Hãng thông tấn AP dẫn lời các nhà tổ chức Giải thưởng Hòa bình Dresden cho biết, bà Phan Thị Kim Phúc, hiện sinh sống tại Canada, được vinh danh vì những hành động giàu ý nghĩa đối với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và những em bé bị thương trong chiến tranh.
Người phụ nữ 55 tuổi còn được ca ngợi vì thường xuyên lên án chống lại bạo lực và thù hận. Với giải thưởng nêu trên, bà Kim Phúc nhận 10.000 euro (11.200 USD).
Là một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới, Giải thưởng Hòa bình Dresden được trao hàng năm tại Nhà hát opera Semper ở thành phố Dresden của Đức từ năm 2010, nhằm tôn vinh những cá nhân có cống hiến to lớn cho hòa bình thế giới.
Bom napalm để lại những vết sẹo không bao giờ lành trên cơ thể bà Kim Phúc
Tạp chí Time của Mỹ cho hay, bà Kim Phúc là người sáng lập Quỹ Kim Phúc nhằm hỗ trợ các tổ chức quốc tế chăm sóc y tế miễn phí cho nạn nhân trẻ em của chiến tranh và khủng bố. Bà cũng được UNESCO bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí văn hóa hòa bình.
Nữ Việt kiều còn được biết tới qua bức ảnh “Em bé Napalm” được nhiếp ảnh gia Nick Út của AP chụp ngày 8/6/1972 trong lúc làng của bà Kim Phúc ở Trảng Bàng, Tây Ninh bị trúng bom napalm.
Bà Kim Phúc nhận Giải thưởng Hòa bình Dresden vì những cống hiến của bà cho những nạn nhân trẻ em của chiến tranh và khủng bố. Ảnh: EPA
Ông Nick Út chia sẻ rằng cô bé Kim Phúc 9 tuổi ngày đó bất tỉnh ngay sau khi bức ảnh được chụp. Ông Nick đã lái xe đưa Phúc vào bệnh viện và các bác sĩ nói rằng bà khó qua khỏi do bị thương quá nặng.
Tuy nhiên, bà Kim Phúc đã sống sót và bức ảnh “Em bé Napalm” trở thành biểu tượng của chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh này được trao Giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer (của Mỹ) vào năm 1973.