GS Võ Tòng Xuân cả đời tận hiến cho Nông nghiệp Việt Nam và dự án tâm huyết đặc biệt ở tuổi xưa nay hiếm

Minh Hằng |

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với lúa gạo Việt Nam, ngay cả trong những tháng cuối đời, GS Võ Tòng Xuân vẫn hết lòng với một dự án đặc biệt.

Ảnh: MH

Ảnh: MH

Chia sẻ với PV, sinh thời, GS Võ Tòng Xuân cho biết: "Mơ ước lớn nhất của đời tôi là giúp người nông dân bớt khổ". Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Ba Chúc, Tri Tôn, tỉnh An Giang, nên tuổi thơ của ông gắn liền với sự thiếu thốn và cơ cực.

"Tôi yêu nghề nông từ nhỏ. Thuở còn học trung học, mỗi khi ra xem dì dượng làm ruộng, tôi thấy cuộc đời của người nông dân rất cực khổ. Tôi muốn học thật tốt để có thể làm được gì cho chính quê hương mình", GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ khi còn nhỏ, GS Võ Tòng Xuân đã phải làm đủ nghề để đủ tiền phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống và chi phí học hành. Thậm chí, trước ngày lên đường sang Philippines du học, cha của ông đã phải đi vay mượn nhiều người thân thì mới đủ tiền mua cho con vé máy bay, đôi giày da và một bộ đồ veston.

Khó khăn là thế nhưng vẫn không cản bước được hành trình đi tìm tri thức của GS Xuân, với mong ước giản dị là giúp đỡ cho bà con nông dân ở đất nước mình bớt khổ.

GS Võ Tòng Xuân cả đời tận hiến cho ngành Nông nghiệp Việt Nam và dự án tâm huyết còn dang dở - Ảnh 1.

GS Võ Tòng Xuân có hơn 50 năm gắn bó với cây lúa. Ông có nhiều đóng góp to lớn cho ngành Nông nghiệp Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: MH

Ở cái thời nhiều bạn bè đồng trang lứa mơ ước đi Mỹ, đi Đức… để học ngành Cơ khí, GS Võ Tòng Xuân lại lựa chọn học về lúa. Từ chối nhiều cơ hội làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài, GS Võ Tòng Xuân nhất quyết trở về Việt Nam sau nhiều năm du học. 

Nhà nông học này từng đưa ra đề nghị chưa từng có với Đảng ủy Ban giám hiệu Trường ĐH Cần Thơ vào mùa xuân năm 1976. Đó là đóng cửa trường trong 2 tháng để tổ chức cho sinh viên đến các nơi có rầy nâu ăn lúa và làm việc cùng với những người nông dân. Người thầy giản dị dạy sinh viên "thực chiến" ngay trên đồng ruộng. 

Kết quả, trận chiến với nạn rầy nâu năm đó do GS Võ Tòng Xuân trực tiếp "chỉ huy" đã giành thắng lợi hoàn toàn và bà con nông dân ngày càng tin tưởng, thường gọi là "Chú Ba Xuân".  Không chỉ nổi tiếng trong nước, GS Võ Tòng Xuân còn từng đến châu Phi hướng dẫn người nông dân trồng lúa chiến thắng "giặc đói" sau nhiều năm chiến tranh. Kể từ khi tạo ra kỳ tích ở Tây Phi và nhiều quốc gia châu Phi, những người nông dân đều gọi vị "cha đẻ của nhiều giống lúa ngon" tới từ Việt Nam bằng một cái tên thân thuộc là "Dr Rice".

Với nhiều đóng góp quan trọng trong việc tìm ra và phổ biến nhiều giống lúa có năng suất cao, kháng bệnh tốt, góp phần vào việc đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu, GS Võ Tòng Xuân đã trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam giành giải thưởng đặc biệt dành cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, của VinFuture 2023.

Dự án tâm huyết của GS Võ Tòng Xuân khi cuối đời

GS Võ Tòng Xuân cả đời tận hiến cho ngành Nông nghiệp Việt Nam và dự án tâm huyết còn dang dở - Ảnh 2.

GS Võ Tòng Xuân phát biểu sau khi trở thành người Việt đầu tiên được vinh danh ở giải thưởng VinFuture năm 2023. Ảnh: MH

Trong những năm cuối đời, khi đã ngoài 80, ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng GS Võ Tòng Xuân vẫn còn rất bận rộn. Dù sức khỏe không được tốt, nhưng ông vẫn còn ấp ủ nhiều dự án nông nghiệp ở các địa phương, với tâm niệm, cho dù ở cương vị nào thì ông vẫn dốc toàn tâm, toàn lực để chăm lo cho sự nghiệp trồng người và đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là các kỹ sư nông nghiệp cho đất nước.

Đau đáu mong ước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp nối giấc mơ giúp bà con nông dân bớt khổ và ngành nông nghiệp của đất nước ngày càng phát triển, ít ai biết rằng, cách đây 1 năm, GS Võ Tòng Xuân đã thành lập một quỹ học bổng.

GS Võ Tòng Xuân cả đời tận hiến cho ngành Nông nghiệp Việt Nam và dự án tâm huyết còn dang dở - Ảnh 3.

Người thầy giản dị, nhà khoa học xuất sắc Võ Tòng Xuân vẫn còn ấp ủ nhiều dự án trong những năm tháng cuối đời. Ảnh: MH

Ngay sau khi trở thành người Việt đầu tiên được vinh danh ở giải thưởng VinFuture, GS Võ Tòng Xuân chia sẻ rằng: "Tôi sẽ lập thành quỹ Học bổng Nông nghiệp Võ Tòng Xuân. Thực ra Quỹ này đã lập từ tháng 9/2023 bởi các học trò của tôi, nhưng chưa có kinh phí để duy trì. Tôi thấy rằng, hiện có nhiều nhà khoa học giờ chạy theo cái mới mang tính thách thức toàn cầu. Nhưng tôi nghĩ chính điều nội tại của dân mình mới cần phải lo, nhất là lĩnh vực nông nghiệp hiện đang thiếu các nhà nghiên cứu quan tâm. 

Tôi muốn lập quỹ học bổng này, với mục tiêu thứ nhất là hỗ trợ các em theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp và mục tiêu thứ hai là để phổ cập hóa song ngữ tại các trường phổ thông của Việt Nam".

Sáng nay (19/8), đại diện gia đình xác nhận GS, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ đã qua đời vào hồi 7h27' cùng ngày tại bệnh viện ở TP HCM.

Trưa cùng ngày, PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho biết, theo thống nhất của gia đình, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Cần Thơ và Trường ĐH Cần Thơ, tang lễ của Anh hùng Lao động, GS Võ Tòng Xuân sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ, số 30A, đường Mậu Thân, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Năm 1966, GS Võ Tòng Xuân tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).

Năm 1971, ông đã trở về Việt Nam làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ. Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975.

GS Võ Tòng Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ ở trong nước mà còn cho quốc tế. Các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia nghèo ở châu Phi.

Lúc sinh thời, GS Võ Tòng Xuân từng đảm nhiệm vị trí. GS Võ Tòng Xuân từng là đại biểu Quốc hội các Khóa: VII, VIII, IX; Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ (1982 - 1997); Hiệu trưởng trường Đại học An Giang (1999 - 2007); Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam (1996 - 2006); Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông Thủy Sản Việt - Phi (2008 - 2010); Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo (2010 - 2013) và Hội đồng Sáng lập và Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ (từ 2013 - nay). GS được vinh danh tại nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Nhà giáo nhân dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại