Mauritius, hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường du lịch” ở Ấn Độ Dương đang kêu cứu khi hàng nghìn tấn dầu rò rỉ từ một tàu Nhật Bản chảy xuống biển đe dọa nghiêm trọng sự sống của các rạn san hô, cũng như lá chắn tự nhiên của hòn đảo. Các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để thu gom dầu tràn, bơm hút nhiên liệu từ con tàu bị mắc cạn để cứu môi trường biển.
Sau gần 1 tuần chạy đua với thời gian nhằm khắc phục sự cố, Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth ngày 12/8 thông báo dừng chiến dịch bơm hút dầu từ tàu chở hàng của Nhật Bản, làm dịu những lo ngại về nguy cơ một đợt “thủy triều đen” thứ 2 với quy mô có thể lớn hơn nhiều so với lần đầu tiên. Theo Thủ tướng Pravind Jugnauth, trên tàu chỉ còn lại khoảng 100 tấn dầu và toàn bộ đã được xử lý.
Tàu MV Wakashio thuộc sở hữu của hãng vận tải Nagashiki Shipping của Nhật Bản bị mắc cạn ở phá Pointe d’Esny của Mauritius vào ngày 25/7 và làm rò rỉ hơn 1 nghìn tấn dầu ra biển. Tuy nhiên, trên tàu vẫn còn khoảng 2.500 tấn dầu. Giới chuyên gia cảnh báo, tàu MV Wakashio sẽ tiếp tục xuất hiện thêm các vết nứt khác, qua đó có thể gây ra một thảm họa thảm khốc đối với hệ sinh thái biển mong manh của Mauritius, cũng như nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch và đánh bắt cá của đảo quốc này.
Những hình ảnh ghi lại từ trên không cho thấy mức độ nghiêm trọng của thảm họa khi một vùng biển lớn xung quanh tàu đã chuyển màu đen sẫm. Trong khi đó các tình nguyện viên dọn dẹp khu vực ven biển Mauritius mới đây đã vớt được xác của những con cá chình chết trong vùng dầu loang. Không chỉ cá chình mà xác của các loài lươn, sao biển, cua và chim biển cũng được phát hiện bị nhuốm trong lớp dầu màu đen đặc quánh.
Một người dân trên đảo Mauritius chia sẻ: “Thảm họa chắc chắn sẽ gây ra tác động rất lớn đối với hòn đảo, nơi người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào du lịch, đặc biệt là đối với những ngư dân và các cộng đồng địa phương. Chúng ta sẽ thực sự cảm nhận được tác động nếu sự cố không nhanh chóng được khắc phục.”
Chính phủ Mauritius ngày 7/8 đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sự cố tràn dầu và nỗ lực phối hợp với các chuyên gia quốc tế để khắc phục tình hình. Liên Hợp Quốc mới đây đã cử các chuyên gia tới Mauritius để hỗ trợ các nỗ lực giảm thiểu tác động của sự cố đối với môi trường thiên nhiên và đối với người dân. Pháp cũng gửi hơn 20 tấn thiết bị kỹ thuật, trong đó 1,3 km dây ngăn dầu loang, thiết bị bơm và đồ bảo hộ cùng với các cố vấn kỹ thuật từ Reunion, một hòn đảo thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương. Trong khi đó Nhật Bản đã điều động một nhóm 6 thành viên, bao gồm cả thành viên của lực lượng tuần duyên đến hòn đảo ở Ấn Độ Dương này để hỗ trợ.
Một cuộc điều tra cũng đang được tiến hành để xác định lý do tàu Nhật Bản di chuyển gần bờ biển của Mauritius. Thuyền trưởng người Ấn Độ và một số thành viên thủy thủ đoàn đã bị cảnh sát Mauritius thẩm vấn hôm 11/8./.