>> Đọc lại phần 1: "Mẹ ơi, hay cho con chết, chắc con chịu không nổi..."
>> Đọc lại phần 2: Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày "phục sinh" kỳ diệu của Liên
Đêm hôm đó, trong giấc ngủ, cô thấy mình hét rất to, hét để có không khí vào phổi. Choàng tỉnh dậy, Liên thấy ba má đứng ngó mình chăm chăm. Không biết hai người đã đứng đó từ khi nào? Trên bàn thờ, một que nhang đang sáng đỏ trong bóng tối.
Hai tuần sau, Liên nhập viện cấp cứu. Cô bị khó thở, sốt cao gần bốn mươi độ, nhưng người tím tái, lạnh từ bên trong và co giật. Không nói chuyện được, Liên gửi tôi số của má cô để tôi có thể hỏi thăm, và nhắn thêm, "Nhưng anh nhớ đừng hỏi gì về trợ tử hay hỏa táng nha anh. Em mới nói lại về trợ tử và má khóc rồi, nên giờ em không muốn. Mong anh hiểu."
Người ta nói là cái chết giống mặt trời, không ai có thể nhìn vào nó quá lâu. Dường như Liên là một ngoại lệ. Cô nghĩ sớm và nghĩ nhiều về cái chết của mình, đặc biệt về trợ tử (cái chết được trợ giúp). Ngay từ buổi gặp đầu, cô đã nói rất lâu về chuyện này với tôi. Mong muốn của Liên được nhen nhóm từ một trải nghiệm cô có cách đây hai năm. Khi đó, một cô gái xinh xắn, da thịt hồng hào và thơm mát, hay tới giường bệnh của cô ngồi chơi. Nhưng Liên càng phục hồi thì cô bé càng suy sụp. Hai tháng sau, cô bé chỉ còn là một bộ xương, nằm thở ô xy trên giường. Khao khát sống, lúc đó cô vẫn năn nỉ các bác sĩ lấy máu của cô để tiếp tục điều trị. Gặp lại Liên, cô yếu ớt: "Chị, chị nằm gần em nhé. Em đau lắm chị ạ. Đêm nào em cũng khóc."
Hình ảnh cuối cùng ở lại trong Liên là cơ thể tiều tụy, quằn quại đau đớn của cô bé hai mươi tuổi. Ba má cô bé ngồi bên cạnh, lặng lẽ khóc. "Em đã chứng kiến sự bất lực của ba má bé, chính em đã bất lực khi nhìn bé quằn quại," Liên nói với tôi. "Cái cảm giác đó, em không muốn người thân em phải trải qua."
Ngoài việc bị ám ảnh rằng mình là một kẻ ăn bám, Liên còn vô cùng sợ hãi rằng cô sẽ gây ra những đau đớn tinh thần cho gia đình khi họ phải chứng kiến sự suy tàn của cô. Liên mong muốn hình ảnh cuối cùng của mình trong người thân là một hình ảnh đẹp. Mỗi lần nhìn thấy một bệnh nhân đau đớn trong bệnh viện, Liên lại bóng gió với má, "Lúc ni nên để họ ra đi cho nhẹ nhàng, má hỉ?"
Cô hay dùng chữ nghỉ ngơi. Khi cơ thể mình thực sự cần được nghỉ ngơi, mình nên cho nó nghỉ, đừng hành hạ nó, cô tự nhủ vậy. Chữ nghỉ ngơi này, cô tâm đắc từ một cuốn sách của nhà văn Pháp Marc Levy. Đến một lúc nào đó, ông viết, khi cơ thể bất kham, mình cảm thấy mệt mỏi, thì "ý nghĩ được nghỉ ngơi mãi mãi không còn làm mình sợ như trước nữa".
Má Liên không chấp nhận, "Thế sao được, còn nước còn tát chứ."
Mấy ngày sau, Liên bình phục lại chút ít. Cách chỗ mẹ con cô ngồi hai giường, một bệnh nhân nam gầy gò cởi trần ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ, đầu gục xuống thành giường. Nước dịch pha máu đỏ chảy từ phổi anh ta qua ống nhựa xuống cái chai La Vie lít rưỡi để dưới sàn. Má Liên tránh không dám nhìn, còn Liên đi lấy cái quạt máy để cạnh anh ta. Đà Nẵng đang trải qua đợt nóng đầu tiên của năm. Vì một lý do nào đó, đây là hình ảnh ám ảnh cô nhất trong tất cả những gì cô đã chứng kiến ở bệnh viện. "Em không sợ nhưng em thương," Liên kể với tôi. Cô thương cho cả bản thân mình, và không muốn người thân phải chứng kiến nước dịch trộn cùng máu cô chảy vào chai như vậy.
Cái chai đã đầy được một nửa. Liên khẽ khàng nói với má: "Mai mốt con mệt quá rồi thì cho con chết đi." Tránh trả lời, má cô chỉ bảo: "Trông tội cho người ta quá." Bà im lặng một lúc rồi nói thêm: "Chắc chắn là má không cho con hút dịch."
Liên bồi thêm: "Thôi, trợ tử luôn má hỉ?" Má Liên buồn bã: "Chắc Việt Nam không cho làm đâu."
Mấy đứa bạn Liên vào viện chơi, chúng nấu nước lá và kì cọ cho cô. Liên trình bày về viễn cảnh lý tưởng của mình. Trong viễn cảnh đó, cô nằm trên giường, cười tươi tắn và chào mọi người: "Ba má ở lại, con đi chơi. Chúng bay ở lại, tao đi." Rồi bác sĩ tiêm cho cô một liều thuốc. Không đau đớn, không xấu xí. "Tao muốn được mất theo cách như vậy," cô nói với lũ bạn. "Chuyện đó có gì quá nghiêm trọng đâu nhỉ?" Liên hỏi tôi. "Yếu quá rồi thì mình chào mọi người mình đi, mình cố nữa làm chi?". Không ý thức được, nhưng dường như sự bình thản của Liên trước cái chết lây sang tôi. Ta biến mất, ừ, thì sao nhỉ? Hãy để cơ thể nghỉ ngơi khi nó quá mệt mỏi, thay vì tiếp tục tra tấn nó bằng các loại máy móc, các can thiệp, mổ xẻ. Chẳng phải sự bình thản này chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng hay sao?
Nhưng Liên đơn độc trong việc chuẩn bị cho cái chết. Gia đình cô nói lảng sang chuyện khác, các bác sĩ thì lặng thinh. Qua các tài liệu chuyên môn, tôi biết rằng nhiều bệnh nhân bị rơi vào tình trạng đơn độc này. Đóng góp lớn nhất của Elisabeth Kübler-Ross, người đã đề xuất mô hình năm trạng thái tâm lý trước cái chết, là vào thập kỷ 1960, bà đã thuyết phục được công luận, người nhà, các bác sĩ, rằng cần tiếp chuyện bệnh nhân khi họ muốn nói về sự ra đi của họ, trước khi quá muộn.
Đó là khởi điểm của phong trào end-of-life discussion, của những trao đổi cuối đời, ở phương Tây. Bệnh nhân có hy vọng gì, sợ hãi gì, mong muốn gì. Điều gì quan trọng trong những ngày cuối đời của họ? Người gần đất xa trời cần hoàn thành một số việc để khép lại cuộc đời một cách hoàn chỉnh. Những trao đổi cuối đời cho họ cơ hội để xin được người khác tha thứ, hoặc để tha thứ cho người khác. Chúng giúp họ nhìn lại cuộc đời họ đã sống, cho nó một giá trị, một ý nghĩa, và qua đó, giúp họ chấp nhận cái chết, chấp nhận sự kết thúc của đời mình.
Những năm gần đây, người ta nhận ra tầm quan trọng của những cuộc nói chuyện này ở cả nhóm các bệnh nhân trẻ. Trong một khảo sát gần đây, quá nửa các bệnh nhân AIDS trong tuổi thiếu niên ở Mỹ nói rằng không được trao đổi với gia đình về những điều này là một tình huống "còn tệ hơn là cái chết". Những cuộc chuyện trò này đem lại cho bệnh nhân một cảm giác làm chủ, và điều này đặc biệt quan trọng với những người trẻ, những người còn đang tìm tòi và thiết lập bản sắc của mình.
Nhưng có nhiều lý do để người nhà và bác sĩ lảng tránh những trao đổi này, họ giấu giếm lẫn nhau và giấu giếm bệnh nhân về thực trạng bệnh: lúng túng không biết bắt đầu từ đâu, cho rằng mình cần phải giữ thái độ lạc quan, lo ngại người bệnh "đầu hàng". Họ trốn vào những bông đùa: "Khỏe lên để lại đi chơi nhé", hoặc nấp sau những câu sáo mòn: "Cố gắng lên!" Kết quả là cái chết đánh úp tất cả mọi người khi nhiều việc còn dang dở, nhiều điều chưa kịp nói. Cho tới khi người em trai của anh bạn luật sư của tôi qua đời, gia đình anh chỉ tập trung vào việc tìm gan thay thế. Cuối cùng, không ai có cơ hội nói những lời thương yêu và chào vĩnh biệt anh. Tất cả đều hành xử như là chắc chắn anh sẽ khỏi bệnh, đều khước từ nhìn vào cái chết của anh, tới tận lúc nhịp tim anh trở về con số không.
Cũng giống gia đình người bạn tôi, bà Amanda Bennett, một nhà báo Mỹ được giải Pulitzer, đã tới tận phút cuối bám vào hy vọng không tưởng rằng người chồng yêu quý của mình sẽ được cứu sống, và rồi hai người không bao giờ chào vĩnh biệt nhau. Trong cuốn hồi ký của mình, Tổn thất của hy vọng, bà kêu gọi cho một cách tiếp cận mới trước cái chết. Đến một lúc nào đó, chúng ta nên cầm tay đón chào nó, thay vì tuyệt vọng kháng cự nó một cách điên rồ. Bennett cũng nói tới chủ nghĩa anh hùng. Chúng ta có những tự sự anh hùng của chiến đấu chống lại bệnh tật, bà viết, nhưng chúng ta cũng cần có những tự sự anh hùng của buông bỏ, nhìn vào và nhận ra cái kết, và của lời chào vĩnh biệt.
"Hiện tại mọi thứ em đang làm là để sao cho cái chết của em nhẹ nhàng nhất. Em nghiêm túc mà mọi người vẫn không hiểu." Liên nói với tôi, giọng cô toát ra sự bất lực. Cả mấy đứa bạn Liên cũng không muốn nghe, chúng vừa sấy đầu cho cô vừa lặng lẽ khóc.
TẮM XONG CHO LIÊN, cả nhóm quay ra chơi bài, ghi điểm chi chít vào mấy tờ giấy. Cuối buổi chiều, chúng đẩy Liên xuống dưới sân, người ta đang tổ chức văn nghệ nghiệp dư giao lưu ở đó. Trước kia, Liên vốn là một tay karaoke ra trò. Trong thang máy, Liên hối hả điểm các bài tủ trong đầu, cô có thể hát bài nào với cái phổi hiện nay của cô?
Trời đã gần tối, gió biển thổi qua cái quảng trường nhỏ trước bệnh viện làm dịu cái nóng đầu tháng Năm. Một đứa bạn đẩy xe lăn của Liên ra đằng trước trong ánh mắt dõi theo của mấy chục bệnh nhân, người trọc đầu, người chít khăn. Liên mặc cái váy vàng nhạt, hai ống chân khẳng khiu của cô thò ra ngoài. Trên mu tay trái của cô vẫn lủng lẳng cái ống nhựa lấy ven. Mọi người vỗ tay rời rạc, khuôn mặt của họ u ám như được tạc bởi đá xám. "Con là Đỗ Thị Huỳnh Liên." Liên tự giới thiệu, cô là người nhỏ tuổi nhất ở đây. "Con năm nay 27 tuổi, con đã bệnh bốn năm nay. Đến giờ thì nó đã vào xương vào phổi rồi…" Cô dừng lại một chút. "Nhưng chuyện của ông Trời thì để ông ấy tính." "Còn con thì con chọn thái độ vui chứ không chọn thái độ buồn." Cô nhìn sang anh chơi organ, ra hiệu. Âm nhạc nổi lên, một tình nguyện viên đẩy cô chầm chậm từ đầu này qua đầu kia "sân khấu". Cô hát một bài mình ưa thích của Lê Cát Trọng Lý, nhưng chỉ đủ sức kết thúc khổ đầu rồi cúi chào và thở dốc.
Có lẽ không ai biết rằng, thời gian đầu, cô căm ghét cái vai trò "người gây cảm hứng" mà cô vừa thực hiện; cô dị ứng với danh hiệu "người hùng" mà báo chí tặng cô. Quả thực, đọc những mô tả về "cô gái thừa nghị lực để vượt mọi nỗi đau", tôi thấy Liên hiện lên như một con robot thép. Bị ám ảnh rằng cả đời mình là một kẻ ăn bám và một gánh nặng cho xã hội, Liên vờ vịt đóng vai mạnh mẽ để khỏi bị cho là than vãn số phận. Trong thâm tâm cô thấy mình như con rối trước kỳ vọng của xã hội. Gia đình bắt đầu tự hào vì cô, và chính điều này khiến cô trở nên cau có và bực bội. Cô không muốn rằng "tạo cảm hứng" là thứ duy nhất mà cô có thể làm cho bố mẹ.
Liên thay đổi cách nhìn khi trong chuyến vào thành phố Hồ Chí Minh, cô được Thủy Tiên mời tới một buổi sinh hoạt của Mạng lưới Bệnh nhân ung thư vú. Hôm đó, khi cùng Diễm, đứa bạn thân thời niên thiếu, bước vào căn phòng, cô kinh ngạc và dễ chịu đắm mình trong cái năng lượng tích cực toát ra từ những khuôn mặt tự tin và chân thành của những người phụ nữ bằng tuổi chị và mẹ cô. Liên cảm thấy mình được về nhà, được an ủi bởi những người cùng cảnh ngộ. Tới cuối buổi, Liên hiểu rằng "những thứ tinh thần" kia có giá trị của nó.
Lúc ra về, cô nói với Diễm là cô đã tìm ra sứ mệnh của đời mình. Vậy sứ mệnh của đời cô là gì, tôi hỏi. "Em sống là để nhắc nhở người khác biết là họ may mắn, và qua đó cho họ động lực để sống tốt hơn."
May mắn. Chữ này đóng vai trò trung tâm trong thế giới quan của Hà (mẹ của một bệnh nhân ung thư), tôi nhớ lại. Tôi bắt đầu nhận ra những điểm chung trong tâm thế của Liên và của Hà. Thỉnh thoảng, Liên nhận được tin nhắn từ những người xa lạ, họ cảm ơn cô đã tiếp sức cho họ trong lúc họ chán nản và muốn buông xuôi nhất. Những lúc như vậy, Liên thấy dễ chịu, cô thấy mình có ích.
Liên đã tìm được ý nghĩa cho cuộc đời của mình, và không có gì, kể cả cái chết, có thể tước đi được ý nghĩa này. Cô đã rũ bỏ được mặc cảm mình là kẻ ăn hại, điều khiến trước kia cô khước từ sự giúp đỡ của bạn bè và ngấm ngầm trốn gia đình tới bệnh viện một mình. Người mà có lý do để sống thì có thể sống ở mọi nghịch cảnh, tôi nhớ lại Viktor Frankl. Elisabeth Kübler-Ross đảo ngược lại: Người đã tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời thì có thể thanh thản đến với cái chết. "Khi cuối cùng chúng ta biết là chúng ta sẽ chết, và mọi sinh linh khác cũng sẽ chết cùng ta, ta bắt đầu có một cảm giác cháy bỏng, gần như khiến trái tim thổn thức, rằng mọi khoảnh khắc mới mong manh và quý báu làm sao," thiền sư Sogyal Rinpoche viết trong cuốn Tạng thư sống chết. "Và từ cảm giác đó, trỗi dậy một lòng trắc ẩn sâu sắc, sáng tỏ và vô hạn, hướng tới vạn vật." Một buổi chiều, Liên ngồi ngoài hiên quê với cốc nước cam. Cô ngắm đàn gà con quấn quýt bên mẹ và thấy lòng nhẹ nhõm. Trên đầu cô, một con nhện bé tí đang giăng tơ. "Mày chọn sai chỗ rồi," cô trìu mến nói với nó, "vài bữa nữa má thấy là mày toi, cái tội làm bẩn nhà một cách lộ liễu."
Liên chậm rãi lật trang album ảnh để trên đùi. Các khoảnh khắc quá khứ mất đi sự tầm thường của chúng và hiện ra rực rỡ khiến tim cô thắt lại. Lặng nhìn biển rộng sóng vỗ, cuộc đời tôi là những chuyến đi dài. Từ nhà hàng xóm vẳng sang tiếng nhạc. Liên nhớ lại những chuyến đi của mình. Tháng trước, đồng nghiệp của cô kể về cuộc sống bên Nhật khiến cô bồn chồn. Giờ đây, thậm chí cô không còn đi café với bạn bè được nữa. Liên biết cô không còn nhiều thời gian. Muốn thoát khỏi đám cháy, phải băng qua đám khói, cô tự nhủ. Đằng sau đám cháy sẽ là điều gì, Liên không biết và cũng không đặt câu hỏi. Cô chỉ biết trước mặt cô là những thử thách khổng lồ mà cả ba má cô phải đối diện và chấp nhận.
Mấy tuần trước, Thiện thông báo là vợ nó có mang, lịch sinh nở là giữa tháng Mười. Nghe nó nói, Liên thấy tim mình đập thình thịch, người cô chộn rộn khó tả. Cô gọi ngay đứa trẻ là "Bắp của cô Hai", và muốn đặt tên nó là Tâm An. Thiện từ chối, nó nói tên đó giống tên mấy quán chay, và sợ đứa bé hay bị gọi lên bảng nếu đứng đầu sổ. Giờ đây Liên chỉ còn một mốc thời gian trước mắt: giữa tháng Mười. Liệu Liên có sống được để nhìn thấy Bắp?
Tới giữa mùa hè thì Liên phải rời phòng trọ của mình, chuyển tới căn chung cư bình dân của vợ chồng Thiện để má cô dễ chăm sóc hơn, chấp nhận hy sinh một phần lớn nữa của sự độc lập của mình. Cô thiền nhiều hơn. Khước từ hóa trị, đây là hy vọng cuối cùng của Liên để chống lại sự tấn công của di căn. Thiện nói với tôi rằng "không biết cơ sở khoa học thế nào", nhưng Liên và ba má tin rằng cô phục sinh cách đây hai năm là nhờ thiền. Theo triết lý của môn phái mà Liên và ba cô theo đuổi, khi thiền, các luân xa trên cơ thể sẽ được mở ra và thu hút năng lượng vũ trụ, tạo ra những năng lượng sinh học dồi dào để chiến đấu với bệnh tật.
Tới bữa, cô di chuyển từ phòng mình tới bàn ăn, chậm chạp cứ như đang kéo theo đằng sau một bao cát bốn mươi cân, và nhìn bát cháo bo bo nhuyễn trước mặt với vẻ kinh sợ như nó là rơm trộn bùn. Giờ đây đã rõ ràng là Liên không thể đi làm được nữa. Giống một người bị cấm cung bám song sắt cửa sổ nhìn xuống dưới đường, cô hay lên Skype, để trạng thái vô hình, và đọc các trao đổi của đồng nghiệp trôi từ từ trên màn hình như nước chảy. Cuộc sống ngoài kia đang tiếp diễn với tất cả sự lộng lẫy của nó. Mấy hôm trước, ai đó vô tình kể rằng M sắp cưới, khiến cô chòng chành.
Đây là khoảng thời gian chúng tôi nói chuyện được nhiều nhất. Liên có nhiều thời gian vì không đi làm nữa, mà cô lại chưa quá suy yếu. Chuyện trò với cô, tôi có cảm giác mình giống một nhà viết sử đang dựng lại lịch sử của một kiếp người, như một cách thể hiện lòng tôn trọng trước sự hiện diện của cô trên cõi đời này. Khi ghi chép lại những trao đổi của chúng tôi, tôi có cảm giác thiêng liêng và trân trọng. Những suy nghĩ thầm kín nhất của con người không phải liên quan tới hôn nhân, tình yêu, quan hệ với bố mẹ hay con cái, thậm chí không phải là về tình dục. Sâu kín nhất, riêng tư nhất là những cảm xúc, suy nghĩ khi người ta đứng trước cái chết. Những bức thư của người lính trước trận đánh có sự riêng tư đó, những tâm sự của người bệnh cuối đời có sự riêng tư sâu sắc tột cùng đó.
Cô có lo hay buồn là mọi người rồi sẽ quên mình? Có một lần, tôi muốn biết.
Đây là câu hỏi lớn với chính bản thân tôi, với đa số mọi người. Vài năm trước khi qua đời vào tuổi 80, nhà văn Bùi Ngọc Tấn ngậm ngùi: "Thế hệ của tôi nhiều năm rồi nằm trong tầm súng bắn tỉa của Thần Chết, và đang biến mất khỏi hành tinh này mà không để lại một vết xước nào."
Phần lớn người ta muốn để lại một di sản, một "vết xước": một giang sơn, một tập đoàn, một đứa con, một cuốn sách. Nhưng Liên thì khác. "Không, em không nghĩ về điều đó. Mãi mãi em vẫn chỉ đau đáu rằng sau bao lâu Bama sẽ nguôi ngoai?" Bama là cách viết "ba má" ưa thích của cô. "Mọi người rồi sẽ quên đi sự mất mát, dù có thương em nhiều. Trừ bama em."
Trong gần một năm quen nhau, tôi chỉ thấy Liên kể về hai lần cô khóc. Một lần, khi cô đang nguy kịch, và trong lúc mê man cô nghe mẹ và dì vừa gội đầu cho cô vừa bàn chuyện hậu sự. Và một lần, khi cô tình cờ thấy má chia sẻ trên Facebook mấy tấm hình chụp hai mẹ con đi chơi từ cách đây mấy năm. Tự nhiên, Liên bật khóc ầm ĩ, ngon lành như một đứa trẻ. Một nỗi bất lực cay đắng xâm chiếm lòng cô. Cô khóc cho tới khi ngủ thiếp đi trên cái gối ướt.
Trong năm qua, tôi đã gặp biết bao nhiêu trường hợp như vậy, người sắp chết đau cho người ở lại hơn cả cho sự ra đi của mình. "Theo em điều gì làm nên một cuộc sống có ý nghĩa?" Một lần khác, tôi hỏi cô.
"Câu ni khó hè…" Liên suy nghĩ hồi lâu, rồi nói ra một điều mà càng nghĩ lâu tôi càng thấy nó hợp lý. "Với em, một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống mà em không bao giờ bỏ cuộc. Em cố gắng để có được kết quả không thể nào tốt hơn, và rồi nhìn nó mỉm cười và chấp nhận." Cảm giác không biết mình còn bao nhiêu thời gian thật là tồi tệ.
Liên ghi chép sát sao trọng lượng của mình, cô không còn chỉ số nào khác để nương vào. Giữa năm 2016, cô vẫn là "con mèo mập ú" năm mươi lăm ki lô gam. Tới cuối năm 2016, thời điểm chụp bộ ảnh áo dài, cô còn bốn hai ki lô gam. Cô giữ nguyên được trọng lượng này tới mùa xuân 2017, khi tôi gặp cô lần đầu, tuy năng lượng của cô hao kiệt dần. Giữa tháng Tư, cô còn bốn mươi ki lô gam, và đi bộ được ba mươi mét thì đuối. Giữa tháng Năm: ba chín ki lô gam. "Người em gầy như hoa cúc." Cô viết cho tôi từ trong bệnh viện.. Đầu tháng Bảy, Liên lâm vào trạng thái kiệt sức thường xuyên.
37kg. Con đường còn dài bao xa, mà nhiều lúc chỉ muốn được dừng lại. Mỏi chân quá rồi… Liên nhắn tin bằng một tay, cánh tay kia của cô giập nát vì bị lấy ven. Các tin nhắn của cô trở nên ngắn gọn, không dấu, dùng gạch đầu dòng, các emoji (biểu tượng cảm xúc) biến mất.
Một buổi trưa, tôi nhận được tin nhắn của Liên khi đang ngồi với đồng nghiệp trong một bữa ăn huyên náo. Cái tin nhắn khiến tôi lấy lại được chánh niệm và quay lại hơi thở của mình. Ai cũng muốn cô cố gắng, cô viết trong tuyệt vọng: "Em phải cố gắng tới bao giờ nữa, khi nào thì em được chết?"
Một lần, Thủy Tiên nói với tôi: "Cái câu ‘Cố lên’ nhiều lúc làm người ta mệt lắm anh ạ." Nó tước khỏi người ta quyền được mệt mỏi, được khóc, nó không ngừng đẩy người ta lên bục anh hùng. Liên nhắn cho tôi, vì cô biết tôi không bấu víu vào sự sống của cô, không van xin cô sống như người nhà cô đang làm?
Tối hôm đó, tôi hỏi lại Thiện lần nữa thời điểm sinh dự kiến của Bắp. Ba tháng bỗng nhiên trở thành một quãng đường xa hun hút. Thiện hiểu ý câu hỏi của tôi, cậu nói, "Giờ em cũng không tính nữa anh à. Được tới đâu thì tới."
Bài khác cùng tác giả: