New York Times ngày 8/3 cho hay, hàng loạt tờ báo Trung Quốc đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump mặc áo choàng tắm vội vã nhóm họp nội các, ra lệnh cho nhân viên Nhà Trắng bọc kín tất cả điện thoại bằng giấy nhôm. Các báo Trung Quốc dẫn nguồn từ tờ The New Yorker, một tạp chí uy tín lâu năm ở Mỹ.
Tuy nhiên, bài báo gốc trên tờ The New Yorker lại chỉ là một bài trào phúng do danh hài Mỹ Andy Borowitz chắp bút.
Mặc dù vậy, các báo Trung Quốc đi sâu vào chi tiết không có thực nói trên, mô tả về nỗi lo lắng của ông Trump trước việc người tiền nhiệm Obama đang nghe lén các thiết bị của ông.
Câu chuyện này lập tức lan truyền rộng rãi trên mạng Trung Quốc. Những tờ uy tín như báo kinh doanh Caijing và trang Sina chạy tít: "Trump lật tung Nhà Trắng để tìm dấu vết của Obama: 'Tôi biết ông ấy vẫn ở đây!'"
Cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra rất bối rối. Các trang báo thuộc cơ quan nhà nước và cả đội ngũ kiểm duyệt hùng hậu thường không bỏ sót tin tức như thế này. Liệu đây có phải là sự thật?
Một người dùng Weibo đăng lên mạng xã hội: "Chuyện này rất kỳ cục." Những người khác tỏ ra thông thạo hơn: "Đây là chuyện bịa, để gây cười thôi." "Tôi ngạc nhiên vì thế này cũng là tin tức đấy. Tổng biên tập, ông làm việc chuyên nghiệp hơn được không?"
Theo New York Times, đây không phải là lần đầu truyền thông Trung Quốc đưa nhầm tin trào phúng của báo Mỹ thành tin chính thống.
Vào 2012, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được tôn vinh là "Người đàn ông gợi cảm nhất năm 2012". Thông tin trên được lấy từ một bài trào phúng trên tờ The Onion.
Đến năm 2013, Tân Hoa xã nhầm lẫn một bài báo châm biếm trên tờ New Yorker về việc ông chủ Amazon Jeff Bezos "mua nhầm" tờ Washington Post, đăng tải thành tin tức chính thống.
Bài trào phúng về Trump được New Yorker đăng tải vào thứ Bảy (4/3), và Reference News (Tin tức tham khảo) - một tờ báo chuyên dịch các tin nước ngoài do Tân Hoa xã xuất bản - đã phát hành bản in. Tờ này sau đó đã gỡ bài báo khỏi trang web vào thứ Tư (8/3) sau khi truyền thông Trung Quốc chỉ ra đây là thông tin không có thật.
Theo New York Times, các tin tức giả, thuyết âm mưu và tin đồn luôn tràn lan trên mạng Internet Trung Quốc, và giới phân tích cho rằng việc hãng tin Trung Quốc đưa nhầm cũng không có gì ngạc nhiên.