"Boeing đang sản xuất một chuyên cơ 747 Air Force One mới cho các tổng thống tương lai, nhưng chi phí đã ngoài tầm kiểm soát, hơn 4 tỷ USD. Hủy đơn hàng đi!", Tổng thống đắc cử Mỹ Trump viết trên Twitter ngày 6/12.
Theo Washington Post, Trump vốn đã thể hiện là người không khắt khe về tính chính xác trong các tweet của mình, và ở nội dung viết về Boeing này cũng có khá nhiều điểm chưa đúng:
"Boeing đang sản xuất…"
Thông tin này không đúng. Trong năm 2016, Boeing chỉ có được một hợp đồng trị giá 170 triệu USD để thiết kế chuyên cơ mới cho tổng thống Mỹ, thay cho chiếc hiện tại đã cũ.
Boeing cũng chưa thực sự bắt tay vào sản xuất chiếc Air Force One mới nào, dù theo logic thì đó là hãng duy nhất ở Mỹ có đủ năng lực làm việc đó.
"… một chuyên cơ 747 Air Force One mới…"
Thực ra ít nhất sẽ có hai chuyên cơ Air Force One mới, chứ không phải chỉ là một cái.
Các tổng thống Mỹ sẽ cần 2 máy bay, để dự phòng trường hợp chiếc này trục trặc thì sử dụng chiếc khác. Tuổi thọ của cả 2 chuyên cơ là 30 năm.
Một chiếc máy bay chỉ được gọi tên "Air Force One" (Không Lực Một) khi tổng thống đã chính thức sử dụng nó. Air Force One thực chất là một phiên bản rất nâng cao của máy bay thương mại Boeing 747-8.
"Chi phí đã ngoài tầm kiểm soát, hơn 4 tỷ USD"
Cho tới nay, chi phí cuối cùng chưa được quyết định.
Bộ Quốc phòng Mỹ mới chỉ có kế hoạch về về việc chi 2.9 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho việc thiết kế, sản xuất chuyên cơ mới. Ngoài ra, thông thường sẽ cần thêm ít nhất 1 tỷ USD chi phí bổ sung để hoàn thành việc mua sắm chiếc máy bay này.
Vì thế, con số ước tính 4 tỷ USD – cho việc thiết kế, thử nghiệm, sản xuất ít nhất 2 chuyên cơ – là hoàn toàn hợp lý.
Chi phí này sẽ được Quốc hội xem xét thấu đáo và thông qua. Đã từng có chuyện vì tiết kiệm chi phí mà Thượng viện không thông qua chính sách chuyên cơ đặc biệt cho Ngoại trưởng Mỹ.
(Thay vì được sử dụng máy bay Boeing 757 nâng cấp để có thể bay các chặng dài, đến nay, khi đi và về từ châu Á, các Ngoại trưởng Mỹ vẫn phải dừng lại ở Alaska để máy bay của họ tiếp nhiên liệu).
Chuyên cơ Air Force One sẽ được thiết kế để chống chịu cả thảm họa hạt nhân. Nó sẽ được nâng cấp các tính năng phòng thủ và tấn công cùng khả năng tiếp nhiên liệu khi đang bay. Giá thành thực sự của chuyên cơ này sẽ phụ thuộc vào các thiết bị đi kèm.
Việc kiểm thử chuyên cơ cũng sẽ được tiến hành rất kỹ lưỡng - mất khoảng 2 năm, trước khi nó cất cánh phục vụ tổng thống Mỹ.
Phía Boeing cho biết hãng đã không có lợi nhuận khi sản xuất cặp Air Force One hiện đang được sử dụng. Đến đơn hàng lần này, hãng cũng không trông mong sẽ kiếm "bộn tiền" như Trump nói.
Thực tế, Boeing đã công bố kế hoạch về việc ngừng sản xuất loại máy bay 747.
"Hủy đơn hàng đi!"
Thực ra là chưa có đơn hàng nào để mà hủy. Tuy nhiên, Trump vẫn có thể hủy kế hoạch đặt hàng Boeing. Việc này có thể không ảnh hưởng tới Trump nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới vị tổng thống kế tiếp.
Kịch bản Trump không đặt hàng nếu thành sự thật thì có thể tổng thống kế nhiệm ông sẽ không có chuyên cơ để sử dụng, lý do là khi đó Boeing đã ngừng sản xuất model 747.
Hai chiếc Air Force One hiện tại đang sắp hết vòng đời 30 năm. Lầu Năm Góc đã phàn nàn về việc các bộ phận lỗi thời của nó cũng như chi phí bảo dưỡng gia tăng.
Todd Harrison, chuyên gia về ngân sách quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: "Chương trình mua chuyên cơ tổng thống là rất mới và khó có khả năng sớm được thực hiện".
Như vậy, trong thực tế, không có chi phí ngoài tầm kiểm soát nào như Trump viết trên Twitter.
Harrison cũng cho biết thêm, 4 tỷ USD chi phí ước tính là con số hợp lý cho các yêu cầu của dự án.