"Hành trình góp nắng" trang bị kỹ năng sống cho các em nhỏ đặc biệt khó khăn

Mạnh Mường |

Hành trình góp nắng đặc biệt của các bạn trẻ tại Hà Nội, hướng đến các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các Trung tâm bảo trợ xã hội từ Bắc đến Nam.

Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, song đây hiện tượng này xảy ra liên tục, mang tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Rất nhiều vụ bạo lực học đường được đưa lên mạng xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra, trong một năm học, trên cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội.

Do đó việc tuyên truyền về thực trạng đáng báo động cũng như quy định pháp luật liên quan của bạo lực học đường là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, không phải nhóm trẻ nào cũng có điều kiện tiếp cận hoặc có cho mình các kỹ năng cần thiết.

Trước thực trạng đó, nhóm tình nguyện viên thuộc ĐH Luật Hà Nội đã có những sáng kiến tuyệt vời, hướng đến các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tên gọi "Hành trình góp nắng".

Cụ thể, chương trình sẽ bao gồm chuỗi các buổi tuyên truyền pháp luật và giáo dục kỹ năng sống dành cho các em nhỏ có mảnh đời khó khăn, thiếu may mắn trong xã hội.

Mục tiêu chính là chia sẻ, xây dựng lá chắn pháp lý và trang bị kỹ năng sống cho các em, để giúp các em bảo vệ chính mình trước nguy cơ bị bạo lực học đường.

Thông qua đó, cung cấp kỹ năng nhận biết và cách phòng, chống bạo lực học đường để bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật để áp dụng pháp luật vào việc xử lí hành vi bạo lực học đường, nâng cao ý thức cho các em học sinh.

Với mục đích, giúp các em sớm hình thành tư duy pháp lý và định hướng đúng đắn về cách ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội; có cho mình những thói quen, nếp sống tốt, phân biệt được cái đúng, cái sai, điều hay, lẽ phải.

Có thể nói, "Hành trình góp nắng 2022" của sinh viên ĐH Luật Hà Nội sẽ được ví như một chuyến tàu, hành trình qua nhiều chặng đường mà ở mỗi chặng đường đó, sẽ đem đến đến một chủ đề và rất nhiều tri thức pháp luật bổ ích.

Chặng 1: Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em

Chặng đầu tiên được tổ chức vào sáng ngày 20/03/2022 tại Làng trẻ SOS Hải Phòng và Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang.

Trong buổi diễn ra chương trình, các em được lắng nghe kiến thức pháp luật và thực tế về chủ đề "Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em", được chia sẻ những biện pháp bảo đảm an toàn cho bản thân mình và những người xung quanh.

Chặng 2: Phòng chống bạo lực học đường

Tại chặng thứ hai, diễn ra vào ngày 26/3, địa điểm tổ chức tại Làng trẻ em SOS Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và Làng trẻ em SOS Thanh Hóa.

Chặng 3: Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Ở chặng 3, điểm dừng chân của chương trình là Làng trẻ em SOS (Hà Nội). Các bạn sinh viên đã vận dụng rất nhiều hình thức như video hoạt hình, các tiết mục văn nghệ để qua đó cung cấp đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết, giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng.

Nói về "Hành trình góp nắng 2022", đại diện Làng Trẻ em SOS Thanh Hóa chia sẻ: "Tinh thần và kiến thức mà các em sinh viên mang lại rất bổ ích, giúp các em nhỏ tại các trung tâm bảo trợ có cơ hội tích lũy thêm nhiều kiến thức pháp lý. Chúng tôi hy vọng có thể sớm gặp các bạn sinh viên ĐH Luật Hà Nội với những chương trình trực tiếp thiết thực và bổ ích như thế này.".

Hành trình góp nắng trang bị kỹ năng sống cho các em nhỏ đặc biệt khó khăn - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại