Ông JD Gordon trả lời phỏng vấn của báo Independent (Anh), cho biết bản thân ông đã gặp gỡ và nói chuyện với Đại sứ Nga Kislyak ở thời điểm 5 tháng trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ (8/11/2016).
Gordon cho biết ông và Đại sứ Nga gặp mặt ở Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa Mỹ ở Cleverland vào ngày 20/7/2016. Hai ông đã thảo luận làm cách nào Moscow và Washington có thể hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống các lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan trong trường hợp ông Trump thắng cử.
Gordon cũng chuyển tới Đại sứ Kislyak mong muốn của Trump trong việc thiết lập lại mối quan hệ chiến lược Nga-Mỹ. Cựu cố vấn nói ông biết Trump rất quan tâm tới khả năng quân đội Mỹ có thể hợp tác cùng Nga để chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, dù chi tiết về sự hợp tác này không được đề cập trong cuộc đối thoại của ông và Đại sứ Nga.
"Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi kéo dài tối đa là 5 phút", JD Gordon nói.
Ông Gordon miêu tả cuộc trò chuyện ngắn đó là chỉ hơn "nghi thức ngoại giao thông thường" một chút. Tuy nhiên, cuộc nói chuyện đã diễn ra trong bối cảnh không hề bình thường.
Ông JD Gordon phát biểu tại hội nghị thường niên của giới bảo thủ Mỹ CPAC (Conservative Political Action Conference), diễn ra từ 22-25/2 tại Washington. (Ảnh: Independent)
Theo Independent, hai ngày sau cuộc trao đổi của Gordon và Kislyak, đồng thời chỉ một ngày trước bế mạc Đại hội đảng Cộng hòa, trang Wikileaks đã tiết lộ hàng nghìn email từ Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC).
Từ những email bị hack đó, người ta thấy rằng DNC thực ra không hề "trung lập" đối với hai ứng viên của đảng mình là Hillary Clinton và Bernie Sanders. Các email cho thấy DNC nghiêng hẳn về ủng hộ bà Clinton, sau đó chủ tịch DNC đã phải từ chức.
James Collin, cựu Đại sứ Mỹ ở Moscow giai đoạn 1997-2001, nhận định không có gì bất bình thường trong việc Đại sứ Nga gặp gỡ nhân sự từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong giai đoạn tranh cử. Sự việc chỉ trở nên đáng lo ngại khi các thỏa thuận được thống nhất với một bên trước bầu cử.
"Vấn đề hiện nay là chính quyền Trump không rõ ràng về những việc mà họ từng làm. Có quá nhiều điều đáng quan tâm tồn tại từ lâu về các liên hệ giữa Trump và nước Nga. Việc Trump không sẵn sàng cung cấp các thông tin đó và không công khai bản kê khai thuế của ông ấy càng làm cho các ‘thuyết âm mưu’ nở rộ", Collin nói.
Cựu cố vấn tranh cử Gordon từng là người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 2005 đến năm 2009. Ông cũng là một trong một vài cá nhân thân cận trong chiến dịch của Trump từng có các tiếp xúc với Đại sứ Nga Kislyak, như Bộ trưởng tư pháp đương nhiệm Jeff Session, cựu cố vấn tổng thống Mỹ vừa từ chức của Michael Flynn, con rể ông Trump là Jared Kushner hay cố vấn tranh cử Carter Page.
Theo Independent, thực tế JD Gordon cũng chính là cá nhân có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các chính sách chính thức của đảng Cộng hòa về vấn đề Ukraine phù hợp với các quan điểm của Trump.
Tại Đại hội toàn quốc của đảng, một đại biểu đã nêu kiến nghị về việc sửa câu chữ, thêm vào các nội dung kêu gọi trang bị quân sự cho Ukraine chống lại phe ly khai miền Đông. Tuy nhiên, sau khi có sự tác động của ông Gordon thì trong các văn kiện của đảng Cộng hòa chỉ còn cụm từ "cung cấp các hỗ trợ thích hợp" cho Ukraine.
"Nhưng thay đổi ngôn ngữ đối với Ukraine không phải là nội dung tôi đã nói trong cuộc trao đổi với Đại sứ Nga. Điểm duy nhất được trao đổi là để làm sao Mỹ có mối quan hệ tốt hơn với Nga", Gordon nói.