Sáng 22/8, tại Nhà tang lễ Câu lạc bộ Hưu trí TP. Cần Thơ diễn ra lễ truy điệu tiễn đưa GS. Võ Tòng Xuân , sau đó linh cữu ông được gia đình đưa về quê nhà an nghỉ tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Tham dự lễ truy điệu GS. Võ Tòng Xuân có lãnh đạo TP. Cần Thơ; tỉnh An Giang; Tổng Lãnh sự quán Nhật bản tại TPHCM - ông Ono Masuo, người thân, bạn bè, học trò... Bên đường, hàng nghìn người dân, sinh viên các trường đại học tại Cần Thơ đứng tiễn biệt người thầy kính mến về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tại lễ truy điệu, ông Lê Văn Nưng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang bày tỏ, GS.TS. Võ Tòng Xuân là một nhà sư phạm tài năng, nhiều tâm huyết với ngành, luôn trăn trở tìm ra những giải pháp tích cực để phát triển giáo dục, nâng cao dân trí. Ông đã biên soạn nhiều giáo trình, sách, tài liệu tham khảo, nhiều bài viết có giá trị phục vụ cho nền nông nghiệp không những trong nước, còn cho quốc tế.
Theo ông Nưng, những dấu ấn, di sản của GS. Võ Tòng Xuân để lại cho đất nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là trên lĩnh vực nông nghiệp. Với tình yêu khoa học, và sự khao khát phục vụ cho quê hương đất nước, năm 1971 giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến tại Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Giáo sư trở về nước làm việc với mong muốn phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
GS. Võ Tòng Xuân cùng các nhà nghiên cứu thực hiện nhiều đề tài liên quan đến cây lúa cao sản, kỹ thuật trồng lúa, phổ biến kỹ thuật canh tác mới, đề xuất các chính sách nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp...
Ông Nưng điểm lại, GS. Võ Tòng Xuân đã đưa giống lúa IR36 từ Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) về Việt Nam, phổ biến giống lúa mới khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh. Nhờ đó, Giáo sư đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận giống lúa chất lượng, sản lượng cao, chi phí thấp, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.
GS. Võ Tòng Xuân còn góp phần đưa giống lúa cao sản, giống lúa chất lượng cao mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở Châu Phi. Giáo sư đã góp công lớn trong việc đào tạo lực lượng khoa học cho các địa phương và cả nước trong nhiều thập kỷ qua.
“Giờ đây, GS. Võ Tòng Xuân không còn nữa, nhưng công lao đóng góp của ông cho đất nước đã để lại dấu ấn đối với đồng chí và nhân dân, luôn để chúng ta ghi nhớ và trân trọng”, ông Nưng nhấn mạnh.
Đại diện gia đình, ông Võ Tòng Anh (con trai GS. Võ Tòng Xuân) gửi lời cảm ơn các đơn vị, tổ chức, cá nhân, học trò, bạn bè đã giúp đỡ, hỗ trợ trong lúc bệnh (cuối năm 2022) và viếng GS Võ Tòng Xuân .
“Trước khi ra đi, Ba tôi nhắc đi nhắc lại là cựu sinh viên cùng với Ba diệt rầy giúp nông dân. Ba tôi đang được nằm trong vòng tay, không chỉ của vợ con, mà còn rất nhiều cựu sinh viên - là các chiến sĩ diệt rầy cùng Ba tôi", ông Tòng Anh bộc bạch. Đồng thời, gia đình gửi lời cảm tạ đến các "anh Hai Lúa" đã sát cánh cùng GS. Võ Tòng Xuân xây dựng các đồng ruộng kháng rầy nâu ở miền Tây, vào những năm đất nước gặp khó khăn về lương thực 1977-1979.