Nhân viên y tế TP.HCM vô cùng vất vả suốt nhiều tháng qua. Ảnh: Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức
Áp lực công việc tăng lên gấp đôi, gấp ba
Bà Vũ Thị Mai Liên, Trạm trưởng Trạm y tế (TYT) phường 5 (quận 3, TP.HCM) chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM rằng: "Trong hai năm qua dịch Covid-19 bùng phát, công việc tăng lên gấp đôi, gấp ba: Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, theo dõi và điều trị ca bệnh Covid-19 trên địa bàn, nhập dữ liệu ca bệnh… là những công việc mà nhân viên TYT phải đảm trách hằng ngày".
Nhân sự của TYT phường 5, quận 3 đa phần là nữ và đã có gia đình thế nhưng 3-4 tháng không gần gũi con do tập trung lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, không nấu được bữa cơm cho chồng do dành thời gian quản lý và chăm sóc ca bệnh Covid-19.
Bà Liên cho nguồn trên biết thêm, cả trạm không ai có ngày nghỉ suốt nhiều tháng qua, không phải ai cũng chịu được áp lực công việc ấy nên chuyện nhân viên các nhân viên y tế cơ sở xin nghỉ là điều đáng tiếc nhưng khó tránh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Sang, Trạm trưởng TYT xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thì cho báo trên hay: “Công việc bù đầu bù cổ, nhiều tháng liền không thể về thăm nhà do chống dịch COVID-19, lương thấp… là lý do khiến không ít nhân viên của các nhân viên TYT xin nghỉ việc. Tôi là trưởng TYT nhưng lương mỗi tháng 6,7 triệu đồng, lương của nhân viên còn ít hơn nên khó đảm bảo cuộc sống”.
Đáng lo ngại hơn, trong quá trình nhân viên TYT xã Trung Chánh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân, có tình trạng có người đến sau nhưng không xếp hàng, đòi lấy mẫu trước, khi không được đáp ứng liền lớn tiếng và dọa đánh nhân viên y tế, có người còn đòi san bằng TYT.
Có những đêm, những người đàn ông say xỉn bị tai nạn vào cấp cứu, do say không làm chủ bản thân nên dọa đánh nhân viên y tế, dọa phá đồ đạc của trạm. Nói không may nếu lúc ý có chuyện gì thì cũng không có ai ở đó bảo vệ nhân viên y tế cả.
"Trong hoàn cảnh này, thử hỏi nhân viên y tế nào không sợ” - bà Sang bất lực nói.
"Không ai chịu về trạm y tế”
Trước đó, trong buổi giám sát của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM về công tác y tế cơ sở chiều 10/11, Vietnamnet trích lời Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết: "Không ai chịu về trạm y tế" khi nhận định về tình hình nhân lực y tế cơ sở.
Theo báo cáo, tại TP.HCM, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã/phường trên 10.000 dân chỉ đạt 2,31. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06).
Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị tăng mức trần biên chế tại trạm y tế lên gấp đôi hiện tại, tức là 20 người/trạm để đảm bảo nhân lực.
Trong buổi làm việc, nguồn trên dẫn lời Giám đốc Sở Y tế trải lòng: "Đợt dịch vừa qua, mỗi ngày tôi đều ký 1 tập đơn xin nghỉ việc của nhân viên trạm y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện".
Để giữ chân nhân viên y tế ở lại với cơ sở trong lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Thượng cho rằng ngoài việc thu hút nhân tài, cần có chính sách hỗ trợ bằng tiền để đáp lại những vất vả, khó khăn của họ.
Cụ thể, ông Thượng đề xuất mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, trình độ Đại học, y sĩ hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng, trình độ Cao đẳng 3 triệu đồng/tháng.
Bổ sung thêm ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Đăng Khoa, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM đề xuất, để giữ chân y bác sĩ tại các trạm y tế, ngoài hỗ trợ về vật chất thì cần quan tâm đến cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, môi trường làm việc, nâng cao tay nghề của các y bác sĩ, đồng thời cho phép bác sĩ trạm y tế được khám chữa bệnh ngoài giờ…
Tại buổi làm việc ngày 10/11, ông Thượng kiến nghị TP điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho TYT, thí điểm triển khai chương trình thực hành 18 tháng để cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ mới tốt nghiệp, hỗ trợ mức sinh hoạt hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng,...
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phải tính đến vấn đề dân có đến TYT hay không khi hiện nay các trạm không có chế độ BHYT, không được cấp phát thuốc, không có nguồn thu từ dịch vụ. Trong khi đó, nhiều bác sĩ tại y tế cơ sở muốn xin cơ chế được khám ngoài giờ để cải thiện thu nhập.