... Ngành kinh doanh và xuất bản sách tuy đóng góp giá trị GDP không nhiều nhưng vẫn là một phần trong nền kinh tế, góp phần đóng thuế và dựng xây đất ước. Trong khi đó, sách lậu hoàn toàn trốn thuế và không mất các chi phí như vừa nêu.
Ông Nguyễn Văn Phước: Ủng hộ, cổ súy việc sản xuất, kinh doanh sách trái pháp luật cũng là tàn phá nền Giáo dục và Tri thức quốc gia
Ngoài vấn đề tiền bạc, theo ông Phước, sách lậu đang trở thành kẻ phá hoại nền văn hóa và tri thức Việt Nam. Nếu sách lậu cứ tiếp tục được bày bán công khai, chiếm lĩnh thị trường thì sách thật sẽ không còn "đất" sống và các NXB có nhiều khả năng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
"Nếu một đất nước không có những người làm sách chân chính thì ai sẽ là người làm ra những cuốn sách hay, cung cấp tri thức đến mọi người, nâng cao trình độ dân trí? Một nước sẽ đi về đâu nếu người dân thiếu sách?
Một triết gia nổi tiếng và uyên bác từ thế kỷ 18 đã nói rằng: "Muốn phá huỷ tinh thần một dân tộc, phá huỷ một quốc gia - trước hết hãy tàn phá nền Giáo dục và Tri thức của quốc gia đó". Vậy nếu chúng ta ủng hộ, cổ súy việc sản xuất, kinh doanh sách trái pháp luật thì có phải là đang tàn phá nền Giáo dục và Tri thức quốc gia hay không?", ông Phước trăn trở.
Ông phước phân tích, hiện nay, nhiều người chỉ muốn mua - bán những cuốn sách càng rẻ càng tốt và cho rằng, dù sách có xấu, sai nội dung hay đọc nhức mắt một tí cũng được - miễn là bán thu được tiền lời. Theo ông, đây là cách suy nghĩ vô cảm.
Việc ủng hộ in lậu, trực tiếp tiếp tay cho việc phát hành, tiêu thụ sách giả trốn thuế không chỉ lừa dối bạn đọc, ủng hộ những kẻ làm gian mà còn là nguồn gốc những tiêu cực, tham nhũng trong quản lý in ấn, phát hành ở Việt Nam và trực tiếp triệt phá những tác giả có tâm, những NXB và đơn vị xuất bản chân chính ở Việt Nam.
"Các quốc gia văn minh phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... đều rất tôn trọng bản quyền trí tuệ và căm ghét sự giả dối, kiếm tiền bất chính, xem những hành vi đó là tội ác, là quốc nạn thực sự. Nhưng ở Việt Nam, tôi không hiểu sao vẫn còn nhiều người thơ ơ với vấn đề này".
Ông Phước cho rằng, muốn quốc gia thay đổi để phát triển thực sự thì chắc chắn phải thay đổi tận gốc rễ, từ nhận thức của người dân đến các nhà lãnh đạo, các cơ quan quản lý. Nếu chỉ nói xuông mà không thực sự thực tâm quan tâm và quyết tâm hành động thì không thể nào dẹp yên vấn nạn sách lậu.