Lại hết nước! Ông Ngô Đức Vỹ (55 tuổi, ở thôn Tam Long, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) thở dài nhìn vào chiếc vòi rỉ sét đang nhỏ từng giọt. Cứ vào khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm, bể chứa nước mưa của nhà ông lại cạn kiệt, cả gia đình phải bơm nước ao bẩn, đục về để dùng.
Nguồn nước mặt bị ô nhiễm, ngay cả khi ông đào giếng khoan thì nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm phèn. Sống chung nguồn nước đục, cốc, chén, quần áo trong nhà chẳng mấy chốc đều bị ngả vàng do phèn bám vào.
Trước tình trạng khan hiếm nước, người dân thôn Tam Long phải đào một cái ao hình vuông, mỗi cạnh rộng 20 m, sâu 2 m ở giữa cánh đồng để trữ nước, tuy nhiên theo ông Nguyễn Như Bảo, Bí thư Đảng uỷ xã Quang Lộc, "ao này do nằm giữa cánh đồng, có nguy cơ ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, trong khi đó nước cũng thường xuyên vẩn đục nhưng người dân vẫn phải bơm về dùng".
Đến mùa khô (khoảng tháng 6 - tháng 8 hàng năm) thì nước trong ao cũng cạn, người Tam Long phải tháo nước ruộng vào ao thì mới có nước để bơm. Do sử dụng nguồn nước bẩn, các vật dụng trong nhà như bình nóng lạnh cũng rất nhanh hỏng do bùn đóng két ở bên dưới.
Câu chuyện thiếu nước của những người dân tại thôn Tam Long, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh không phải là cá biệt. Phát biểu tham luận trong hội nghị triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sáng 16/11, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, khu vực này có lãnh thổ hẹp, địa hình dốc cùng với lượng mưa phân bố theo mùa dẫn đến tình trạng nguồn nước vừa thiếu, vừa thừa gây ra lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô.
Theo tính toán cân bằng nước đến năm 2030 toàn vùng sẽ thiếu hụt khoảng 2,1 triệu m3, đặc biệt nghiêm trọng vào mùa khô. Tài nguyên đất đang bị suy thoái; toàn vùng có 1.345 ha đất nông nghiệp bị suy thoái ở mức trung bình đến nghiêm trọng và hơn 269.000 ha đất bị sa mạc hóa do thiếu nước.
Thấu hiểu được khó khăn ấy, bia Huda đã khởi động chương trình "Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương" từ năm 2019 để đưa nước sạch đến với nhiều người dân "khát" nước sạch, nhất là những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.
Trong 3 năm, hãng bia "Đậm tình miền Trung" đã hoàn thành 12 dự án, mang nước sạch đến với khoảng 25.000 người dân bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh, lũ lụt và đặc biệt là thời tiết nắng nóng kỷ lục.Năm nay, Huda tiếp tục triển khai chương trình với 5 dự án tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế mang nước sạch đến với 1.200 hộ dân, tương đương với khoảng 5.000 người.
Tại xã Quang Lộc của ông Vỹ, chính quyền đã đầu tư công trình cấp nước Bắc Thạch Hà công suất thiết kế 3.000 m3/ngày đêm nhưng do thiếu vốn nên 40 hộ dân của thôn Tam Long, xã Quang Lộc chưa được đấu nối để sử dụng nước sạch.
Và với sự hỗ trợ của Huda cùng sự phối hợp của chính quyền địa phương, các đoạn ống còn thiếu đã được lắp đặt, mang nước tới từng gia đình với định mức 100 lít/người/ngày.Nhìn dòng nước chảy qua chiếc vòi mới, ông Vỹ không giấu được niềm hạnh phúc. Việc đầu tiên ông làm là tắm một trận đã đời rồi mang hết chén bát trong nhà ra rửa. Chỉ mất vài ngày, những ố vàng trước kia đã biến mất.
Còn tại xứ Cùa (Cam Lộ, Quảng Trị), vấn đề thiếu nước đã kìm hãm sự phát triển kinh tế địa phương. Xứ Cùa là một thung lũng trên đỉnh Trường Sơn, nằm trên đất chung của 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa. Từ lâu, nơi đây đã có nhiều sản vật nổi tiếng được đúc kết trong 4G và 2C gồm: Gạo, gà, giếng, gia vị, cao (cao su) và chè (chè cổ thụ, chè vằng).
Ngoài những mặt hàng đặc sản như gà hay chè thì giếng ở đây cũng là một điều đặc biệt.Do nằm trên dãy Trường Sơn nên để có nước, người dân phải dùng giếng đào, giếng khoan. Độ sâu giếng ở đây rất lớn, thường dao động từ 30 đến 45 m.
Vào mùa nắng nóng, hầu hết giếng đào đều bị khô kiệt. Chỉ giếng khoan sâu hơn 35 m mới có nước để sử dụng và lượng nước cũng không đủ. Vì vậy, phần lớn người dân phải chở nước từ các địa bàn xung quanh về.Năm 2002, một tổ chức đã đầu tư cho thôn Mai Đàn (xã Cam Chính) công trình cấp nước sạch. Sau 20 năm đưa vào hoạt động, hệ thống đã có những điểm hư hỏng, công suất không đủ phục vụ nhu cầu người dân.
Trước tình hình đó, năm 2022, bia Huda đã tài trợ kinh phí nâng cấp công trình cấp nước sạch thôn Mai Đàn. Từ khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 10/2022, người dân đã không còn phải đi xa gánh nước nữa mà chỉ phải vặn vòi là có nước để dùng.
Bên cạnh đó, Chương trình "Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương" đã cải tạo, thay thế đường ống, hệ thống trạm bơm, bổ sung bể chứa để mang nước sạch về cho 928 hộ dân tại xã Hưng Phúc (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An); 165 hộ dân tại xã Hoa Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình và 50 hộ dân tại xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Không chỉ khơi nguồn nước sạch cho miền Trung yêu thương, Huda còn khởi xướng thử thách "Đại sứ nước sạch" để kêu gọi mọi người trân trọng nguồn nước và sử dụng nước sạch một cách tiết kiệm hơn. Chỉ bằng 5 hành động đơn giản, ai cũng có thể thực hiện như: Đánh răng thần thái là khoá vòi nước lại; Bậc thầy tưới cây; thích soi vòi rỉ và, mê dùng lại nước.., thử thách đã thu hút được hàng trăm người tham gia. Hàng trăm bài viết trên mạng xã hội với hashtag Đại sứ nước sạch Huda đã lan tỏa đến hàng trăm nghìn người.
Anh Bùi Tùng Giang, người tham gia chương trình vui mừng chia sẻ: "Cả gia đình tôi đều tham gia thử thách này để chung niềm vui đón nước sạch với bà con miền Trung. Bên cạnh đó, các hành động trong khuôn khổ thử thách đều đơn giản, dễ thực hiện và giúp tiết kiệm chi phí nước sinh hoạt cho gia đình, đồng thời lan tỏa thông điệp trân trọng nước sạch nên gia đình tôi đều rất hào hứng. Hy vọng thử thách sẽ tiếp tục được nhân rộng và đem lại giá trị tích cực cho cộng đồng".
Đặc biệt, chương trình còn có sự đồng hành của đại sứ Quang Linh Vlogs. Là một người con miền Trung sang Angola lập nghiệp, anh đã dùng kiến thức hỗ trợ người dân làm nông nghiệp, ủng hộ lương thực và đặc biệt là tổ chức chương trình mang nước sạch đến với người dân châu Phi. Vì thế hơn ai hết, chủ nhân kênh Youtube có hơn 3,4 triệu người đăng ký hiểu rõ về tầm quan trọng và sự quý giá của nước sạch.
Trong bài đăng trên mạng xã hội, Quang Linh chia sẻ hành động cầm cốc đánh răng thay vì vặn vòi cho nước chảy lênh láng. Hành động ý nghĩa, hình ảnh chân phương của chàng trai xứ Nghệ đã thu hút 24.000 lượt thích.
Đánh giá về chương trình, ông Onno Rombouts, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam chia sẻ: "Đóng góp cho cộng đồng luôn là giá trị cốt lõi mà Carlsberg hướng tới ngay từ những ngày đầu thành lập. Xuất phát từ mong muốn chân thành đó, từ năm 2019, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện chương trình "Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương" nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần tác động tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương. Chương trình được thực hiện liên tục trong bốn năm là sự khẳng định cam kết mạnh mẽ của Huda - luôn đồng hành cùng sự phát triển bền vững của miền Trung thân yêu."