Trước đây, hạt giống của Silene stenophylla bị chôn vùi khoảng 37,7 mét dưới lớp băng vĩnh cữu lạnh giá gần bờ sông Kolyma ở vùng Siberia.
Nhiều năm trước, các nhà thám hiểm người Nga đã tìm thấy kho hạt giống ấy, họ đưa về nhà kính và lập bản đồ giải mã hệ gen để có thể xác định hạt giống cây trồng có thể ngủ đông trong bao lâu.
Mới đây, hạt giống thượng cổ 32.000 năm tuổi đã nảy mầm và ra hoa trong phòng thí nghiệm.
Hạt giống thượng cổ 32.000 năm tuổi đã nảy mầm và ra hoa.
Đây được coi là những hạt cây được hồi sinh có thời gian bị chôn vùi trong lòng đất lâu nhất từ trước đến nay. Kết quả này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu chất liệu sinh học cổ đại và tạo hy vọng phục hồi được những chủng loại thực vật đã bị biến mất.
Trong phòng thí nghiệm tại Matxcova, ban đầu, hai nhà khoa học đã thử hồi sinh cây hoa bằng cách gieo trồng các hạt trong điều kiện bình thường.
Sau đó, họ dùng mô giá noãn của cây và đã trồng thành công cây hoa trong các chậu, trong điều kiện kiểm soát nhiệt độ và ánh sáng.
Giáo sư Margit Laimer, nhà công nghệ sinh học thực vật tại đại học Khoa học Tự nhiên và Khoa học Đời sống ở Vienna, cho biết các nhà khoa học rất muốn tìm hiểu liệu những thay đổi trong gen thực vật nào có thể thích nghi với điều kiện rất khô, nóng hoặc lạnh. Điều này mang lại hữu ích trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.
Giáo sư Margit Laimer hào hứng tiết lộ: "Cây cối cũng thay đổi và thích nghi theo môi trường. Chúng tôi hy vọng có thể tìm ra những thay đổi trong bộ gene giúp thực vật thích nghi với điều kiện rất khô, rất lạnh, hoặc rất nóng. Sử dụng những kiến thức này, chúng ta có thể tìm ra phương pháp cải tiến các giống cây".