Tờ Guardian của Anh mới đây đăng bài viết về hành trình đầy nguy hiểm của người Việt Nam di cư sang Anh.
Theo Guardian, người Việt vẫn thường rỉ tai nhau rằng, nhập cư phi pháp sang Anh bằng cách dùng hộ chiếu của người khác hoặc hộ chiếu ngoại giao chính là con đường “hạng sang”.
Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện đi “chui” như thế.
Cùng đường, họ đành chấp nhận chui rúc trong thùng xe tải lạnh lẽo, tối tăm để chờ những tay tội phạm đưa mình băng qua biên giới xứ sở sương mù, bất chấp nguy cơ mất mạng giữa đường.
Nhiều cô gái trẻ từ bỏ quê nhà để trốn sang các nước phát triển, chẳng hạn như Anh.
Mới đây, cảnh sát lại phát hiện hai thiếu nữ người Việt phải nương nhờ sự chăm sóc của dịch vụ xã hội sau khi trốn từ quốc gia khác sang Anh để làm nail.
"Một trong hai cô gái cho biết mình rời Việt Nam đến Trung Quốc làm việc khoảng một năm rưỡi", nhân viên dịch vụ xã hội cho biết.
Người này bổ sung rằng các cô vẫn chưa hay biết gì về thảm kịch nhập cư "lậu" khiến 39 người mất mạng, trong đó có đồng bào của mình.
"Sau đó, cô ấy tiếp tục vượt biên sang Nga và trú tạm tại điểm tập kết dành cho những người muốn di cư xa hơn.
Bọn tội phạm sẽ đưa người đi mỗi tháng một lần. Hành trình của cô gái này được chia làm nhiều giai đoạn khác nhau, không liền mạch, nhưng đều có người Việt Nam bên cạnh để quản lý", nhân viên nói thêm.
Cô cùng đồng hương tìm cách đi "chui" để làm nail.
Trong hầu hết các trường hợp, các tay tài xế sẽ thả người nhập cư phi pháp ngay trước cửa khẩu để họ tự tìm cách hòa lẫn vào cộng đồng ở Anh.
"Một cô gái cho biết nhóm người đi 'chui' bị bỏ mặc tự xoay sở, cô đành phải lần mò tìm đường vào trung tâm thị trấn.
Hầu hết các khu trung tâm lớn ở Anh đều có tiệm nail do người Việt làm chủ, nên các cô ấy dễ dàng tìm được nơi xin việc", nguồn tin cho biết.
"Điều kiện sống và làm việc trong tiệm có tệ đến đâu đi nữa thì vẫn là quá tốt so với tiêu chuẩn của người Việt, nhất là với những người đến từ vùng sâu vùng xa, cuộc sống thiếu thốn trăm bề".
Quá rõ ràng, một trong hai thiếu nữ bị phát hiện đi "chui" muốn ở lại Anh định cư. "Cô ấy sống cùng tỉnh với những nạn nhân chết trong vụ thảm kịch container đông lạnh. Tình hình kinh tế ở đó vô cùng tồi tệ, dân cư nghèo đói".
Tuy lý do hai cô gái lọt vào tầm ngắm của cơ quan chức năng Anh vẫn còn là bí ẩn, nhưng có thể khẳng định các cô không phải trường hợp nhập cư bất hợp pháp hiếm gặp tại đất nước này.
Guardian dẫn số liệu do Bộ Nội vụ Anh công bố vào tháng 2 cho thấy có 121 người Việt Nam có khả năng tham gia vào nạn "buôn" người qua biên giới trong năm ngoái.
Những người trưởng thành được Bộ Nội vụ hỗ trợ nơi ăn chốn ở, cử chuyên gia tư vấn và chăm sóc sức khỏe đến kiểm tra trong vòng 14 ngày. Song, số liệu được công khai có thể thay đổi và khó lòng dự báo con số chính xác.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Salvation Army, nơi làm việc với các nạn nhân của nạn buôn người trên, trong số nam giới bị phát hiện nhập cư bất hợp pháp vào Anh từ tháng 7/2018 đến tháng 7/2019, người Việt Nam chiếm số lượng áp đảo.
Cũng trong thời gian đó, tổ chức này đã làm việc với 209 người đi "chui" đến từ Việt Nam, tăng 248% so với số liệu 5 năm trước.