Em có cho hàng xóm vay số tiền là 37.500.000 (ba mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng) có biên nhận ký tên, lãi suất hai bên thỏa thuận là 4%/tháng nhưng bây giờ họ không đóng lãi cho em và còn thách em đi kiện ra Tòa.
Xin hỏi luật sư khi ra Tòa em có lấy lại được tiền gốc không, và khi ra Tòa lãi suất sẽ giảm xuống bằng lãi suất ngân hàng từ ngày cho vay hay là tính từ ngày nộp đơn ra tòa và lãi suất giảm xuống là bao nhiêu?
Độc giả Huỳnh Dũng (dienthoaididongquocdung@gmail.com)
Trả lời: Dựa trên những thông tin mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật như sau:
Thứ nhất, về khoản lãi vay mà hai bên đã thỏa thuận:
Theo quy định Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất vay: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Xét trong trường hợp của bạn, hai bên đã thỏa thuận lãi vượt quá quy định của pháp luật. Vì vậy, trường hợp bạn khởi kiện thì lãi suất tối đa được áp dụng trong trường hợp này là 20%/năm.
Thứ hai, về việc yêu cầu trả nợ gốc và tính lãi:
Trước hết, để có căn cứ khởi kiện tại Tòa án, khi nộp đơn khởi kiện bạn cần cung cấp cho Tòa án toàn bộ các giấy tờ hai bên đã thỏa thuận về việc vay mượn tiền và việc trả nợ gốc và lãi để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.
Mặc dù thỏa thuận về lãi suất không phù hợp với quy định pháp luật, nhưng bên vay đã vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên. Vì vậy, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án để đề nghị giải quyết. Việc bạn yêu cầu chi trả nợ gốc lãi sẽ tùy thuộc vào thời hạn hợp đồng đã ký kết. Cụ thể tại Điều 469,470 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
- Hợp đồng vay không xác định thời hạn:
Bạn có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm bên vay thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ.
- Hợp đồng vay có kỳ hạn:
Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn, bạn có quyền yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong hai trường hợp sau:
+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng: Theo quy định tại Điều 428 BLBS 2015 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng: Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định
Như vậy, trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ về lãi suất mà hai bên đã thỏa thuận thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng vay mượn và yêu cầu bên vay thực hiện thanh toán nợ gốc và lãi kể từ thời điểm bên vay vi phạm nghĩa vụ.
+ Khoản vay đến hạn trả: Khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bạn có quyền khởi kiện và yêu cầu bên vay phải trả tiền gốc và lãi theo quy định:
Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định bằng 50% mức lãi suất giới hạn; Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.