Hàng chục ngàn người đi xe máy về quê: F0 xuất hiện ở nhiều tỉnh, lãnh đạo ngỡ ngàng, không ngờ người về đông thế

Minh Minh |

"Mọi việc quá bất ngờ, không thể ngờ rằng lượng người về quê đông như vậy, tỉnh phải tận dụng các trường học làm điểm cách ly người dân", Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.

Hàng chục F0 trong đoàn người đi xe máy tự phát về quê

Sau ngày 30/9, khi TP.HCM chính thức nới lỏng giãn cách xã hội, các cửa ngõ của TP đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn do hàng ngàn người dân ở các tỉnh đổ về quê.

Theo ghi nhận vào tối 3/10, tại một số cửa ngõ TP.HCM, hàng ngàn người dân vẫn tiếp tục đi xe máy để về các tỉnh miền Tây. Phòng PC08 đã tăng cường lực lượng kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo những người dân đủ các điều kiện mới được qua chốt.

Tình trạng này xuất hiện từ mấy ngày qua, khi hàng chục ngàn người hồi hương các tỉnh miền Tây, ĐBSCL và Tây Nguyên đã khiến tình trạng dịch bùng phát, gây lo ngại cho các tỉnh.

Theo thống kê của Báo Dân Trí, ngày 03/10, Cần Thơ ghi nhận 34 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 6/14 ca ở khu cách ly trở về từ vùng dịch, 19 ca ở khu phong tỏa, một ca qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng (ca này cũng trở về từ vùng dịch).

Tỉnh Đồng Tháp có 35 ca dương tính trong ngày 03/10 thì có tới 33 ca là người dân về từ vùng dịch.

Ngày 3/10, tỉnh Hậu Giang cũng ghi nhận 2/4 ca mắc mới là người dân hồi hương về từ vùng dịch.

Theo thông tin từ sở chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, chỉ trong 2 ngày 02, 03/10, số lượng công dân Cà Mau tự phát về quê lên tới hơn 6.000 người. Qua xét nghiệm hơn 1.000 người thì có 25 người dương tính với SARS-CoV-2.

Tại Bến Tre, ngày 3/10, tỉnh có 4 ca mắc Covid-19 thì 3 ca là công dân hồi hương.

Ngày 3/10, Sóc Trăng ghi nhận 19 trường hợp mắc Covid-19, trong số này có 6 người về từ vùng dịch.

Tại An Giang, tính từ ngày 01/10 đến trưa 03/10, tỉnh đã tiếp nhận hơn 17.700 người dân về quê tự phát. Qua sàng lọc có 30 người dương tính với SARS-CoV-2 và đã được cách ly điều trị riêng.

Việc xuất hiện nhiều người nhiễm Covid-19 trong dòng người tự phát trở về quê cũng khiến cho lãnh đạo nhiều địa phương ở miền Tây lo lắng.

"Không thể ngờ rằng lượng người về quê đông như vậy"

Ngay sau khi hiện tượng người dân đổ về các tỉnh quá lớn, các tỉnh miền Tây đã đồng loạt kiến nghị tạm ngừng cho công dân về quê bởi nguồn nhân lực y tế, cơ sở hạ tầng phục vụ phòng, chống dịch trong tỉnh còn hạn chế, các khu cách ly tập trung, thu dung điều trị trong tỉnh hiện nay gần như quá tải.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, trong đêm 02/10, có trên 15.000 người dân đổ về quê. Tính từ ngày 01/10 đến ngày 03/10, Đồng Tháp đã tiếp nhận trên 20.000 người về quê. Qua xét nghiệm đã ghi nhận gần 50 F0.

"Mọi việc quá bất ngờ, không thể ngờ rằng lượng người về quê đông như vậy, tỉnh phải tận dụng các trường học làm điểm cách ly người dân. Tôi có kiến nghị với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cần hỗ trợ ngay cho các tỉnh ĐBSCL sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm vì số lượng người dân về quá nhiều nên các tỉnh không thể đảm đương nổi.

Phải hỗ trợ các tỉnh vắc xin để tiêm phủ cho người dân, tăng cường đề kháng cho người dân tại tỉnh và những người trở về đợt này. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ lao động tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ để họ an tâm ở lại làm việc", báo Thanh Niên dẫn lời ông Nghĩa.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng cho rằng năng lực tiếp nhận của tỉnh có hạn, nếu người dân tiếp tục về sẽ… vỡ trận.

"Sóc Trăng đã kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự về quê. Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp", ông Lâu thông tin.

Hàng chục ngàn người đi xe máy về quê: F0 xuất hiện ở nhiều tỉnh, lãnh đạo ngỡ ngàng, không ngờ người về đông thế - Ảnh 4.

Người dân ở các tỉnh ồ ạt rời TP.HCM về quê bằng xe máy (Ảnh: Người lao động)

Là một người trong đoàn hàng chục ngàn người hồi hương, anh Nguyễn Văn Dũng (quê An Giang) chia sẻ với PV Tuổi Trẻ rằng vợ chồng anh lên Bình Dương ở trọ, làm thuê cho một xưởng gỗ đã hơn 10 năm. Cuộc sống làm thuê, ở trọ, nuôi con trai nhỏ nên nhiều năm làm tích cóp được vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi đại dịch ập đến hai vợ chồng thất nghiệp, đủ thứ phải chi tiêu, tiền để dành cũng "tiêu tan".

"Bốn tháng trời thất nghiệp chúng tôi hết tiền để dành, Nhà nước hỗ trợ cũng không đủ ăn, tôi muốn về quê lâu lắm rồi, về đó có rau ăn rau nhưng thoải mái. Chính phủ ra chỉ thị không được về quê, đến nay Nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi về nên mừng lắm, những lúc như thế này, duy nhất nơi để về là quê hương", anh Dũng chia sẻ.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu về quê, ngành chức năng TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng liên tục kêu gọi người dân ở lại để phục hồi kinh tế. Những người chấp nhận ở lại được chính quyền hỗ trợ tối đa từ chỗ ở, lương thực thực phẩm để sớm trở lại công việc.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại