Vẫn bán chè để trang trải cuộc sống
Những ngày qua, trời Hà Nội nhiệt độ giảm sâu, có lúc về sát 9 độ, ai ai cũng cảm nhận được cái lạnh tê buốt của mùa đông, dẫu vậy bà Hồ Thị Thúy (82 tuổi) vẫn dậy từ 3 giờ sáng để bắt đầu ngày bán hàng của mình.
Quán chè của bà Thúy nằm ngay bên cạnh cổng sau của trường cấp 3 Trần Phú, quán chè không mái che, không biển hiệu này đã được bà Thúy duy trì gần 20 năm qua. Quán chè chỉ có một bếp lò được quây tôn, một khay chè lớn với các loại chè truyền thống như chè bà cốt, chè đỗ đen và đặc biệt là món chè sắn nổi tiếng.
Quán chè bà Thúy nằm nép vào vỉa hè
"Đối với nhiều người lớn tuổi, sắn là một loại thực phẩm gắn liền với ký ức về những thời kỳ cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Ngày nay, mức sống đã được cải thiện, nhưng nhiều người vẫn giữ lại kí ức về hương vị đặc biệt của món chè sắn, như một phần của quá khứ khi mọi thứ thiếu thốn về thức ăn và quần áo", bà Thúy chia sẻ.
Ở ngưỡng tuổi 82, đáng lẽ bà Thúy phải được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già và quây quần bên con cháu, nhưng hàng ngày bà vẫn đến đây từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều để bán những thứ quà này. Một phần vì muốn tiếp tục lao động cho khỏe, phần khác là vì bà Thúy vẫn muốn tự trang trải cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn của bà.
Bà phải bán nhà để trả nợ và đi thuê nhà trên phố Hàng Bè tới bây giờ. Tưởng chừng như khó khăn đã đi qua thì cơn bạo bệnh lại ập đến, chồng của bà ốm nặng trong 3 năm thì mất. Trái ngang thay con trai út của bà bị bệnh tiểu đường, nhưng lại giấu bà vì lo rằng không có tiền chạy chữa, đến lúc bà Thúy nhận ra thì bệnh tình của con trai mình đã không thể cứu vãn được nữa.
"Đến bây giờ, tôi vẫn ân hận và tự trách mình về cái chết của con trai có phần lớn là do lỗi của mình, giá như tôi biết bệnh tình sớm hơn thì con đã không đến nỗi", bà buồn rầu tâm sự.
Quán chè không tên được nhiều người yêu thích
Hàng ngày, bà Thúy chuẩn bị nấu chè từ khoảng 3 giờ sáng. Sắn tươi sau khi lột vỏ được ngâm trong nước khoảng 2 - 3 tiếng để loại bỏ phần nhựa. Tiếp theo, sắn được rửa sạch và luộc với nước, thêm chút muối để khi chín, bà có thể vớt ra và thái thành từng miếng vừa ăn.
Nước dùng cho món chè sắn của bà Thúy được chế biến từ hỗn hợp nước và đường hoa mai. Bà đun sôi hỗn hợp này cho đến khi đường tan hết. Sau đó, bà Thúy thêm sắn đã thái nhỏ vào nồi và đun thêm khoảng 4 - 5 phút. Cuối cùng, bà hòa bột sắn dây với nước và đổ từ từ vào nồi chè, khuấy đều đến khi chè có độ sệt, đặc mong muốn.
Chè sắn nóng được phục vụ trong những chiếc bát con bằng sứ, thêm sợi dừa tươi rắc bên trên. Một bát chè sắn nóng bà Thúy bán với giá 15.000 đồng. Thoạt nhìn, món chè sắn khá giống bánh trôi tàu bởi những viên sắn trắng được bọc trong màu nước dùng nâu vàng, hương thơm ngòn ngọt và thoảng vị gừng.
Miếng sắn có kích thước nhỏ hơn viên bánh trôi, nấu chín tới nên giữ được độ dẻo quánh khi nhai trong miệng mà không bị bở. Dùng thìa múc lên, nước đường đặc sệt quyện vào miếng sắn, kéo thành sợi giữa làn khói tỏa ra từ bát chè còn đang nóng hổi.
Cách nấu chè sắn tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm. "Trong lúc nấu phải liên tục canh lửa để sắn chín tới, không bị bở cũng không bị sượng. Lúc nấu chè, để lửa to nồi chè dễ bị cháy, khê", bà nói. Con gái bà Thúy cũng từng thử nấu chè phụ mẹ nhưng hương vị không đạt nên đến giờ bà vẫn là người bán.
Thực khách cũng có thể gọi chè lẫn để thưởng thức sự kết hợp giữa độ dẻo, bùi của sắn và vị ngọt, bùi của đỗ đen. Đây cũng là món được nhiều khách quen của quán lựa chọn. Chị Thuận, một khách hàng ruột của bà cho hay "Bà nấu ngon lắm, gần như ngày nào chị cũng ra đây ăn. Bà hiền nên được mọi người quý lắm".
Dù tuổi đã cao, con cái cũng đã ổn định, bà Thúy không đặt nặng vấn đề lời lãi. Mỗi ngày, bà chỉ nấu một nồi chè sắn, một nồi chè đỗ đen, một ít chè đỗ xanh, bán đến 15h. Thực khách đến quán có thể gửi xe ở khu vực giữ xe cách quán khoảng 30 m, sau đó chọn một chỗ ngồi xung quanh bếp, cầm bát chè sắn nóng trên tay và thưởng thức.