Theo Daily Mail, trong một cuộc họp với chính quyền Ghana, Cao ủy Jon Benjamin đã thúc giục chính phủ xua tan sự mê tín rằng có phù thủy tồn tại, và đưa những người phụ nữ cùng trẻ em bị giữ tại các trại tập trung về lại thôn làng.
"Cá nhân tôi tin rằng trong thế kỷ 21 này, không có sự tồn tại của phù thủy, và đã đến lúc chúng ta lên tiếng phản đối việc dùng từ đó để hạ thấp danh dự của những phụ nữ dễ bị tổn thương," ông Benjamin phát biểu.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, đây là quan điểm của cá nhân ông thay vì của chính phủ Anh.
Trong cuộc thảo luận, Cao ủy Benjamin, người đã làm việc ở các nước châu Phi từ năm 2014 khẳng định những khu ổ chuột tồi tàn quanh vùng Kuko, Bắc Ghana là nơi ở của khoảng 800 "phù thủy" và 500 trẻ em.
Ông cũng nói rằng việc bắt phụ nữ và trẻ em sống trong các khu nhà như vậy là vi phạm nhân quyền.
Theo tờ Express, một trong số những khu trại này đã bị đóng cửa với sự giúp sức của tổ chức từ thiện Action Aid của Anh.
Tuy nhiên các kế hoạch đóng cửa các khu trại tập trung phù thủy khách đều đã gặp trục trặc do người dân các làng vẫn không dứt bỏ được nỗi sợ phép phù thủy, và chính quyền thì lo lắng rằng việc đưa những phụ nữ "phù thủy" về lại cộng đồng sẽ khiến họ phải chịu sự hành hạ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù đồng ý với lo ngại về sự an toàn của chính phủ, ông Benjamin vẫn ủng hộ việc xóa sổ các trại tập trung này.
"Vấn đề là không có những thứ như phù thủy trên đời. Một số người cho rằng những người phụ nữ trong các trại này là ít nhất đang ở một nơi an toàn và không bị đối xử bất công như khi họ ở trong làng, và điều đó không sai."
"Nhưng nếu người dân không tự ý gán cho họ là phù thủy rồi phân biệt đối xử với họ, đôi khi còn có cả hành động bạo lực, thì ngay từ đầu đã không cần những khu trại như vậy rồi."
Những cư dân thuộc các khu trại này sống trong những túp lều đắp từ bùn, và không được tiếp cận các cơ sở hạ tầng về vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cơ bản nhất. Một số thậm chí đã bị nhốt tại những khu ổ chuột này suốt hàng chục năm, như trường hợp của Sano Kojo.
Theo Express, bà Kojo năm nay 70 tuổi và đã sống trong trại từ năm 1981, sau khi bị buộc tội đã dùng phép phù thủy, ấn tay lên ngực em họ đến khi ông tử vong.
"Người ta không quan tâm đến những người bị buộc tội là phù thủy. Một khi đã phải vào đây, sẽ chẳng còn ai ngoài kia nhớ đến chúng tôi nữa," bà Kojo chia sẻ.
Một cư dân khác của trại là Asana đã bị đưa đến đây sau khi bị chồng cũ đổ kim loại nóng chảy lên khắp người khi đang mang thai 5 tháng, chỉ vì anh ta đã mơ thấy cô là một phù thủy.
Tổ chức Action Aid tại Ghana vẫn đang gây áp lực yêu cầu đóng cửa 5 trại tập trung còn lại, cũng như "đưa hơn 400 phụ nữ bị buộc tội tái hòa nhập với cộng đồng của họ."
"Từ năm 2010, chúng tôi đã giúp hơn 254 phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng, và chúng tôi đang nỗ lực làm việc với các thôn làng để chống lại việc đưa những phụ nữ khác đến các trại này," giám đốc quốc gia của Action Aid tại Ghana, Sumaila Abdul-Rahmen cho biết.
"Niềm tin vào phép phù thủy đã bén rễ từ hoạt động chiêm tinh truyền thống. Cần có sự nhạy cảm và kiến thức để ngăn cản hoạt động buộc tội người khác là phù thủy xảy ra"./.