Gian nan đường vào Tacloban
Khoảng ngày 8 - 9.11.2013, bão Haiyan với sức gió gần 300km/h, kèm theo sóng thần đã tàn phá Philippines, làm ít nhất 6.300 người chết và hơn 1.000 người mất tích. Trong đó, thành phố Tacloban, thuộc đảo Leyte, chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Sau bão, Tacloban gần như mất thông tin liên lạc, giao thông bị cắt đứt, do đó mọi thông tin, hình ảnh về mức độ thiệt hại tại Tacloban xuất hiện rất hạn chế trên các phương tiện truyền thông. Tôi còn nhớ, khoảng 20 giờ ngày 10.11, tôi cùng đồng nghiệp Đức Hạnh (hiện đang công tác tại Infonet.vn), nhận điện thoại từ Ban biên tập, cử sang Philippines tác nghiệp.
Lần đầu đi tác nghiệp vào “điểm nóng” ở nước ngoài, tôi không thể hình dung tình hình sẽ như thế nào nên có đôi chút lo lắng. Tuy nhiên, sự lo lắng đó nhanh chóng tan biến, bởi ngay trong đêm đó, chúng tôi phải tất bật với việc đặt vé bay sang Philippines, rồi chuẩn bị thiết bị cần thiết cho tác nghiệp và không quên mua một ít bánh gạo, mì gói phòng thân. Còn Đức Hạnh, đang phải nuôi 2 con nhỏ, nhưng khi nhận được lệnh từ Ban Biên tập vẫn không một chút do dự hay từ chối, cố gắng sắp xếp ổn thỏa việc gia đình, gửi 2 con nhỏ sang nhà người thân nhờ chăm sóc, đưa đón đi học…
Sớm hôm sau (11.11.2013), chúng tôi có mặt tại sân bay quốc tế Manila, Philippines. Thủ đô Manila dường như không bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá của cơn bão Haiyan như Tacloban, cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn diễn ra bình thường. Chỉ có điều mọi tuyến giao thông kết nối từ Manila đến Tacloban gần như bị cắt đứt. Sau nhiều giờ xoay xở, cuối cùng chúng tôi quyết định bay từ Manila đến thành phố Cebu, sau đó tìm cách đi vào Tacloban.
Tacloban lúc bấy giờ gần như bị cô lập, các chuyến bay từ Cebu đến Tacloban cũng bị cắt đứt. Chúng tôi đành chọn phương án đường bộ. Thuê xe taxi ngược về phía bắc của Cebu - khu vực cũng chịu thiệt hại khá nặng sau bão Haiyan. Dù từ trung tâm Cebu đến bến phà Polambato ở thành phố Bogo (một thành phố nhỏ phía bắc Cebu) chỉ chừng 150km, nhưng phải đi mất gần 5 giờ đồng hồ. Nhiều đoạn đường bị cơn bão tàn phá, xe đi lại rất khó khăn. Dọc đường đi, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh nhiều người dân tràn ra đường, dựng lều sống tạm bợ và xin cứu giúp…
Khi đến được bến phà Polambato thì chuyến phà duy nhất trong ngày hôm đó đã khởi hành. Theo nhân viên bến phà, từ Polambato để sang đảo Leyte (bến phà Palompon) phải mất gần 3 giờ đồng hồ. Rồi từ bến phà Palompon để đi vào Tacloban phải mất thêm 2 - 3 giờ đi 120km đường bộ trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, khi cơn bão Haiyan càn quét qua gần như cơ sở hạ tầng đường sá bị phá nát, việc đi vào khu vực Tacloban bằng đường bộ càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết và cũng không tài xế nào chịu chạy xe về Tacloban, vì họ không có xăng và sợ cướp giữa đường...
Vậy là sau một ngày vất vả ngược xuôi, kế hoạch đi vào “thành phố chết” bằng đường hàng không, đường phà, đường bộ bất thành. Lúc đó, nghĩ đến những yêu cầu tường thuật tin bài, hình ảnh từ tâm “thành phố chết” Tacloban mà Ban biên tập đặt ra càng khiến chúng tôi thêm áp lực kinh khủng…
Cuối cùng quay ngược trở lại trung tâm Cebu, đến sân bay, cộng với chút may mắn chúng tôi cũng có được 2 chiếc vé trên chuyến bay sớm nhất và đầu tiên của Hãng Hàng không Cebu Pacific đến Tacloban kể từ sau bão Haiyan càn quét.
Đặt chân đến sân bay Daniel Z.Romualdez (Tacloban), thật sự chúng tôi bị sốc trước cảnh một sân bay hoàn toàn đổ nát cùng biển người chen nhau đổ dồn về đây nhằm tìm đường thoát khỏi “địa ngục”. Trong khi dòng người ùn ùn đổ về sân bay thì chúng tôi từ sân bay lội bộ gần chục cây số vào trung tâm Tacloban. Cả nghìn xác người ngổn ngang nằm dưới các đống đổ nát, được thu gom xếp dọc hai bên đường, những nhà chờ xe buýt cũng trở thành nơi chất xác người. Những người còn sống thì vật vờ đói khát như những thây ma đi lại giữa ban ngày, họ đói khát đến mức có thể giết nhau để cướp lương thực…
PV Đức Hạnh tác nghiệp tại Tacloban sau cơn bão Haiyan tàn phá. Ảnh Đức Tài
Và cuộc đào thoát khỏi “thành phố chết”
Đến được Tacloban vào thời điểm bấy giờ đã muôn vàn khó khăn, nhưng để thoát khỏi “thành phố chết” có những lúc tưởng chừng như vô vọng. Chúng tôi trở lại sân bay Daniel Z.Romualdez để quay về Cebu theo lịch trình của tấm vé khứ hồi, nhưng hỡi ôi sân bay lúc đó là một cảnh hỗn loạn. Người ta cố bám chặt vào từng đoạn dây, hàng rào an ninh để tiến sâu vào khu check in dã chiến, được kê tạm bợ bằng chiếc bàn, ghế còn sót lại sau bão.
Tôi còn nhớ, lúc đó chúng tôi cố chen vào giữa đám đông, giơ cao tấm vé, hét khản cả cổ rằng: “Chúng tôi trễ chuyến bay rồi. Làm ơn cho vào”. Nhưng dường như chẳng có tác dụng gì, bởi cả biển người ở đây ai ai cũng cố len vào bên trong với hy vọng mình có thể thoát khỏi nơi này càng sớm càng tốt. Nhìn những gương mặt tiều tụy của dòng người đang chen nhau, hỏi ra mới biết có người đã chờ đợi 2 ngày rồi vẫn chưa được lên máy bay.
Thoát ra khỏi đám đông, lục trong balô những chiếc bánh gạo, chai nước còn sót lại, chúng tôi tranh thủ cố nuốt để lấy sức tiếp tục cho hành trình thoát khỏi “thành phố chết”. Thú thật, dù chỉ là những chiếc bánh gạo, chai nước uống dở, chúng tôi vẫn cố thu mình lại một cách kín đáo. Bởi trong bối cảnh hàng chục nghìn người đang lâm vào tình trạng đói, khát, họ có thể sẵn sàng đánh nhau để giành từng miếng bánh, chai nước.
Hỏi người dân địa phương với ý định thuê phương tiện đi về hướng bến phà để trở về Cebu, nhưng tất cả đều vô vọng. Với người dân địa phương Tacloban lúc bấy giờ với họ là tìm kiếm những người thân còn sống sót và cố thoát khỏi thành phố, chứ chẳng màng đến việc khác.
Sau nhiều phương án bất thành, chúng tôi trở lại sân bay một lần nữa với hy vọng mong manh. Lần này, không hòa vào dòng người đang chen nhau, chúng tôi tiến thẳng đến cổng hàng rào quân sự đang có nhiều binh lính, tay bồng súng đứng gác. Bao nhiêu máy ảnh, máy quay, thiết bị trong balô đều được chúng tôi lấy ra đeo trước ngực (nhằm ra dấu là phóng viên) cùng với thẻ nhà báo của Việt Nam cấp.
Sau một lúc lắng nghe trình bày, đắn đo, rồi cầm thẻ nhà báo có dòng chữ phía sau “Press Card” săm soi, cuối cùng một anh lính trẻ đồng ý cho chúng tôi vào. Tiếp đó, chúng tôi được phép đi vòng sang khu dân dụng và may mắn gặp được một nhân viên đang điều hành bay của Hãng Hàng không Cebu Pacific (mà chúng tôi không kịp hỏi tên) và được hứa sẽ cố gắng xem xét. Khoảng 3 giờ đồng hồ sau, anh nhân viên này dẫn chúng tôi vào làm thủ tục, cân hành lý và cân cả… người.
Với tấm lòng nhiệt tình giúp đỡ của nhân viên điều hành bay, chúng tôi có được thẻ lên máy bay trên chuyến cuối cùng của ngày hôm đó khi mặt trời bắt đầu tắt dần. Dù lên máy bay ngồi yên vị vào 2 ghế 14C và 14D, nhưng chúng tôi thêm một lần nữa hồi hộp, vì có 2 hành khách khác trùng số ghế. Sau một hồi trao đổi, cuối cùng phi hành đoàn cũng sắp xếp ổn thỏa để mọi người cùng rời khỏi “thành phố chết” Tacloban…