“Hôm nay là ngày... ” Tôi bắt đầu nói vào chiếc máy ghi âm. “Anh Giang đọc cho em Liên nghe câu chuyện của hai mẹ con chị Hà. Nam, con trai chị Hà, đã mất vì ung thư xương khi em chín tuổi...”
Tôi phải ghi âm cho Liên nghe bài viết vì từ một tháng nay, mắt của Liên đã mờ. Cô chỉ còn ba mươi hai ki lô gam, “rớt thê thảm so với giá vàng 36”, như cô tự so sánh. Liên không dùng Facebook được nữa, các tin nhắn của cô ngày càng thưa và càng ngắn. Nghe là cách duy nhất để cô còn có thể đọc.
Tôi đã nghĩ rất lâu xem mình nên bắt đầu câu chuyện của chính Liên bằng mốc thời gian nào. Có những cuộc đời rẽ ngang trong một tích tắc: một cố gắng bất thành vượt chiếc xe tải đằng trước, một cú trượt chân khi leo núi, một bàn tay trẻ em với lên cái chảo nóng. Nhưng cũng có những thay đổi dần dần, từng bước một, chậm nhưng không thể đảo ngược, mỗi bước lại kéo chúng ta ra xa hơn khỏi những gì quen thuộc, đẩy chúng ta tới một hoàn cảnh mới, biến chúng ta thành con người mới.
Với Liên, có thể bắt đầu từ đâu để hiểu được hành trình của cô?
Có lẽ mồng Một Tết năm 2013 là một thời điểm thích hợp. Đó là ngày mà, một cách mơ hồ, Liên cảm nhận được những đám mây giông đang kéo tới chân trời.
Buổi sáng hôm đó, trời ấm áp và khô ráo. Với sự tự tin của đứa con cả được học hành hơn ba má, Liên chỉ đạo cả nhà ra sân chụp ảnh. Vẫn chưa có tiền sửa nhà, nhưng ít nhất ba Liên đã sơn xanh cái cổng sắt để đón Tết. Liên mặc một cái váy xanh da trời có đốm trắng nhỏ, cô vẫn xứng danh với danh hiệu “con mèo mập ú”. Từ nhiều năm nay Liên vẫn ao ước một ngày nào đó mình đủ thon thả để mặc được áo dài.
Hai tuần trước, Liên tròn hai mươi ba tuổi. Hôm đó, M đích thân mua bánh kem cho cô, khiến cô vô cùng hạnh phúc. Cậu chưa từng tỏ ra quan tâm tới cô như vậy. Sau khi thổi nến, Liên tuyên bố với tụi bạn là mình sẽ sống đến năm 2074. Đó là năm mà ngày sinh theo dương lịch của cô sẽ lại trùng với mồng Một Tết, như đã xảy ra vào năm 1990, năm cô chào đời.
Đây cũng là sinh nhật cuối cùng của thời sinh viên của Liên. Tới mùa hè, cô sẽ tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin ở Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Liên nôn nóng để bước vào đời. Cô đã nếm trải ngọt ngào và cay đắng, những đổ vỡ của tình bạn, những cảm xúc yêu đương. Có thanh niên ngoài hai mươi nào mà không cho rằng mình đã già dặn? Đã có lúc cô oán trách số phận cho mình một đôi chân ngắn và cọc cạch, nhưng tới giờ thì cô hài lòng và thấy biết ơn cuộc đời.
Dù còn hơi e ngại, đôi lúc cô thú nhận mình đã thèm được gọi ai đó là “người yêu”, và bắt gặp bản thân mơ màng về gia đình và con cái. Ở tuổi Liên, má cô đã đẻ Thiện, em trai kém cô một tuổi, được hai năm. Nhưng cô còn nhiều dự định ở phía trước, học tiếng Pháp, đi du học thạc sĩ.
Và cô vẫn chưa dám thổ lộ tình cảm của mình với M.
Buổi chiều, Liên ngồi ngoài hiên và nhìn lại nửa năm cuối của đời mình qua các dòng trạng thái Facebook.
Phiền muộn lớn nhất là về mấy cái mụn trên má cô. Nỗi bực mình lớn nhất là về việc nhà trọ tăng giá ngay trước Tết.
Có những câu tiếu lâm cô nhặt được ở đâu đấy. Giới trẻ bây giờ, cũng giống như cha ông họ ngày trước, cũng bỏ nhà ra đi, cũng hút thuốc lá và cũng lấy vợ sinh con, chỉ có điều họ làm tất cả theo thứ tự ngược lại.
Những triết lý mà cô thấy hay hay. Có lẽ khi chạm đến một nỗi đau giới hạn nào đấy, con người ta sẽ thanh thản đến mức lạ kỳ.
Liên thấy thật tiếc là mãi gần đây cô mới biết tới Một lít nước mắt, bộ phim Nhật khiến cô xúc động và khóc nhiều. Một căn bệnh thoái hóa gen khiến Aya, nhân vật chính mười lăm tuổi trong phim, dần mất đi khả năng kiểm soát các cử động của tay, của chân, của mắt, mất khả năng nói và khả năng ăn, trong khi đầu óc cô vẫn hoàn toàn minh mẫn.
Aya chết sau mười năm vật lộn kiên cường để sống một cuộc đời đáng sống. Liên có cảm giác gắn kết đặc biệt với Aya. “Có quá kiêu ngạo khi nghĩ rằng bộ phim dành cho mình?” Cô viết trong nhật ký. “Có quá tự tin khi cho rằng cảm xúc của mình khi xem phim là thật nhất?”
Mấy tháng trước, cô cẩn thận chép lại trọn vẹn bài thơ tám khổ Nhạc sầu của Huy Cận. Đọc lại một đoạn, cô vẫn thấy lòng mình chùng xuống:
Vì sao cô lại thấy gắn bó như vậy với Aya? Vì sao cô lại nắn nót “Người đã chết - Một vài ba đầu cúi / Dăm bảy lòng thương xót đến bên mồ” vào một ngày nhàn tản? Có phải đó là những tín hiệu li ti được gửi tới cô? Những báo hiệu, những lời chào xa xôi từ xứ sở của cái chết? Những cái điềm, như người Việt vẫn nói?
Bỗng nhiên, Liên thấy mệt rũ ra. Tựa vào cột nhà, cô cảm thấy nôn nao, dường như thời gian bắt đầu tăng tốc, khiến cô bồn chồn. Linh tính mách bảo Liên điều chẳng lành. Tâm trí cô vụt quay trở lại một ngày cách đây một năm rưỡi.
Hôm đó, sau khi tan học, một đứa bạn gái chỉ tay vào ngực Liên, “Ê, mày sao vậy?” Máu từ nhũ hoa của cô đã thấm ra ngoài áo thành một vết nhỏ. Liên và má hốt hoảng tới bệnh viện. Chỗ hai mẹ con và ông bác sĩ đa khoa ngồi chỉ cách Khoa Ung bướu vài dãy ghế, nhưng hồ sơ của cô không được đưa sang bên đó.
Sau này, Liên nhắc lại vài lần với tôi cái khoảnh khắc này, cái khoảng cách mười mét đầy định mệnh đó. Có lúc giọng cô thoáng sự chua chát, có lúc tôi đọc được trong đó sự nuối tiếc. Giá như…
Người ta kết luận vú Liên tiết dịch do bị viêm và kê thuốc. Ngực cô không ra máu nữa, câu chuyện qua đi.
Sau Tết, Liên giấu cả nhà tới bệnh viện một mình. Cả buổi sáng cô loanh quanh trong đó. Tới gần trưa, trời nắng gắt, ông bác sĩ đi thẳng vào chuyện: .
“Khối u đã to bằng quả cam rồi, cần nhập viện để mổ xét nghiệm.”
“Cam sành hay cam Nam Quốc hả bác?” Liên choáng.
“Mày mổ đi chứ còn cam gì mà cam,” ông bác sĩ lắc đầu.
Liên không chấp nhận. Bác sĩ cho cô thời gian suy nghĩ. Buổi trưa, Liên ngồi ở hành lang, đầu óc rối tung. Chỉ còn bốn tháng nữa ngăn cách cô và tấm bằng cử nhân, cửa ải cuối cùng để cô bước vào đời. Không lẽ cô gục ngã trước cửa ải này? Vừa khóc, Liên vừa viết như điên vào nhật ký:
Hay là học xong mình sẽ tính tiếp? Ung thư thì có là gì phải không? Bệnh thì đã có rồi, nhưng nếu giờ mình không làm đồ án, mình sẽ dở dang 17 năm đi học, 5 năm Bách Khoa, giấc mơ du học, gia đình, sự nghiệp, con cái, nuôi thật nhiều chó, có thật nhiều gấu bông. Ôi, ước mơ nhiều lắm mà… Không lẽ để bệnh tật cản đường sao?
Viết xong, Liên nằm trên ghế khóc tiếp rồi ngủ thiếp đi. Đầu giờ chiều, cô nói với bác sĩ rằng cô còn rất nhiều thứ phải làm và hẹn bốn tháng nữa quay lại. “Có được không hả bác?”
Ông bác sĩ ghi vào hồ sơ, “Bệnh nhân không chịu mổ sinh thiết dù được chỉ định.”
Các nhà tâm lý học hay nói tới sự chối bỏ, thường là giai đoạn tâm lý đầu tiên khi con người ta phải đối mặt với bất hạnh. Người ta từ chối nhìn vào nó, coi như nó không tồn tại, hay tồn tại nhưng không quan trọng, khước từ để nó chen vào cuộc sống đang yên ổn của mình. Bị nó đánh cho càng mạnh, người ta càng có xu hướng đi tiếp, như theo quán tính, như người mộng du.
Hàng tháng trời sau cái chết của chồng mình, Joan Didion - tôi đã thuộc lòng nhiều đoạn trong cuốn hồi ký của bà - vẫn không chịu cất giày của ông đi, bởi “có thể ông sẽ dùng tới chúng khi ông quay về”.
Lúc này, Liên là con đà điểu rúc đầu xuống cát. Cô khước từ thay đổi những kế hoạch tương lai của mình. Cô không chấp nhận rằng cuộc sống bình thường của mình, như cô vẫn đang sống tới sáng hôm đó, bắt đầu tan chảy như cây đá để dưới nắng.
Liên về phòng trọ, ăn một gói cháo ăn liền, tắm rửa và nằm suy nghĩ. Xế chiều, M ghé qua. Trước tình hình mới, hai đứa quên hẳn việc Liên mới tỏ tình với M mấy hôm trước. Hôm đó, không hiểu sao Liên lại đủ liều để làm chuyện đó. Hay là cô có linh tính về thời gian đang trôi như cát trượt qua kẽ ngón tay? Trời bắt đầu mưa, hai đứa ngồi trong phòng nhìn ra ngoài, chẳng nói gì cả. Liên thấy mọi thứ đẹp một cách đau đớn và dữ dội.
M giữ đúng lời hứa, cậu không nói với ai. Buổi tối cuối tuần ở quê, Liên leo lên giường nằm cạnh má và thấy thế giới xung quanh đang lặng lẽ sụp đổ như trong một bộ phim câm. Trong làng, gia đình của cô được coi là mẫu mực, cô và Thiện em trai cô là những thanh niên học đại học đầu tiên của làng. Cô đang chuẩn bị đạp đổ tan tành sự bình yên này, và điều đó khiến cô cảm thấy mình như một phế phẩm. “Con xót lắm. Quặn lòng con lắm!” Liên tự giày vò. “Không biết sự tồn tại của con trên đời này, trong gia đình mình là để làm gì?”
Căng thẳng thần kinh khiến Liên bắt đầu kém ăn. Lo lắng là mọi người có thể đặt dấu hỏi nếu mình giảm cân, Liên tìm cách đánh lạc hướng. Cô viết trên Facebook:
“Bạn bè bảo ngày làm cô dâu là ngày đẹp nhất. Mình sẽ giảm cân để ngày mình đẹp nhất là ngày bảo vệ tốt nghiệp.”
Mấy đứa bạn nhảy vào bình luận: “Tớ cũng thế!”
Nỗi bí mật làm Liên khổ sở trong lòng. Cô giật mình khi ai đó quan tâm, hỏi han. Cô tiết lộ cho một người bạn rồi lại hối hận. Đống suy nghĩ rối ren dâng lên trong đầu như một làn sương mù làm Liên mất cảm giác về thời gian. Mới có mấy tuần mà cái buổi cô thổi nến sinh nhật nay đã xa như kiếp trước.
Buổi tối, Liên phóng lang thang trong thành phố trên chiếc Honda ba bánh, tóc rối đầy trong miệng. Khi đi qua cửa hàng áo cưới, cô vừa muốn bỏ đi thật nhanh vừa muốn dừng lại ngắm. Liên sợ giấc ngủ, sợ cả lúc tỉnh dậy. Cô nói với M rằng cô là Aya, rằng cô muốn trốn đi nơi khác, cho tới khi cậu dọa sẽ mách ba má cô nếu cô còn tiếp tục “ăn nói lung tung”.
Hai tuần sau, Liên đầu hàng. Cô giao cho Thiện nhiệm vụ thông báo cho ba má. Thứ Bảy, Thiện về nhà, Liên lấy cớ ở lại Đà Nẵng. Sau chương trình thời sự buổi tối, với phong cách của cậu con trai út quen được người khác làm theo ý mình, Thiện khoát tay và cao giọng, “Thôi, tắt TV đi. Mình nói chuyện.” Má Thiện nhìn ba Thiện, ông với tay lấy cái điều khiển. Thiện hắng giọng, “Chị Hai bị bệnh.” Cậu nghỉ một tích tắc, cố gắng giữ giọng rõ ràng và tốc độ nói không quá nhanh. “Bác sĩ nghi chị Hai bị ung thư”. Cả nhà im phăng phắc, rồi mặt má Thiện bắt đầu méo xệch.
Liên không xa lạ gì với bệnh viện. Khi cô được sáu tháng tuổi thì ba má Liên hiểu rằng chân cô có vấn đề. Hai bàn chân cô bị vặn ngửa và cứ hướng sang hai bên chứ không trỏ được ra phía trước. Lúc Liên được mười sáu tháng, ba Liên bồng cô vào Sài Gòn phẫu thuật lần đầu. Rồi sau đó, lớp Một, lớp Sáu, lớp Bảy, cứ khi nào có đoàn bác sĩ phẫu thuật tới Đà Nẵng, ba má Liên lại đem cô ra thành phố. Tới cấp Ba, Liên đã đi dép được bình thường, tuy một chân cô ngắn hơn chân kia gần hai mươi phân, khiến dáng đi của cô tập tễnh trông thấy.
Năm lớp Tám, Liên mổ chân lần cuối. Hồi đó, sự ương bướng của cô đã lộ rõ. Cô thề với ông bác sĩ đây lần cuối cô lên bàn mổ.
Nhưng cô đã thua. “Sao số mình nó nhọ thế,” Liên chua chát. “Sao mình cứ phải đưa thân cho người ta hoài.”
Hôm có kết quả sinh thiết, Liên chờ đợi cả ngày, mệt mỏi trộn lẫn với khắc khoải của hy vọng. Không khí ngột ngạt, mặc dù đêm hôm trước trời mưa to. Đến chiều, Liên được thông báo nộp thêm tiền để bắt đầu truyền hóa chất. Má Liên lặng lẽ đi nộp. Liên hỏi một chị điều dưỡng:
“Cô ơi, con chưa biết kết quả?”
“Thế bác sĩ bảo sao?”
“Bác sĩ không nói gì, chỉ bảo con phải truyền hóa chất. Mà con không biết con có bị ung thư hay không.” Liên đã tìm hiểu trên mạng nhiều, nhưng tới lúc này, cô khước từ tự rút ra kết luận.
“Thế là ung thư rồi. Phải truyền hóa chất là ung thư rồi, con. Chắc họ thấy con nhỏ họ không nói đó.”
Liên nắm chặt tay lại, cứ đấm mãi vào cái lan can sắt của bệnh viện.
Khi sự chối bỏ qua đi, khi người ta không thể tiếp tục nhắm mắt trước thực tại mới, phản ứng tâm lý tiếp theo thường là giận dữ. Elisabeth Kübler-Ross, nhà tâm lý học Thụy Sĩ, người tiên phong trong việc tìm hiểu tâm lý những người trên đường đến với cái chết, quan sát trong tác phẩm kinh điển Bàn về sự chết và cái chết năm 1969 của bà.
Tại sao lại là tôi? Người ta sẽ căm tức. Người ta hận đời và chất vấn Chúa trời, Tôi đã làm gì nên tội?
Liên cũng vậy. Cả cuộc đời non trẻ của mình, cô đã cố gắng. Cô đã cố gắng đi học lớp Một trên đôi chân ngắn và lẩy bẩy của mình, một tay bám vào thằng em. Cô đã vặn vẹo người trên cái xe đạp khi lên cấp Hai. Năm thứ ba đại học, cô đã về quê bằng chiếc Honda ba bánh của người khuyết tật được ba đặt mua từ Sài Gòn, để “đối diện với hàng xóm một lần cho xong”. Đeo kính râm và ba lớp khẩu trang, nhưng tới gần làng thì nước mắt cô vẫn chảy.
Cô đã làm mọi thứ mà cuộc đời đòi hỏi từ cô, nhưng dường như thế vẫn chưa đủ. “Lẽ nào sự tồn tại của mình là một sai lầm của Tạo hóa?” Cô thầm gào lên, mắt ráo hoảnh. “Trời ơi, khốn nạn lắm cái cuộc đời này!”
Tại sao lại là tôi? Luôn luôn là tôi?
Sau đợt truyền hóa chất đầu tiên, Liên thu xếp về quê. Tóc của cô bám đen trên gối khiến nó giống một con chó ghẻ lở. Ngày trước, Liên từng buồn về đôi chân của mình bao nhiêu thì yêu quý và tự hào về mái tóc của mình bấy nhiêu. Thủy Tiên – một bệnh nhân ung thư - nói với tôi rằng người ngoài thường không hiểu rằng mất tóc tạo ra chấn thương tâm lý lớn như thế nào với bệnh nhân ung thư nữ.
Từ nhỏ, các bé gái đã học để coi tóc mình như một yếu tố cơ bản tạo nên bản sắc của mình, đại diện cho tính nữ, cho sự khỏe mạnh, sự quyến rũ. Nếu như người xuất gia cạo đầu để giải phóng bản thân và đoạn tuyệt với con người cũ thì với người mắc ung thư, cái đầu trọc là biểu tượng của sự suy tàn và cái chết của cái tôi khỏe mạnh, nó bắt họ trở thành con người mới, thành con bệnh.
Từ khi điều hành Mạng lưới Bệnh nhân ung thư vú, Thủy Tiên đã gặp hàng trăm bệnh nhân. Nhiều người cứng rắn và không rỏ một giọt nước mắt nào, kể cả lúc bị cắt bỏ ngực - cho tới khi tóc bắt đầu rụng.
Ngay từ hôm đầu, hóa chất đã vắt kiệt sức sống của Liên, làm cô lả đi như cọng bún thiu. Cả tuần cô nôn mửa vào cái xô cạnh giường và không đưa được vào người bất cứ thứ gì, ngoài nước cháo loãng. Liên phản ứng nôn cả với những thứ màu đỏ, màu của hóa chất mà cô được truyền. Má Liên phải lấy khăn che mọi thứ đỏ lại, kể cả cái mắt đèn LED của cái ổ điện.
Hôm trước, Liên nói với má, “Má ơi, hay cho con chết, còn năm lần nữa, chắc con chịu không nổi.” Má cô òa lên khóc khiến cô im bặt, nhưng trong cô đã hình thành một quyết định mà chỉ hai năm sau cô mới có dịp thực hiện.
Càng gần tới nhà, cảm giác thất bại ê chề càng làm cô nghẹt thở. Qua những gì cô kể, dần dần tôi hiểu rằng đằng sau cái vẻ ngoài yên bình, làng cô là nơi chứa đựng sự hẹp hòi và thị phi, khiến cô luôn bị thôi thúc bởi ý nghĩ rằng mình chỉ có thể về làng với tư thế của một người mạnh mẽ, đàng hoàng, không cần sự thương hại. Tôi hiểu vì sao với cô việc đi chiếc Honda ba bánh về làng lại là một ác mộng. Có lần cô nói, “Ước gì em có tiền đưa cả nhà ra Đà Nẵng. Chẳng ai biết ai đôi khi nó lại tốt.”
Không những phải vĩnh biệt giấc mơ du học, gia đình và con cái, cô đang đánh mất điều mà cô tự hào nhất trước gia đình và người làng: sự độc lập. Từ nhỏ, Liên đã khao khát độc lập tới mức cực đoan. Khi má ngỏ ý muốn đèo cô đi học để người làng khỏi xì xào rằng ba má cô “ác” nên mới để cô vật vã tập xe đạp như vậy, cô gắt lại, “Má có chở con miết được không?”
Nay cô đã trở thành một kẻ ăn hại, một kẻ chuyên gây phiền toái cho gia đình. Trong cả năm trời, mặc cảm đeo bám cô không ngừng nghỉ, khiến cô đau đớn cho rằng mình là lý do mỗi khi ba má cãi nhau.
Tôi gặp Liên lần đầu vào giữa tháng Ba năm 2017. Từ Hà Nội, tôi bay vào Đà Nẵng và ngồi một buổi sáng trên sàn căn phòng trọ chín mét vuông của cô. Phòng chỉ có một cái giường với hai con gấu bông, vài cuốn sách, một cái quạt nhỏ ồn ào. Chiếc Honda ba bánh đỗ ngoài hiên. Ngõ nhỏ hiếm người qua lại. Cách chỗ tôi ngồi mấy trăm mét, biển đổ sóng vào bờ.
Liên nghỉ việc nửa ngày để tiếp tôi. Vào thời điểm này, trông cô chưa quá gầy. Với vóc dáng của cô, bốn mươi hai ki lô gam là một con số hợp lý. Liên nói nhiều và hào hứng. Đây là một cô gái quen quan sát bản thân, ưa sự chính xác và thích lượng hóa các hiện tượng, theo kiểu, “Sau ba tuần thì em đã hồi phục được bảy mươi phần trăm.” Tôi cố gắng nói chuyện với Liên một cách bình thường, không lộ vẻ ái ngại, cũng không vui vẻ cường điệu, nhưng đôi khi tôi bắt gặp mình nhìn cô và ước lượng.
Mấy tuần trước, khi Thủy Tiên gửi tôi số điện thoại của Liên, cô viết thêm, “Nhanh lên anh! Liên không còn nhiều thời gian.”
100? 300? 500? Liên còn bao nhiêu ngày? Thật khó hình dung cô gái mảnh khảnh này lại sắp biến khỏi thế gian.
Lắng nghe Liên, tôi nhận ra rằng tuổi trẻ khao khát hai điều, và cuộc sống của họ càng bị đe dọa thì những khao khát này càng mạnh mẽ.
Khao khát đầu tiên là khẳng định bản thân, và với Liên vào đầu hè 2013, nó là việc cô tốt nghiệp đại học.
Giữa các đợt truyền hóa chất, Liên ngồi làm đồ án cả ngày trong căn phòng trọ của mình. “Lúc đó, em không sợ chết bằng sợ không nhận được bằng tốt nghiệp” cô kể lại. Buổi chiều, mấy đứa sinh viên hàng xóm đứng ngoài réo, “Chị ơi, có gửi gì không?” Liên đội tóc giả, thò đầu ra, nhờ chúng mua thức ăn. Hai năm sau, khi cô “nổi tiếng”, các bài báo hay nhắc tới giai đoạn này như là sự bắt đầu của “hành trình anh hùng” của cô. Nhưng trong thời gian đó, nhiều lúc cô thấy mình đang bơi trong một biển sương mù vô tận và tự hỏi, “Trời ơi, con có tội tình gì?”
Nhưng mùa hè năm đó, niềm vui của cái bằng cử nhân không lấp đầy cái hố đen ngòm trong cô, cái hố đen liên quan tới khao khát thứ hai của cô: tình yêu.
M đã bỏ cô đi.
Cậu đã ra đi như thế nào, nguồn cơn ra sao, không bao giờ tôi được biết cụ thể. Bốn năm sau, cô vẫn không muốn quay lại khoảnh khắc này. “Anh đừng có hỏi về chuyện với bạn trai cũ của em nữa, được không anh?”
Nhưng tôi biết là, mặc dù không muốn tự thú nhận, với cô, cú giáng này còn nặng nề hơn cả những đợt truyền hóa chất. Cuối hè, trong chiếc áo thụng cử nhân mà cô vẫn ao ước, tấm bằng và bó hoa trong tay, Liên lôi ba má và Thiện đi khắp các xó xỉnh trong khuôn viên trường để chụp ảnh. Đêm đến, khi chỉ còn một mình, Liên mới cho phép mình khóc. Tấm bằng là dấu chấm chính thức kết thúc tuổi xuân của cô. “M ơi, giá như cậu quan tâm tới mình, yêu thương mình.” Lần đầu tiên, trong tâm trí, Liên quỳ xuống trước M. “Cho mình mượn bờ vai, cho mình một cái ôm thật chặt, để những ngày tháng này trôi qua nhẹ bớt một chút.”
Sau sáu đợt truyền hóa chất, các bác sĩ mổ bảo toàn ngực cho Liên. Trong suốt tháng Chín, ngày nào Liên cũng phải vào viện để chiếu tia. Đây là phác đồ điều trị cuối cùng. Mỗi lần cởi áo ra, để bộ ngực trần trước mặt anh kỹ thuật viên, là một lần Liên thấy ê chề và cô đơn. “Mẹ ơi, con muốn lấy chồng.” Câu nói của Aya trong Một lít nước mắt luẩn quẩn trong đầu cô. Chả nhẽ cô sẽ cứ cô độc đến cuối đời?
Liên muốn thể hiện nỗi buồn ra ngoài nhưng rồi lại không đủ can đảm. Cô ngạc nhiên về khả năng cầm tù cảm xúc và tàn bạo với chính bản thân của mình. Lần đầu tiên trong đời, Liên thật sự khao khát có một ai đó bên cạnh để giúp cô sống thật với chính mình. Liên đóng Facebook lại, cố gắng thoát khỏi quá khứ. Cô sợ bị bủa vây bởi những ngày tháng vô tư trước kia. Bạn bè cô bắt đầu bay nhảy, đi nước này nước kia, khiến cô càng xót xa cho bản thân.
Giữa mùa thu năm 2013, Liên ra viện sau hơn bảy tháng vật vã, buồn, sợ, lạc quan tếu, trơ lì cảm xúc, hy vọng và hoang mang. Hôm đó, một cơn bão rình rập ngoài khơi khiến Đà Nẵng mưa không ngớt. Cầm tờ giấy ra viện, tay cô run run. Cô không thấy mình có tâm trạng chiến thắng của người về đích, mà chỉ mong được an ủi và vỗ về, giống một người lính từ chiến trường về tới sân nhà. “Thử thách thế là đủ rồi nhé, đủ lắm rồi.” Cô lẩm bẩm. “Mong bình yên sau này nhé.”
Buổi tối hôm đó, lòng Liên nặng trĩu. Không có ai an ủi và vỗ về cô cả. Nỗi buồn bao bọc quanh cô như một cái màn mỏng. “M à! Cậu đã quên mất mình rồi sao? Mình phải làm gì? Hay là mình phải lấy tay trái nắm tay phải an ủi, tự lau khô nước mắt, tự để nỗi nhớ đi hoang…”