Hành trình mua vàng của vợ đảm ở Hà Nội: Gom tiền lì xì, có chỉ vàng đầu tiên khi đang học lớp 12

AMT |

Ở độ tuổi 17, liệu có mấy ai biết dùng tiền lì xì để mua vàng tiết kiệm?

Khoảng gần 2 tháng trở lại đây, ngay cả những người chưa từng nghĩ tới việc mua vàng tiết kiệm, có lẽ, cũng không thể làm ngơ trước những thông tin giá vàng tăng phi mã. Người đã mua vàng tiết kiệm từ lâu, đương nhiên không thể không vui sướng trong lòng; còn người bấy lâu nay thờ ơ với việc tiết kiệm, hẳn cũng đã ít nhiều tính tới chuyện mua vàng vì đây là loại tài sản chẳng bao giờ lo mất giá.

Mang thắc mắc "bạn nghĩ sao về việc mua vàng tiết kiệm" đi hỏi những người quanh mình, chúng tôi đã gặp được Đậu Thùy An - sinh năm 1994 với những chia sẻ hết sức đáng ngưỡng mộ về thói quen "năng nhặt chặt bị" này.

Vét sạch tiền lì xì để mua chỉ vàng đầu tiên năm 17 tuổi

Ở độ tuổi 17, bạn đã làm gì với số tiền lì xì của mình? Nếu được toàn quyền sử dụng số tiền ấy, đáp án của phần lớn mọi người chắc hẳn sẽ là mua váy vóc, truyện tranh, trà sữa hoặc đút ống heo tiết kiệm, đúng không? Chứ có mấy ai ở độ tuổi ấy, cầm tiền trong tay mà lại nghĩ tới chuyện mua vàng?

Câu trả lời trong trường hợp này chính là "có Thùy An".

Hành trình mua vàng của vợ đảm ở Hà Nội: Gom tiền lì xì, có chỉ vàng đầu tiên khi đang học lớp 12- Ảnh 1.

Thùy An

"Mình mua chỉ vàng đầu tiên năm lớp 12. Lúc đó là mình có tiền lì xì, thay vì đưa hết cho bố mẹ như mọi năm, hoặc giấu 1 ít để chi tiêu uống trà sữa, mua quần áo, đi chơi thì năm ấy, mình quyết định đi mua 1 chỉ vàng. Mình vẫn nhớ là chỉ vàng ấy đúc hình Thần Tài" - Thùy An kể.

Khi được hỏi về lý do quyết định vét sạch tiền tiết kiệm để mua 1 chỉ vàng, chứ không đút ống heo hoặc mua váy vóc, quần áo hoặc những thứ mà các cô gái tuổi teen mới lớn hằng "ao ước", Thùy An vừa cười vừa thành thật: "Hồi đó mình thần tượng Lee Min Ho lắm. Nói ra chắc mọi người sẽ cười mình hoặc không tin, nhưng mình mua vàng vì muốn được sống tự do, được sang Hàn Quốc gặp thần tượng".

Đến tận bây giờ, Thùy An vẫn thần tượng Lee Min Ho. Dù chỉ vàng ngày ấy chưa thể giúp Thùy An sang Hàn Quốc gặp "anh chồng quốc dân", nhưng nó lại khiến cuộc đời của cô bạn sinh năm 1994 này trở nên thuận lợi hơn khi phải đối mặt với những sóng gió "nho nhỏ" lúc trưởng thành.

"Sau khi mua chỉ vàng đầu tiên ấy, cứ đến Tết, có tiền lì xì là mình lại dùng để mua vàng. Hồi đó, mình cứ mua xong để đấy thôi, không bán đi vì mục tiêu của mình là không sang Hàn gặp thần tượng được thì cũng phải sớm có tiền để sống tự do. Khao khát được làm chủ cuộc sống của mình lớn lắm. Sau này khi quyết định khởi nghiệp, mình mới bán hết số vàng đã tích lũy được để lấy vốn làm ăn" - Thùy An chia sẻ, không quên khẳng định cũng may là bản thân biết tiết kiệm từ sớm nên mới có "chút vốn dắt lưng" để tự tin hơn khi bước vào đời.

Đầu tư vàng không cần vốn lớn, ai cũng có thể bắt đầu với số tiền nhỏ

Hiện tại, Thùy An cho biết cô không mua vàng hàng tháng mà sẽ tiết kiệm cho đến khi đủ tiền mới mua, và sẽ mua theo cây hoặc theo thỏi, chứ không đặt nặng chuyện phải mua vàng hàng tháng.

"Trừ khi là có dịp đặc biệt, như ngày vía Thần Tài chẳng hạn, thì mình sẽ mua lẻ 1 hoặc 3 chỉ vàng lấy may" - Thùy An khẳng định.

Xác định mua vàng để tiết kiệm, nên Thùy An thường chọn vàng nhẫn hoặc vàng thỏi chứ không mua vàng trang sức, vì vàng nhẫn và vàng thỏi là loại vàng chưa qua chế tác, sẽ không lo mất giá. Trong đợt giá vàng tăng phi mã như khoảng thời gian nửa cuối tháng 12 vừa qua, Thùy An cho biết cô cũng không nóng lòng bán số vàng đã tích lũy được để lấy lời.

Hành trình mua vàng của vợ đảm ở Hà Nội: Gom tiền lì xì, có chỉ vàng đầu tiên khi đang học lớp 12- Ảnh 2.

Thùy An

"Mình coi vàng là kênh đầu tư lâu dài nên ít khi bị ảnh hưởng bởi chuyện bán vàng khi giá vàng tăng cao. Còn đương nhiên với tư cách người mua, mình cũng có canh khi giá vàng xuống để mua vào nếu có đủ tiền. Kể cả thời điểm hiện tại, khi giá vàng đang tăng, mình vẫn sẽ theo dõi thị trường và lựa thời điểm thích hợp để mua vào, tiếp tục tích lũy cho hũ tài sản trong tương lai" - Thùy An chia sẻ và nhấn mạnh cô chỉ canh giá vàng để mua vào, chứ không nghĩ tới việc sẽ bán ra để "lấy lời" khi không có công việc cấp bách, cần tiền.

Khi được hỏi tại sao lại quyết định mua vàng để tích lũy, chứ không dùng số tiền đó để đầu tư chứng khoán hoặc BĐS, Thùy An cho biết: "Trong tất cả các kênh đầu tư mà mình biết, mình thấy vàng là kênh đầu tư an toàn nhất. Có thể suy nghĩ này của mình bị ảnh hưởng một phần từ bố. Bố mình luôn bảo vàng là loại tài sản bền vững nhất. Sau khi mua được những chỉ vàng đầu tiên, mình còn nhận ra đầu tư vàng không cần vốn lớn. Ai cũng có thể mua được vàng, ít thì 5 phân, 1 chỉ; nhiều thì 5 chỉ, 1 cây".

Thùy An miêu tả hành trình mua vàng tiết kiệm của mình bằng một câu ngắn gọn: "Kiến tha lâu cũng đầy tổ". Cô bạn cho biết nếu không có những chỉ vàng được mua từ tiền lì xì của nhiều cái Tết gộp lại, có lẽ cũng không có Thùy An của bây giờ vì tiền đi học và tiền khởi nghiệp đều là do bán vàng mới có.

Từ thời điểm Thùy An mua chỉ vàng đầu tiên, đến nay cũng đã hơn 12 năm. Dẫu vậy, cô bạn sinh năm 1994 này vẫn khiêm tốn, tự nhận mình là người chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư này: "Mình vẫn còn phải trau dồi kiến thức và học hỏi thêm nhiều nữa. Từ kinh nghiệm cá nhân, mình nghĩ rằng đầu tư vàng là kế hoạch lâu dài, nên cần tính kiên trì àa nhẫn nại rất cao. Chứ nếu nóng vội, dễ sốt ruột, cứ thấy vàng lên hay xuống lại mang ra bán ngay thì có lẽ không ổn".

Cảm ơn Thùy An vì những chia sẻ chân thành và bổ ích. Chúc Thùy An và tất cả những ai đang có ý định đầu tư vàng tiết kiệm, sẽ luôn vững tâm và kiên trì trên hành trình tích lũy hũ tài sản cho tương lai của mình!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại