Với người dân tại phía Đông châu Phi vào lúc này, virus corona không phải là mối lo duy nhất. Dĩ nhiên, Covid-19 với họ vẫn rất nguy hiểm, nhưng bên cạnh đó còn một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đang gây đe dọa đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Đó là "đại dịch châu chấu".
Năm 2019 được xem là một trong những thời điểm Đông Phi ẩm ướt bậc nhất trong lịch sử. Điều này đã tạo ra một môi trường hoàn hảo, cho phép châu chấu sinh sản nhanh đến khủng khiếp.
Hết lớp này đến lớp khác ra đời, châu chấu giờ tụ thành từng đàn với số lượng lên tới cả nghìn tỉ con, bay kín đặc không trung.
Chúng càn quét, tàn phá những cây trồng quý giá của người dân nhiều quốc gia - trải rộng từ Kenya tới Ethiopia, Yemen, chạm đến cả phía bắc Ấn Độ.
Một đại dịch được đánh giá là chưa từng thấy trong hàng chục năm qua.
Châu chấu là một loài phàm ăn, vậy nên số lượng châu chấu bùng nổ khiến các nhà kinh tế cảm thấy lo sợ.
Họ sợ rằng sẽ có nạn đói xảy ra, nền kinh tế sẽ lao dốc, không thể cứu vãn. Tuy nhiên, nhà côn trùng học Dino Martins lại sợ một điều khác. Ông cho rằng đây là một lời cảnh báo đáng sợ của tự nhiên, dành cho cả nhân loại.
Thông điệp sâu kín phía sau hàng nghìn tỉ con châu chấu
"Đại dịch châu chấu lần này quả thực là khủng khiếp. Nhưng đằng sau đó là một thông điệp đáng sợ hơn, về việc loài người đã khiến môi trường thay đổi nhiều như thế nào," - Martins trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Nhà khoa học làm việc cho trung tâm Nghiên cứu Mpala (bắc Kenya) cho biết, nguyên nhân của dịch châu chấu đến từ những nguyên nhân không thể chối cãi: môi trường suy thoái, chăn thả quá mức, chặt phá rừng, hoang mạc hóa đất đai...
Tất cả tạo điều kiện cho châu chấu phát triển ngày một mạnh hơn.
Cơn bão châu chấu lần đầu xuất hiện vào cuối năm 2019 với số lượng lên tới hàng trăm tỉ sau những đợt thời tiết nóng và ẩm bất thường.
Tháng 4/2020, thế hệ kế tiếp của chúng bay rợp trời, và lần này số lượng là hàng ngàn tỉ. Dự tính thế hệ thứ 3 của đàn châu chấu sẽ bùng nổ trong tháng 7, với con số cao hơn như vậy nhiều lần.
"Khi chẳng may lọt vào một trận bão châu chấu, thực sự là một trải nghiệm không thể tin nổi," - Martins chia sẻ.
"Châu chấu có màu sắc khác khi chưa trưởng thành - chúng thiên về màu hồng nhiều hơn, rồi sau này mới chuyển thành màu vàng.
Vậy nên khi lọt vào cơn bão châu chấu, bạn sẽ thấy những dải màu vàng pha hồng cuộn lên khắp không trung, cùng đàn chim sâu lao vào tận hưởng bữa tiệc một cách điên cuồng."
Ngày nay, châu chấu và các loài sâu bệnh nói chung được kiểm soát bằng thuốc trừ sâu rải từ trực thăng. Tuy nhiên, phương pháp này gây ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe con người, cũng như sự an toàn cho môi trường.
Con người đã thay đổi quá nhiều.
Xét cho cùng, biến đổi khí hậu đang thay đổi mô hình thời tiết của từng địa phương. Nó khiến một số vùng lạnh đi, một số vùng nóng hơn, mang thêm mưa cho nhiều khu vực.
Tại đông Phi, sự biến đổi ấy đã tạo ra những cơn bão châu chấu đáng sợ.
Rick Overson - chuyên gia từ ĐH Bang Arizona cho biết các giải pháp chống lại châu chấu hiện nay đang là quá nhỏ so với quy mô thực sự của chúng. Rốt cục, càng cố gắng xử lý, con người sẽ ngày càng kiệt quệ.
"Rất khó để duy trì nguồn vốn cũng như trang bị kiến thức cho cộng đồng, khi chúng ta phải đối mặt với những đợt sóng châu chấu không thể dự đoán và có thể bùng nổ qua nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ," - Overson nhận định.
"Với tình trạng hiện tại, việc giải quyết nó ngay lập tức là điều quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần những giải pháp khác nữa. Bởi lẽ nếu cứ bị động và chờ đợi nó xảy ra, chúng ta sẽ mắc kẹt trong câu chuyện này mãi mãi."
Theo số liệu của Tổ chức nông nghiệp và lương thực thế giới (FAO), tính đến thời điểm hiện tại, hơn 500.000 hecta đất tại châu Phi đã được xử lý bằng thuốc trừ sâu, đủ để cứu lượng cây trồng cung cấp thực phẩm cho 8 triệu người.
Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc có thể gây ra thảm kịch cho đa dạng sinh thái. Có thể bạn chẳng quan tâm đến số phận của lũ châu chấu, nhưng các loài vật khác cũng ở đó.
Dẫu vậy, nông dân vẫn phải bảo vệ miếng ăn, và họ ngày càng sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ.
Bill Hanson - một nhà sinh thái hóa học từ Viện Max Planck (Đức) cho biết, ông rất lo ngại việc sử dụng thuốc trừ sâu có thể vô tình khiến các loài côn trùng quan trọng chết dần mòn, như ong mật.
Qu Dongyu - tổng giám đốc FAO thì cảnh báo, Covid-19 cùng đại dịch châu chấu sẽ gây ra thảm họa cho người dân tại đông Phi, với khả năng tạo ra một cơn khủng hoảng lương thực đáng sợ.
Có vẻ như, thế giới chào đón một thập kỷ mới bằng một kịch bản không thể đen tối hơn.