Hàng tỷ USD chực chờ đổ vào chứng khoán Việt Nam ngay khi nâng hạng, hé lộ danh mục cổ phiếu đáng được chú ý

Phương Linh |

Theo BSC trong tương lai gần, TTCK Việt Nam có thể sẽ được FTSE Russell chính thức nâng hạng lên TTCK mới nổi sơ cấp, khi đó dự kiến thị trường sẽ đón nhận khoảng 1,3-1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE.

Theo tiêu chí của MSCI và FTSE Russell, Việt Nam đang ở thị trường cận biên (Frontier Market) và đã đáp ứng một số tiêu chí phân loại thị trường mới nổi (Emerging Market) tuy nhiên vẫn còn nhiều điều kiện cần thay đổi.

Cụ thể, Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging), tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 9/18 tiêu chí – tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell.

Riêng FTSE, tổ chức này đang đánh giá 2 tiêu chí còn hạn chế là "Chu kỳ thanh toán (DvP)" và "Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại". Hiện nay, việc kiểm tra có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch để đảm bảo an toàn là thông lệ tại Việt Nam do đó thị trường sẽ không có các giao dịch thất bại (failed trades), vì vậy tiêu chí "Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại" không được đánh giá. 

Song, hiện nay UBCKNN đang tìm kiếm giải pháp để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding) bên cạnh sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX - các động thái này được FTSE Russell đánh giá cao.

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán BIDV (BSC) dẫn chia sẻ của lãnh đạo UBCKNN, cho rằng yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) là trở ngại lớn nhất đối với quá trình nâng hạng thị trường, đồng thời để đảm bảo được các tiêu chí nâng hạng có những thách thức rất lớn với bản thân doanh nghiệp, cơ quan quản lý do yêu cầu bảo đảm toàn vẹn khả năng chống chịu rủi ro của thị trường. 

Trong năm 2023, Bộ Tài chính, UBCKNN, SGDCK cùng các thành viên đã rất nỗ lực để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng, nâng cao hiệu quả vận hành thị trường, như tích cực hợp tác quốc tế, hội nghị xúc tiến đầu tư, làm việc với các UBCK, SGDCK, tổ chức xếp hạng thế giới; nỗ lực đưa hệ thống KRX vào vận hành; tìm kiếm phương án giải quyết pre-funding

BSC cho biết trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF – tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ "đổ bộ" vào TTCK Việt Nam với quy mô lớn.

Theo dữ liệu tính đến hết ngày 30/11/2023 từ Bloomberg, hiện có 491 quỹ với tổng quy mô 956 tỷ USD (bao gồm 180 quỹ ETF có quy mô 421 tỷ USD và 311 quỹ mở có thông tin có quy mô 533 tỷ USD) đang đầu tư vào TTCK mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE. Trong đó tỷ trọng số lượng các quỹ tham chiếu theo MSCI (87%) nhiều hơn so với FTSE (13%).

Hàng tỷ USD chực chờ đổ vào chứng khoán Việt Nam ngay khi nâng hạng, hé lộ danh mục cổ phiếu đáng được chú ý- Ảnh 1.

Theo ước tính của BSC, trong trường hợp MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi, sẽ có khoảng 3,5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Ước tính dựa trên giả định tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0,7% - tương đương với tỷ trọng của các cổ phiếu TTCK Philippines (được FTSE xếp hạng TTCK mới nổi sơ cấp) trong các danh mục đầu tư các quỹ hiện tại.

Việt Nam hiện vẫn chưa có trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI và đã trong danh sách theo dõi của FTSE. Do đó trong tương lai gần, TTCK Việt Nam sẽ được FTSE chính thức nâng hạng lên TTCK mới nổi sơ cấp, khi đó dự kiến thị trường sẽ đón nhận khoảng 1,3-1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE, trong đó các quỹ ETF sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700-800 triệu USD.

Cổ phiếu nào là tâm điểm thu hút dòng tiền?

Chứng khoán BSC cũng đưa ra đánh giá, ngoài các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ chỉ số VN30-Index do HoSE ban hành, các cổ phiếu khác đáp ứng được tiêu chí thanh khoản, vốn hóa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng cần được lưu ý trong trường hợp TTCK Việt Nam được các tổ chức nâng hạng.

BSC Research thực hiện tổng hợp 20 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất thuộc các ETF ngoại đang nắm giữ cổ phiếu Việt Nam, theo đó có tổng cộng 31 cổ phiếu thuộc 06 ETF ngoại cần chú ý, trong đó có 15/30 cổ phiếu VN30-Index gồm: HPG, VHM, VNM, VIC, MSN, SSI, VCB, VRE, VJC, SHB, POW, BID, STB, SAB, BVH.

Đối với những cổ phiếu hết "room-ngoại" các NĐTNN có thể sở hữu gián tiếp thông qua việc đầu tư CCQ ETF VN-Diamond hoặc sản phẩm NVDR trong tương lai (nếu có).

Hàng tỷ USD chực chờ đổ vào chứng khoán Việt Nam ngay khi nâng hạng, hé lộ danh mục cổ phiếu đáng được chú ý- Ảnh 2.

Nhìn chung, BSC nhận định TTCK Việt Nam đã được FTSE đưa vào danh sách theo dõi xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp kể từ tháng 9/2018 và gần đây FTSE cũng đã có những nhận xét tích cực về nỗ lực của cơ quan quản lý, lãnh đạo Việt Nam trong việc tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại để nâng hạng thị trường. 

FTSE Russell cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết phù hợp với luật mới vẫn là bước quan trọng tiếp theo, đồng thời tiếp tục khuyến khích các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam đưa ra những hướng dẫn rõ ràng hơn về các bước và khung thời gian thực hiện.

Nâng hạng thị trường là bước đầu tiên để nâng cao chất lượng hoạt động của toàn bộ các thành viên trên thị trường và tiệm cận các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên cũng cần phải xây dựng nền tảng thật tốt để có thể "trụ vững" qua các kỳ đánh giá định kỳ của FTSE, MSCI do trong quá khứ đã không có ít quốc gia đã được nâng hạng nhưng sau đó do không đáp ứng các tiêu chí đã bị các tổ chức này loại khỏi danh sách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại