img
Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 1.

> Đọc lại phần 1: "Mẹ ơi, hay cho con chết, chắc con chịu không nổi..."

> Đọc lại phần 2: Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày "phục sinh" kỳ diệu của Liên

> Đọc lại phần 3: Em phải cố gắng tới bao giờ nữa, khi nào thì em được chết?

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 2.

Cuối tháng Bảy: Ba mươi tư ki lô gam 

Sau ba tháng ở bệnh viện và chung cư của vợ chồng Thiện, Liên trở về ngôi nhà của ba má ở quê. Mùa hè, khu vườn không được chăm sóc trở nên um tùm và mới lạ. Những khóm mía tốt tươi, những bụi sả, bụi nghệ xanh mơn mởn, những cây ớt sim nếp lủng lẳng quả. Mưa nhiều thúc rặng tía tô cao vọt lên. Cỏ mật mập mạp đã che hết đám rau lang, rau muống. Cây mẫu tử thả xuống những đứa con nhỏ. Cạnh đó là những cụm hoa tím của phong lan rừng. Sự vắng vẻ của buổi chiều đầy nắng bị phá vỡ bởi tiếng gà và tiếng chim ríu rít trên những cây mít sau nhà. Một cơn gió nồm đánh thức bụi tre. Một nhánh cây khô rơi tìm về đất. Qua khung cửa sổ, cô nhìn ráo riết như muốn in tất cả vào đầu, không biết rằng chỉ vài tuần nữa thôi, di căn sẽ tấn công lên mắt cô khiến mọi thứ mờ và nhòe đi. 

Tất cả đang tràn đầy nhựa sống, Liên thầm nghĩ, nhưng làm sao và bao giờ sức sống mới lại đến với mình? Mỗi lần vô tình thấy mình trong gương, Liên lại giật mình. Cô cảm nhận được ánh mắt của người thân chạy dọc hai cánh tay như hai khúc mía của mình. Đám hạc giấy nằm ở góc nhà, liệu chúng có mang phép mầu đến thêm một lần nữa? Phép mầu của sự hồi sinh, rực rỡ như đám cỏ hoa trong vườn, hoặc phép mầu của sự ra đi nhẹ nhàng. 

Khi những cơn kiệt sức trôi qua, Liên đi lại “lắt nhắt” trong phòng, và trở thành Liên cũ. Không muốn ngồi không, cô cùng bạn bắt đầu bán quần áo trẻ em trên mạng. Có bao nhiêu người vẫn bán hàng online kể cả khi số tháng còn lại của đời họ đếm không hết trên các ngón của một bàn tay?

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 3.

Giữa tháng Tám, Liên đắc thắng thông báo trọng lượng cô ổn định, “Không bị sụt kí nào nhé!” Cô còn tự hào, “Bonus nữa là chọc phát có máu liền, không phải tám nhát như trước nhé!” 

Điều tôi thích nhất ở Liên là sự hài hước. Phải chăng hài hước là một cơ chế tự vệ, như các nhà tâm lý học vẫn nói, để người ta đẩy những cảm xúc và suy nghĩ sợ hãi ra xa? Có phải đó là vũ khí để tuổi trẻ khẳng định mình, để nó bảo vệ bản sắc, cho phép mình giữ dù chỉ một chút sự ngạo nghễ bất cần, kể cả khi một chân đã đứng trong mồ? 

Tôi vẫn nhớ, trong Khi lỗi thuộc về những vì sao, cuốn tiểu thuyết của John Green về ba thiếu niên bị ung thư, cô gái Hazel (ung thư tuyến giáp) trêu cậu bạn Isaac (ung thư võng mạc và đã mù cả hai mắt) khi hai đứa gặp lại: “Isaac này, kể từ khi cậu mù tớ xinh hẳn ra đó!” Trước đó, Isaac nói với thằng bạn thân Augustus (ung thư xương): “Lại đây, lại đây nào, để tớ xem xét mặt cậu bằng hai bàn tay và nhìn vào tâm hồn cậu sâu hơn bất cứ một kẻ sáng mắt nào.”

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 4.

Có lần, tôi viết cho Liên rằng qua ảnh cô mới chụp, tôi thấy cô gầy quá. “Công nghệ sửa ảnh hết cỡ rồi đó ạ,” cô tỉnh queo. Thấy tôi không nói gì, Liên an ủi, “Thôi, kệ anh ạ.” Rồi cô kể tiếp, “Hôm qua em thấy cô người mẫu Cao Ngân trên báo.” Tôi chưa hiểu ý cô. Liên dừng lại một giây để tạo kịch tính. Thời gian đó, Cao Ngân gây xôn xao dư luận bởi thân hình khẳng khiu ốm đói của mình. “Em còn mập hơn cô ấy!” Liên chốt.



Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 5.

Mùa mưa miền Trung tới. Liên ngồi trước bậu cửa, vừa hát khe khẽ vừa vuốt đầu con Mực đang gối lên chân cô. Đằng xa, cóc nhái, ễnh ương râm ran. Năm nào Liên cũng đón chờ những âm thanh quen thuộc này, lòng xốn xang. Đây sẽ là mùa mưa cuối cùng của cô. Thôi về đi, đường trần đâu có gì. Từ nhà hàng xóm vọng sang bài Phôi pha. Liên ngỡ như Trịnh Công Sơn viết cho chính cô. Chắc ông cũng không tiếc nuối gì cho cuộc đời đâu nhỉ? Một ngày kia đến bờ. Đời người như gió bay. 

Vài tuần sau, Liên lâm vào một cơn nguy kịch. Cô ngạt thở và lên cơn co giật kéo dài. Thiện cuống quýt: “Chị ơi, chị cố lên, chị cố lên!” “Cố sao được mà cố,” Liên vặc lại. Câu nói ném Thiện ngược dòng thời gian, trở lại khi mà hai chị em vẫn cấm cẳu với nhau trong một cuộc sống yên bình, khiến cậu cảm thấy vừa ấm áp vừa đau đớn. 

Ba Liên tức tốc vào bệnh viện, thiền trợ lực cho Liên. Bác sĩ gọi má Liên ra ngoài hành lang, nói rằng gia đình cần xác định tư tưởng. Bên trong phòng, Liên bấu vào tay Thiện, thều thào: “Bắp chưa sanh à?” rồi mê man đi. Má và dì Liên lót dưới người cô một tấm áo mưa rồi gội đầu cho cô. Cô nghe thấy hai người bàn sẽ mặc gì cho cô khi cô qua đời. Liên khóc.

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 6.

Chiều hôm sau, bạn bè Liên vào, đem theo hai bịch sinh tố. Liên chỉ có thể nói rất chậm. Cô bảo với bạn: “Mới hôm qua tao nói nhanh mà sao hôm nay tao nói chậm thế này?” Mấy đứa nữ đưa tay lên quệt mắt. Thiện ngồi cạnh giường Liên, cậu đặt bàn tay Liên trong lòng bàn tay mình, vuốt ve âu yếm. Tay Liên bé nhỏ như một cái chân chim. 

Liên đã chuẩn bị hết. Cô nhờ Thiện lên mạng tìm hiểu chi phí cho dịch vụ hỏa táng ở Đà Nẵng, cuối cùng thì gia đình cũng đồng ý với mong muốn này của cô. Cô nhờ bạn đốt mấy cuốn nhật ký để ở công ty. Cô đưa Thiện mật khẩu của tài khoản ngân hàng và một cuốn sổ tiết kiệm để mua cho Bắp cái đàn piano điện: “còn thừa bao nhiêu thì cho đứa thứ hai”.

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 7.

Liên dặn Thiện sau này hướng cho Bắp đọc sách. Cô nhắc má không nóng tính, gây gổ với ba. Buổi tối, hai mẹ con ở trong căn phòng yên ắng, chỉ có tiếng bíp đều đặn của cái máy theo dõi nhịp tim của ông già bên cạnh. Liên nói: “Cuộc đời con thế này là thỏa mãn rồi, con không còn vương vấn gì nữa.” Má Liên tin cô, tôi cũng vậy. Nhưng hóa ra Liên đã không nói thật hoàn toàn. Hay chính cô cũng không biết bản thân mình? Một buổi trưa, M xuất hiện trước cổng bệnh viện và nhắn tin cho Thiện. Trước đó nhiều ngày, cậu đã liên lạc với má Liên xin được gặp cô, nhưng Liên từ chối. Không cho Liên biết, Thiện xuống gặp M. Trông M khổ sở. Hai người đứng ở ven đường, “nói chuyện với nhau như hai người đàn ông”. Xe tải chạy qua, tung bụi mù mịt. Thiện nói với M: “Bây giờ chị Hai em yếu rồi, mà em chia sẻ với anh là thật sự chị ấy không muốn gặp anh. Gặp anh thì chị ấy sẽ xúc động, ảnh hưởng tới sức khỏe của chị.” 

M lắng nghe. Sống cùng xóm, Thiện và M biết nhau đã lâu. Cậu đánh giá M là “một người đàn ông tốt, chứ không phải không”. 

“Chuyện giữa anh và chị Hai em thế nào thì em chỉ biết chút ít thôi, mà em không muốn bàn tới đúng sai gì ở đây. Nhưng anh cứ cố gặp thì không tốt cho chị ấy. Chắc anh cũng như em, anh cũng muốn ưu tiên cho sức khỏe của chị Hai.”

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 8.

Như có giác quan thứ sáu, Liên đoán được là hai người gặp nhau. Bị chất vấn, Thiện thú nhận. Liên giận dữ: “Mày đừng có đứng ra đại diện cho tao được không!” 

“Em không hiểu được, anh ạ,” Thiện nói với tôi. “Em không hiểu tại sao chị ấy không buông bỏ được câu chuyện này.” Chút nữa thì Thiện hỏi Liên: “Em chỉ cho anh M biết tình hình sức khỏe của chị thôi mà. Chị phản ứng như vậy nghĩa là chị còn nặng lòng với họ?” nhưng cậu kìm lại được. 

Cả buổi tối, Liên đăm chiêu suy nghĩ và lạnh nhạt với Thiện làm cậu sợ hãi. Cậu nhắn tin cho M, “Thôi, từ nay anh đừng liên lạc với em nữa. Anh thông cảm cho em.”

Có phải Liên vẫn chưa vượt qua được câu chuyện tình cảm với M, tôi hỏi Thiện. 

“Chắc chắn là như vậy! Việc gì chị ấy cũng buông bỏ được hết, vậy mà việc này thì không… Có thể là yêu, là giận, hay là hờn, là ghét hay là thù gì đó… Em nghĩ là chị ấy còn rất nặng lòng.”

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 9.

Chừng một tuần sau, tôi hỏi Liên vì sao cô không muốn để M gặp lại mình. Lúc này Liên đã hồi phục lại sau trận thập tử nhất sinh. Đầu cuộc nói chuyện, cô kể rằng “người bạn em” xin gặp nhưng cô khước từ, điều mà tôi đã biết. Sau hai ba câu, cô chặn tôi lại: “Em không muốn anh hỏi em về chuyện ấy nữa.” Mười phút sau, tự cô quay lại chủ đề đó. 

“Một năm trước em muốn gặp nói chuyện mà bạn ấy không gặp.” Cô trả lời ngay. “Giờ bạn ấy chỉ muốn giải tỏa lương tâm thôi, chứ không có gì hết.” Rồi cô nói thêm, “Mà em không biết giờ gặp em có giữ được bình tĩnh hay không nữa.” 

Chỉ để giải tỏa thôi, chứ không có gì hết. Liên còn mong đợi gì nữa chăng? Không cho M “giải tỏa lương tâm”, không để cậu thanh thản, đây là cách cuối cùng để cô có quyền lực trước M, để cô trừng phạt người đã làm mình thất vọng? 

Không được hỏi, nên tôi im lặng, chờ đợi. Liên tiết lộ thêm một chi tiết: “Thậm chí vợ bạn đó nhắn tin cho em nữa…”. 

Trong cả năm tôi quen Liên, đây là lần đầu tiên người con gái kia xuất hiện. “Em thấy người ta khá ích kỷ trong việc này.” Chưa bao giờ tôi thấy Liên gay gắt như vậy. “Người ta không hề nghĩ đến em đau như thế nào, họ chỉ quan tâm họ muốn cái gì thôi.” 

Vợ M mong Liên “vui vẻ như xưa với M”. Nỗi đau khổ của M chắc hẳn phải khổng lồ. Nhưng Liên không quan tâm tới điều đó. 

“Em thấy hơi nực cười. Nói chung là em không quan tâm. Thấy tin nhắn tới là em xóa.” 

“Em xóa luôn à?” 

“Em… em lướt lướt sơ, em đọc xong rồi em xóa.”

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 10.

Tôi hình dung Liên, hai mắt đã rất kém, “lướt lướt sơ” các tin nhắn trên cái điện thoại để sát mặt, vừa giận bản thân là mình không xóa tin ngay, vừa ngổn ngang tơi bời trong lòng, mỗi tin nhắn như một nhát dao. Một người vợ nhắn tin cho người yêu cũ của chồng để xin cho anh ấy được gặp thì hẳn phải yêu chồng như thế nào, và hẳn cô phải yên tâm về tình yêu chồng dành cho mình như thế nào, chắc chắn Liên hiểu được điều đó. Đây là buổi nói chuyện cuối cùng của tôi và Liên, và cũng giống buổi đầu tiên tôi gặp cô trong căn nhà trọ của cô ở Ngũ Hành Sơn, cô dành một nửa thời gian để nói về cuộc tình tan vỡ của mình. 

Vậy là Liên sẽ đến với cái chết với một tâm lý bình tĩnh, một tinh thần vững vàng, nhưng với một trái tim tan nát. Cô chấp nhận sự vô thường của cuộc đời, nhưng khước từ nhìn vào cái chết của tình yêu. Cô chuẩn bị tỉ mỉ cho sự ra đi của mình, nhưng trong cuộc tình này thì lánh vào vô số các bài thơ ẩn dụ cô làm về “ta và biển” và “em và hoa”. “Mình phải tha thứ cho nhẹ lòng.” Liên viết vào nhật ký hai năm trước. “Rồi sẽ ổn! Bằng cách nào đó thì cũng sẽ ổn thôi. Mình sẽ làm được!” Trong các dự định của mình, có lẽ đây là điều duy nhất Liên không làm được trước khi cô qua đời.

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 11.

Giữa tháng Mười, Bắp chào đời. Nghe tiếng nó khóc qua Zalo, Liên bật khóc theo, nức nở vì hạnh phúc. Đêm hôm đó, Liên nhẩm thuộc lòng trong đầu một bài thơ, rồi căng mắt đánh một mạch vào Facebook trước khi vật ra kiệt sức. Bài thơ có đoạn: 

Cô không biết sẽ đi được thêm bao đoạn đường 

Sẽ kiên cường đến khoảnh khắc nào đây 

Nhưng điều đó đâu nghĩa gì con nhỉ 

Một chiếc lá rụng xuống 

Một mầm cây vươn lên 

Liên muốn sống để nhìn mặt Bắp, và cô đã toại nguyện. Giờ đây cô hy vọng ăn được một cái Tết nữa với cả nhà, cô nói vậy với tôi. Không có kinh nghiệm chuyên môn, nhưng tôi linh cảm rằng với Liên lúc này, ba tháng rưỡi là một con số rất lớn. Hai hôm sau cuộc nói chuyện cuối cùng với cô, tôi rời Hà Nội ra nước ngoài. Việc đọc vào máy ghi âm bài viết của tôi về chị Hà và Nam cho Liên nghe như đã hứa vẫn dang dở. Tôi sẽ hoàn thành ngay khi quay lại, tôi tự nhủ, sẽ vẫn kịp. 

Trở lại Hà Nội sau hai tuần, tôi nhận được tin nhắn từ Thiện. Liên đã phải vào lại bệnh viện và đã phải gắn máy theo dõi nhịp tim. Cô còn quá ít thời gian để mà quan tâm tới bài viết của tôi. Giờ đây cô muốn dành trọn vẹn quỹ thời gian còn lại cho những người thân trong gia đình và thỉnh thoảng bế Bắp ngọ nguậy trong lòng.

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 12.

Chỉ còn vài tuần là tới Tết Nguyên Đán 2018, nhà Liên vắng lặng. Con Mực nằm trầm ngâm ngoài hiên, liệu nó có cảm nhận được khoảng trống khổng lồ mà sự vắng mặt của Liên đem lại? Năm nay, sẽ không có ai hối cả nhà ra sân chụp hình nữa. 

Đã có tí men, ông hàng xóm lấy ghi ta ra bập bùng, lâu lâu lại gõ vào thùng lúa vài nhịp trống. Thôi về đi, đường trần đâu có gì. Tóc xanh mấy mùa... Bàn chân ai rất nhẹ, tựa hồn những năm xưa. Má Liên lấy cái khăn lau bụi trên kệ sách của Liên, bên trong có trọn bộ Dan Brown, cuốn của bé Thiện Nhân, và vài cuốn Thích Nhất Hạnh. Cái kệ sách mỏng có cửa kính trượt này, món quà của một người anh họ, là mong ước cuối cùng của Liên. 

“Cuối cùng thì tôi cũng chỉ là một trong số bảy tỉ con người mà thôi,” tôi đọc được những lời này khi mọi liên lạc trực tiếp giữa tôi và Liên đã tắt hẳn, “một con số mà giống như cái ung thư của tôi, sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tháng tới.” Max Edwards, một cậu bé Anh mười bảy tuổi, viết chúng một tuần trước khi cậu qua đời. “Cuộc đời của tôi là tất cả những gì mà tôi được biết, nhưng tôi chỉ là một cái chấm trên hành tinh này.” 

Max làm tôi nhớ tới Liên. “Cái gì rồi cũng qua đi, anh ạ, cả em cũng vậy,” có lần cô nói với tôi. Giống Max, Liên đã có một sự thông thái mà nhiều người có tuổi đời gấp đôi cô không có được.

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 13.

Trong cuộc nói chuyện cuối cùng của tôi với cô, tôi nhận xét rằng dường như cô không bị cảm giác cô độc đeo bám như trước kia nữa. Liên đồng ý. “Em thấy ấm áp bởi gia đình, bởi bạn bè, bởi những mối quan hệ và bởi những may mắn mà em có được trong cuộc sống.” Cuối cùng, tôi nhận thấy, những quan hệ người với người tốt lành là điều nuôi dưỡng cô và giúp cô ra đi thanh thản. Chắc hẳn Liên cũng nhận ra điều này. Trong bài thơ tặng Bắp, cô nhắc tới những hội thoại của chúng tôi. 

Bác Giang Đặng từng hỏi cô trăm lần có lẻ 

Rằng sao cô bình thản tự nhiên 

Trước sinh ly từ biệt tiếc thương 

Và cung cấp cho tôi và cho chính bản thân, câu trả lời. 

Cho đến hôm nay khi cô nhìn con, cô mới hiểu 

Bởi tình yêu không bị chia cắt bởi trạng thái sống – còn 

Rồi ông bà, ba mẹ con sẽ kể về cô cho con biết 

Nơi rất xa con không nhìn thấy 

Nhưng tình yêu của cô vẫn sẽ sống cùng nhân duyên cô cháu mình

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 14.

Khi viết những dòng này, tôi cảm thấy bình tĩnh trước ý nghĩ về cái chết của chính bản thân. Với tôi, Liên quả thật là một chiến binh quả cảm. Liên đã là một chiến binh quả cảm, giờ đây tôi phải nói về cô ở thời quá khứ. Nhưng không phải chỉ là vì cô vừa chạy hóa trị vừa làm luận án, hay vì cô kiên cường tập đi, mà vì cô đã nhìn thẳng vào cái chết, với tất cả sự bình thản, và cả hài hước nữa. 

Cô đã là một con người tự do. Nếu cô gái bé nhỏ này đã có thể tới gặp cái chết một cách đàng hoàng như vậy, lẽ nào tôi không làm được như cô?

Hành trình cận tử: Nỗi đau cuối cùng của Liên và bước chân đàng hoàng tới gặp cái chết - Ảnh 15.

Bài khác cùng tác giả:

Đặng Hoàng Giang
7pm.
Theo Trí Thức Trẻ9/8/2019