Hàng trăm binh sĩ Ukraine bị bao vây gần Pokrovsk
Tờ Moskovsky Komsomolets (MK) của Nga ngày 3/9 đưa tin, quân đội Nga chỉ còn cách Pokrovsk (quận Pokrovsk, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine) 6km, đồng nghĩa với việc nhiều mục tiêu trong thành phố này đã nằm trong tầm hỏa lực của Nga.
Các bệnh viện và ngân hàng tại đây đều đã ngừng hoạt động, chính quyền Ukraine đang khẩn trương sơ tán cư dân. Hãng thông tấn TASS dẫn thông tin từ lực lượng an ninh Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) cho biết, hàng phòng thủ của lực lượng Ukraine tại Novogrodovka (cách Pokrovsk khoảng 7km) đang rạn nứt từng mảng.
Trong ngày 3/9, lực lượng Nga tiếp tục gây áp lực lên các khu định cư Grodovka, Selidovo và Galitsynovka gần thành phố Pokrovsk. Mặc dù đã tích cực điều chuyển lực lượng dự bị nhưng quân số mà Ukraine huy động được chưa đủ để ứng phó với tình hình căng thẳng.
Một ngày trước đó, theo tạp chí Forbes (Mỹ), hàng trăm binh sĩ Ukraine thuộc 4 lữ đoàn đang có nguy cơ bị bao vây ở nam Pokrovsk. Các vị trí của quân đội Ukraine bên trong thành phố liên tục bị Nga bắn phá và hứng chịu tổn thất nghiêm trọng.
Lực lượng Ukraine thi thoảng tìm cách phản công theo các nhóm nhỏ, nhưng buộc phải rút lui dưới các cuộc không kích hoặc pháo kích của Nga.
"Họ (Ukraine) không có đủ quân. Vì thế, việc mất đi các đơn vị tác chiến của 4 lữ đoàn có thể trở thành thảm họa với Ukraine" – Tạp chí Mỹ nhận định.
Tuy nhiên, theo MK, điều này không còn là nguy cơ nữa, mà đã trở thành hiện thực: Lực lượng Ukraine đã rơi vào "túi lửa" sau khi quân đội Nga tiến qua làng Karlovka về phía làng Selidovo (cả 2 đều thuộc quận Pokrovsk).
Cụ thể, các đơn vị tác chiến của 4 lữ đoàn Ukraine - bao gồm Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 117, lữ đoàn bộ binh cơ giới số 59, lữ đoàn tấn công đường không số 78, và lữ đoàn cơ giới số 108 – đã mắc kẹt trong vòng vây có chu vi 30km.
Trong khi đó, phần hẹp nhất của vùng bao vây – nơi quân đội Ukraine có thể thoát ra - chỉ rộng khoảng 7 km.
Kênh tin tức Military Chronicle (Nga) cho biết, sự hoảng loạn đã bắt đầu xuất hiện trong một số đơn vị Ukraine tại đây. Họ nhận thấy việc thoát ra khỏi "túi lửa" là điều vô cùng khó khăn.
Đáng lưu ý, tờ Kyiv Post (Ukraine) ngày 3/9 cho hay, ngoài tập trung đánh vào các khu định cư gần Pokrovsk, Nga đang đồng thời đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Ugledar – thành phố cùng với Pokrovsk và Chasiv Yar tạo nên tuyến phòng thủ then chốt của lực lượng Ukraine ở hướng Donetsk.
Theo tờ báo, bước đột phá của Nga ở Ugledar có thể dẫn tới cuộc tấn công gọng kìm nhằm vào phòng tuyến của Ukraine dọc Pokrovsk, từ đó làm suy yếu các nỗ lực phòng thủ của quân đội Ukraine ở Donbass.
Lực lượng Triều Tiên đã tới Ukraine và tham chiến ở Pokrovsk?
Liên quan tới tình hình Pokrovsk, trang tin 163 (Trung Quốc) ngày 3/9 cho biết, lực lượng quân đội Triều Tiên được cho là đã hiện diện tại 2 khu vực chiến lược thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine.
Cụ thể, quân đội Triều Tiên được cho là đã xuất hiện tại hướng Pokrovsk (Nga gọi là Krasnoarmeysk), khu vực thứ hai là Krasny Liman - một thành phố chiến lược khác thuộc vùng Donbass.
Trong đó, Pokrovsk không chỉ là trung tâm đường sắt quan trọng cho phép vận chuyển binh lính và khí tài quân sự của Ukraine vào Donbass, mà còn là điểm tiếp tế đạn dược chủ chốt cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS của Ukraine.
Trước đó, trong tháng 6/2024, đài truyền hình Chosun TV của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức chính phủ nước này cho biết, Triều Tiên dự kiến sẽ điều động 4 trong số 10 lữ đoàn công binh tới hỗ trợ Nga tại mặt trận Donbass.
Mỗi lữ đoàn công binh Triều Tiên có quân số khoảng 5.000 người, nâng tổng số binh sĩ được triển khai lên đến 20.000 người. Thời điểm đó, quan chức này dự đoán, lực lượng công binh Triều Tiên dự kiến có mặt tại Donbass trong tháng 7.
Tới đầu tháng 7, tình báo Hàn Quốc cho biết, các nhóm quân mà Triều Tiên sắp đưa tới Ukraine đã được tập hợp để lên đường.
Theo chuyên gia quân sự người Ukraine Pavlo Narozhny, nhiệm vụ chính của lực lượng Triều Tiên là xây dựng các công sự quân sự, đặc biệt là tại hai bên sườn và khu vực dọc chiến tuyến của Nga. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ tham gia củng cố hệ thống công sự tại tuyến phòng thủ thứ hai và thứ ba.
Tuy nhiên, ông Narozhny cho rằng, việc tham gia chiến đấu là điều khó tránh khỏi. Trong quá trình xây dựng công sự, đường sắt và kho bãi ở tiền tuyến, các công binh Triều Tiên có nguy cơ cao trở thành mục tiêu tấn công của pháo binh, máy bay không người lái và rocket của Ukraine.
Đánh giá về năng lực kỹ thuật - chiến thuật của công binh Triều Tiên, vị chuyên gia cho biết, họ sở hữu các kỹ năng như bắn súng, ném lựu đạn, chiến đấu trên chiến tuyến… "có phần nhỉnh hơn so với lực lượng phòng thủ lãnh thổ Ukraine và các đơn vị bộ binh cơ giới cấp 2, cấp 3 của Nga".
Hiện cả Moscow và Bình Nhưỡng đều chưa đưa ra bình luận về thông tin lực lượng Triều Tiên hiện diện ở Ukraine.
Song, 163 cho rằng, việc Triều Tiên quyết định đưa quân đội tới tham chiến bên cạnh Nga tại Ukraine có thể nhằm 2 mục tiêu chính.
Thứ nhất, đây là cơ hội để Triều Tiên thể hiện sự ủng hộ đối với Nga - một đồng minh quan trọng trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Sự hợp tác này không chỉ giúp Triều Tiên giảm bớt sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, mà còn tạo điều kiện để Bình Nhưỡng tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm quân sự từ Nga.
Thứ hai, động thái này được xem như một thông điệp gửi đến Mỹ. Trước đó, hôm 25/6, phản ứng về thông tin Triều Tiên có khả năng cử các đơn vị công binh đến khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, Thiếu tướng Pat Ryder - Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc cảnh báo gay gắt rằng, quân Triều Tiên sẽ thành "bia đỡ đạn" nếu hỗ trợ Nga ở Ukraine.
"Tôi nghĩ rằng nếu tôi là người quản lý nhân sự quân sự của Triều Tiên, tôi sẽ đặt câu hỏi về lựa chọn của mình trong việc cử lực lượng của mình làm bia đỡ đạn trong một cuộc chiến chống lại Ukraine" - Ông Ryder nói.