Cán bộ, công chức xin thôi việc , nghỉ việc không phải là câu chuyện mới. Thế nhưng, vấn đề này những ngày gần đây lại khiến dư luận hết sức quan tâm, bởi hiện tượng "rời công, sang tư" của cán bộ, công chức, viên chức đang xu hướng tăng lên. Nhiều người còn gọi đây là "làn sóng".
Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang nỗ lực thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Chuyện giảm số lượng công chức, viên chức là tất yếu. Tuy nhiên, đáng nói là những người chủ động xin thôi việc thường lại là những người có năng lực chuyên môn cao. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của cơ quan công quyền cũng như chất lượng dịch vụ công. Lĩnh vực y tế là một thí dụ. Đã có gần 10.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc từ đầu năm 2021 đến nay. Và sau đây là những chia sẻ của chính những người trong cuộc.
‘Làn sóng’ nhân viên y tế ồ ạt ‘rời công, về tư’
Chỉ trong 1 năm rưỡi qua, hơn 9.400 cán bộ, nhân viên y tế đã nghỉ việc, chuyển việc. Rất nhiều người trong số đó từ bỏ các cơ sở khám chữa bệnh công lập, để đến các bệnh viện tư, phòng khám tư, thậm chí là mong ước có thể tự mở cho mình một phòng khám. Ngoài vấn đề thu nhập thì còn cả những nguyên nhân khác.
Một nữ điều dưỡng từng công tác 9 năm tại Trung tâm Y tế cấp huyện vừa nghỉ việc giãi bày: "‘Công việc của tôi là điều dưỡng, lương khởi điểm 1,7 triệu đồng/tháng, làm 3 năm, tối mới lên lương được 3 triệu đồng/tháng. Trong đợt chống dịch rất áp lực, từ trên xuống dưới, cả từ phía gia đình. mọi thứ dôn lại không gánh gồng được nên tôi xin nghỉ việc.
Hiện tôi đang làm ở công ty tư nhân, lương cao hơn nhiều, có nhiều thời gian cho gia đình hơn, giải tỏa hơn. Hiện tôi không cảm thấy hối tiếc".
"Tôi học 6 năm, ra trường là bác sĩ. Công việc chính là tiêm chủng, khám tai-mũi-họng. Lương dao động khoảng từ 4,7-5 triệu đồng/tháng, cơ quan cũng tạo điều kiện cho anh em làm ngoài giờ, nhưng đợt dịch chỉ có lương ‘cứng’. Tôi quyết định ra ngoài đang làm kinh doanh, thu nhập ổn định, trang trải gia đình thoải mái, có nhiều thời gian cho gia đình hơn, điều mà khi làm bác sĩ như trước đây mình chưa có", một bác sĩ (giấu tên) xin nghỉ tạm thời chia sẻ và nhấn mạnh: "Tôi đam mê với nghề, chữa cho bệnh nhân được là vui rồi. Nhưng tôi cũng phải có tiền, phải nuôi con. Tôi chưa nghỉ hẳn, chỉ tạm nghỉ thôi, đi làm ngoài có nhiều thời gian giao lưu, trau dồi kiến thức, khi nào sẵn sàng quay lại tôi sẽ mở phòng khám".
Đồng quan điểm, một bác sĩ chuyên khoa đã công tác trong ngành Y 17 năm vừa chuyển sang viện tư được hơn 3 tháng nêu lý do: "Ở bệnh viện nhà nước, trừ bệnh viện trung ương, còn bệnh viện tuyến tỉnh, huyện ít được đầu tư, nhà cửa xuống cấp, trang bị lạc hậu, thuốc men đấu thầu tập trung, bác sĩ không phát huy được.
Trong khi đó, ở viện tư, mọi thứ đều hiện đại, các bác sĩ rất thích làm việc ở đó. Bệnh viện tư chào mời cầu thị, thậm chí là trải thảm đỏ để mời bác sĩ có năng lực. Tôi còn 10 năm nữa và tôi quyết định chuyển sang với mong muốn thay đổi bản thân, tìm năng lượng mới. Chúng tôi vẫn rất nhiệt huyết, ở viện công nhiều thứ cản trở và tôi muốn phát triển hơn nữa".
Nhiều nhân viên y tế ‘rời công, về tư’ . Ảnh minh họa.
Không chỉ ngành Y. các ngành khác cũng chứng kiến tình cảnh tương tự. Ngay ngày 12/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn báo cáo Bộ Nội vụ về việc gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức ở TP Hồ Chí Minh xin thôi việc trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất trong 7 năm qua.
Tiền lương trung bình của công chức, viên chức khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Nhiều công chức, người lao động ở UBND phường lương chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lương trung bình khu vực doanh nghiệp khoảng từ 10 đến 15, thậm chí 20 triệu đồng/tháng. Và định kỳ ở khu vực nhà nước 3 năm được tăng lương một lần, mỗi lần thêm khoảng 400 nghìn đồng. Vì thế khi có cơ hội, nhiều cán bộ, công chức họ sẵn sàng rời bỏ Nhà nước để làm các công việc khác có thu nhập cao hơn, có cuộc sống tốt hơn.
Gia tăng xu hướng công chức, viên chức nghỉ việc Nhà nước
Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông, thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị này cũng có khá nhiều người lao động xin nghỉ việc. Có nhiều lý do được đưa ra, nhưng chủ yếu là bởi thu nhập thấp trong khi áp lực công việc cao.
Theo Sở nội vụ TP Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm nay, có hơn 300 cán bộ công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc. Những năm trước đây, số người nghỉ việc chủ yếu rơi vào các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thì nay đã mở rộng sang cả các khối Đảng, Nhà nước và mặt trận đoàn thể.
Ông Lê Phú Nguyện - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết: "Đà Nẵng có chính sách thu hút nhân tài rất riêng nhưng phải thực hiện quy định chung về tiền lương thống nhất trên cả nước nên rất khó khăn. Trong điều kiện cạnh tranh về Lao động như ngày nay, như ngành công nghệ thông tin chẳng hạn, là vô cùng gay gắt. Với cơ chế tiền lương như hiện nay, tôi nghĩ sẽ khó giữ chân người tài".
Ảnh minh họa.
7 năm qua, Đà Nẵng tinh giản được hơn 10% số lượng biên chế công chức và giảm 2.316 viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất trong tinh giản biên chế của Đà Nẵng là thu hút và giữ chân người tài. Địa phương này lo ngại: nếu không có nhân lực chất lượng cao thì năng suất, hiệu quả công việc khó được nâng lên.
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương, bộ, ngành.
Về vấn đề này. ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: "Chúng tôi theo dõi và thấy từ cấp cơ sở đến cấp trung ương, rất nhiều người nghỉ việc, các cơ quan bộ, ban, ngành Trung ương thì cũng có hiện tượng này.
Một số Bộ cũng đã có những người công chức giữ chức vụ cao, thậm chí là Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng cũng xin ra ngoài. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời và hợp lý thì đây là một điều rất đáng lo ngại".
Xây dựng một nền công vụ hiện đại, tiên phong, dẫn dắt sự phát triển của xã hội là mục tiêu hướng tới. Muốn vậy, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự chất lượng và có năng lực. Muốn bộ máy không mất đi những người làm được việc và tuyển dụng được những có năng lực, thì tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc nhiều như hiện nay phải được xem xét, nghiên cứu nghiêm túc.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương của toàn hệ thống chính trị báo cáo cụ thể về thực trạng này. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, cần sớm thực thi các giải pháp để cán bộ, công chức có năng lực yên tâm cống hiến và tự hào với công việc của mình. Không để họ bị nản lòng vì lương thấp, vì môi trường làm việc thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, thiếu sự công bằng, minh bạch.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Đào, Đại biểu Quốc hội khóa XII và TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chuyên gia về Quản trị công và chính sách sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.