Nguồn tin từ DealAsia Street cho biết, GD Express - công ty chuyển phát hàng hóa của Malaysia - đang đàm phán để mua 50% cổ phần của CTCP Thương mại và Giao thông Nội Bài (Netco) với giá 76,725 tỷ đồng, tương đương 3,29 triệu USD.
Thương vụ sẽ được thực hiện thông qua hình thức mua lại cổ phần của cổ đông hiện hữu, dự hoàn tất vào tháng 1/2020 và đang chờ sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Trong đó, GD Express đã ký thỏa thuận mua lại cổ phần từ 3 cổ đông là ông Nguyễn Đức Thế, bà Triệu Lan Hương và ông Nguyễn Đức Hậu. Sau khi thương vụ hoàn tất, GD Express sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại Netco.
GD Express cũng có kế hoạch ký thỏa thuận mua cổ phần còn lại của cổ đông Netco, bao gồm Comma Capital Company Ltd (nắm giữ 20% cổ phần), Triệu Lan Hương (14,52%), Nguyễn Đức Thế (14,52%), Nguyễn Xuân Hiệp (0,4%), Nguyễn Thành Trung (0,33%) và Trần Thị Thúy Hằng (0,24%).
Việc mua lại cổ phần của Netco cho thấy tham vọng GD Express trong việc xây dựng một mạng lưới phân phối khu vực ở Đông Nam Á và tiếp tục mở rộng sang Indonesia.
Trước đó, vào tháng 10/2018, GD Express và các công ty con của hãng đã mua 44,5% cổ phần của Satria Antaran Prima (SAP Express), công ty giao hàng của Indonesia. Công ty đã mua cổ phần của SAP Express trong quá trình chào bán công khai lần đầu (IPO).
Về Netco, Công ty được thành lập ngày 10/3/2003, hoạt động chính trong mảng cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh. Netco đang phục vụ trên 4.000 khách hàng là các doanh nghiệp, các Bộ, ban ngành, các ngân hàng, văn phòng đại diện nước ngoài…
Hiện, mạng lưới chi nhánh chuyển phát của Netco đã bao phủ 63/ 63 tỉnh thành trên cả nước với 9 trung tâm khai thác lớn tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nghệ An, Đồng Nai, Cần Thơ và Bình Dương.
Điểm qua về thị trường chuyển phát tại Việt Nam, trong động thái đáng chú ý gần đây, BEST Inc - chính thức vào Việt Nam với mục tiêu "lấp đầy" hạ tầng logistics hướng đến phát triển thị trường E-commerce 13 tỷ USD.
Theo công bố mới nhất của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 3, chi phí logistic ở Việt Nam chiếm xấp xỉ 21% GDP, cao nhất khối Asean.
Dù cải thiện đáng kể, từ vị trí 64 năm 2016 lên 39 năm 2018 trong bảng chỉ số năng lực quốc gia về logistic, theo WB, nhưng chi phí này vẫn là gánh nặng lớn của nền kinh tế, gây sức ép lên doanh nghiệp và người dân.
Nhắm thấy thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh, song hạ tầng logistics chưa hoàn thiện để hỗ trợ đà tăng trưởng trên.
BEST Inc theo đó cung cấp 2 mảng dịch vụ chính tại Việt Nam bao gồm: (1) Nhượng Quyền Bưu Cục và (2) Chuyển phát cho các khách hàng chính như VGS Home Shopping, SCJ home shopping, VTV Huyndai, Lazada, Sendo…
Không chỉ nhà đầu tư ngoại, nhiều đơn vị trong nước cũng đánh tiếng tham gia lĩnh vực này, đáng chú ý có FPT Retail (FRT) mới đây đã bổ sung 2 ngành nghề kinh doanh là bưu chính và chuyển phát "nhằm tận dụng các nguồn lực sẵn có như mạng lưới hơn 540 cửa hàng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước cùng nguồn nhân lực lớn,… góp phần tăng hiệu quả kinh doanh.
Đồng thời, việc bổ sung hai ngành nghề mới này cũng là bước chuẩn bị để xây dựng hành lang pháp lý cho các hướng đi mới của FPT Retail trong tương lai".