- 20 chiến đấu cơ Israel vượt 1.800km tấn công cảng Hodeidah ở Yemen
- 3 thế lực gồm Houthi, Hezbollah và Hashd Sha’abi đồng loạt nã tên lửa đáp trả.
- Iran bày tỏ sự phẫn nộ, có khả năng sẽ can dự. Nguy cơ xung đột toàn diện ở Trung Đông cận kề.
Biển Đỏ một lần nữa lại nổi sóng. Ngày 20/7/2024, Israel đã sử dụng 20 máy bay chiến đấu hiện đại nhất gồm F-15, F-16, F-35 và 4 máy bay tiếp dầu trên không đồng loạt tấn công cảng Hodeidah, kho chứa nhiên liệu và nhà máy điện ở Yemen do nhóm vũ trang Houthi (được Iran hậu thuẫn) kiểm soát.
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cuộc tấn công này là nhằm "đáp trả hàng trăm cuộc tấn công" được lực lượng Houthi tại Yemen thực hiện trong vài tháng qua, đặc biệt là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Tel Aviv ngày 19/7/2024 .
Đây là cuộc tấn công lớn nhất của Israel vào một nước Ả Rập kể từ nhiều năm nay, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực mới.
Thông điệp của Israel
Đây là bước leo thang cực kỳ nguy hiểm châm ngòi cho cuộc khủng hoảng mới tại Trung Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant cho nói: “Ngọn lửa hiện đang bùng cháy ở Hodeida có thể nhìn thấy trên khắp Trung Đông và tầm quan trọng của nó là rất rõ ràng”.
Có thể nói, thông qua cuộc tấn công này, Tel Aviv muốn gửi đi nhiều thông điệp khác nhau.
Thứ nhất là để biểu dương sức mạnh của Israel sau những thất bại quân sự ở Gaza, cảnh báo các nước Ả Rập, đe dọa các tổ chức trong “Trục kháng chiến” do Iran hậu thuẫn gồm Houthi, Hamas, Hezbollah và các tổ chức Hồi giáo chống Israel ở Iraq, Syria..., đồng thời gây sức ép buộc Houthi phải chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào Israel và các tàu bè qua lại trên Biển Đỏ, ngừng ủng hộ Hamas ở Gaza.
Thứ hai là cảnh báo chính quyền mới ở Iran sau khi Tổng thống Masoud Pezeshkian mới được bầu thay cho ông Ebrahim Raisi bị tử nạn theo đường lối cứng rắn, bảo thủ, đừng có gây đối đầu căng thẳng với Israel.
Các máy bay của Israel đã vượt qua được 1.800 km để tấn công Yemen mà không gặp phải bất cứ sự chống cự nào có nghĩa là không lực của IDF có thể vươn tới bất cứ nơi nào ở Trung Đông, trong đó có Iran.
Thứ ba là gửi tới cộng đồng quốc tế để tỏ rõ chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết tâm giải quyết cuộc xung đột bằng quân sự.
3 lực lượng được Iran hậu thuẫn trả đũa Israel
Việc Israel tấn công Yemen bằng các loại vũ khí hiện đại nhất cho thấy Tel Aviv sẵn sàng mở một mặt trận mới và cuộc chiến hiện nay không còn giới hạn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza nữa, mà ngọn lửa xung đột Trung Đông đã lan rộng ra toàn bộ khu vực.
Các lực lượng Houthi không để yên. Ngày 21/7/2024, tức là chỉ một ngày sau khi Israel tấn công cảng Hodeida, người phát ngôn lực lượng vũ trang Houthi, tướng Yahya Saree tuyên bố trả thù cho cuộc tấn công và ngay lập tức đã bắn một loạt tên lửa vào cảng Eilat, đồng thời bắn bị thương tàu “Bumba” của Mỹ ở Biển Đỏ bằng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái.
Tướng Yahya Saree nói thêm, sự đáp trả hành động gây hấn của Israel nhằm vào Yemen chắc chắn sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời nhấn mạnh rằng các hoạt động quân sự của Houthi sẽ không dừng lại trừ khi hành động gây hấn chống lại người dân Palestine ở Dải Gaza chấm dứt.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cũng tuyên bố sẽ tấn công vào tất cả các mục tiêu trọng yếu bên trong lãnh thổ Israel và ngay lập tức đã nã hàng chục phát tên lửa vào miền Bắc Israel.
Các lực lượng dân quân Hashd Sha’abi thân Iran ở Iraq cũng bắn nhiều phát tên lửa vào cảng Haifa của Israel.
Khả năng Iran can thiệp
Tình hình chắc chắn sẽ còn leo thang hơn nữa, do chính phủ cực hữu của Thủ tướng Netanyahu tìm cách xóa bỏ giải pháp hai Nhà nước được cộng đồng quốc tế ủng hộ, đặc biệt ngày 18/7/2024, Quốc hội (Knesset) Israel với đa số phiếu 68/120 đã thông qua nghị quyết bác bỏ việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập.
Đồng thời, chuyến thăm Mỹ của ông Netanyahu và cuộc gặp gỡ với ứng cử viên tiềm năng, cựu Tổng thống Donald Trump có nhiều cơ hội trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 5/11 tới là người ủng hộ mạnh mẽ Israel và là người năm 2019 đã đưa ra “Thoả thuận thế kỷ” nhằm xóa bỏ vấn đề Palestine là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Washington.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kani lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Israel nhằm vào lực lượng Houthi được Teheran hậu thuẫn.
Nếu tình hình leo thang căng thẳng hơn nữa, Iran có thể sẽ can thiệp để chia lửa với đồng minh.
Tổng thống mới được bầu của Iran, ông Masoud Pezeshkian là một nhà cải cách đã tuyên bố thi hành chính sách đối ngoại cân bằng, cởi mở với tất cả các nước, nhưng nếu Israel, Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục căng thẳng với Iran thì Teheran sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Trong tình hình như vậy, không loại trừ khả năng Iran và Mỹ can dự, không khí đối đầu giữa Israel và Palestine, các nước Ả Rập sẽ còn căng thẳng, giải pháp cho cuộc xung đột sẽ hết sức mờ mịt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông.
Sức mạnh quân sự của Houthi không thể xem thường
Liên quân Ả Rập gồm 10 nước do Ả Rập Saudi lãnh đạo với khoảng 150.000 - 200.000 được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất với hơn 100 máy bay chiến đấu và hàng trăm xe tăng, đã không đánh bại được các lực lượng Houthi trong cuộc chiến kéo dài 4 năm.
Tháng 1/2024, Mỹ đã thành lập liên minh “Người Bảo vệ Thịnh vượng” với sự tham gia của 12 nước, chủ yếu là các nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) do Mỹ đứng đầu, đưa tàu sân bay USS Eisenhower và nhiều phương tiện chiến tranh đến Biển Đỏ và tấn công Yemen, nhưng cũng không tiêu diệt được Houthi.
Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel cho biết người Houthi sở hữu một kho vũ khí lớn gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa phóng từ các tàu trên biển và một đội máy bay không người lái tấn công.
Kho vũ khí tên lửa của Houthi bao gồm nhiều mẫu, một số mẫu được phát triển trong nước với sự giúp đỡ của Iran, một số mẫu khác được cung cấp trực tiếp cho Houthi, bao gồm các tên lửa đạn đạo tiên tiến có tầm bắn lên tới 2.000 km. Houthi cũng sở hữu các tên lửa hiện đại họ chiếm được trong cuộc nội chiến năm 2014.
Ngoài ra, lực lượng này còn có tên lửa Toofan và Quds-4, tên lửa Ghadir-F và Shahab-3 tiên tiến của Iran. Bên cạnh đó là nhiều loại tên lửa hành trình tầm bắn khoảng 2.000 km và có khả năng mang 500 kg thuốc nổ.
Ngoài ra, Houthi còn sở hữu rất nhiều loại máy bay không người lái, bao gồm “Samad 3” có tầm hoạt động từ 1.500 đến 2.000 km, “Samad 4” (2.000 km), "Waid" giống máy bay “Shaheed-136” tự sát của Iran (2.500 km), có thể vươn tới Tel Aviv.
Đặc biệt, “Samad-3” và “Samad-4” được trang bị camera quang học và hồng ngoại để hoạt động cả ngày lẫn đêm với công nghệ truyền dữ liệu tiên tiến có thể tránh được sự phát hiện của radar và hệ thống phòng thủ “Vòm sắt” của Israel không đánh chặn được. Loại máy bay này đã được sử dụng trong cuộc tấn công vào Tel Aviv hôm 19/7 vừa qua.
Về hải quân, Houthi có các vũ khí mới gồm tàu chiến “Asif”, “Mallah” và “Nazir”, có thể phóng rocket Katyusha 107 mm, một số có thể mang theo hệ thống phòng không, một số xuồng cao tốc không người lái tự sát được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên biển.
Houthi còn có các tên lửa dẫn đường chống hạm phiên bản mới như “Tankeel”, “Hatem”, “Faliq” và “Sayyad”, là những tên lửa có cánh được trang bị radar hoặc đầu dò nhiệt với tầm bắn 200-400 km. Ngoài ra, họ còn có các tên lửa hành trình “Quds 4” có thể tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển có tầm bắn lên tới 800 km.
Houthi cũng sở hữu các loại thủy lôi "Masjoor", "Thaqib", "Karrar", "Mujahid" được rải trên biển ở các độ sâu khác nhau để gây sát thương hoặc phá hủy các tàu nổi và tàu ngầm.
Đến nay, Houthi không những chưa bị đánh bại mà còn trở nên mạnh mẽ hơn trước các cuộc tấn công của Liên quân và Israel.
Phát ngôn viên các lực lượng vũ trang Houthi, tướng Yahya Saree, đã nhiều lần tuyên bố “Lực lượng vũ trang Yemen nắm trong tay một loạt mục tiêu ở Israel, bao gồm các mục tiêu quân sự và an ninh nhạy cảm".
"Houthi sẽ không ngần ngại tấn công bất kỳ mục tiêu quan trọng nào bên trong Israel và thề rằng họ sẽ không tuân theo bất kỳ quy tắc giao chiến nào và những điều bất ngờ sắp tới sẽ rất lớn," ông này nói.
Tất cả các lực lượng trong “Trục kháng chiến”, bao gồm Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen và các phe phái kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, đều đứng trên một mặt trận ủng hộ nhóm Hamas ở Gaza.
Trong tình hình hết sức căng thẳng như vậy, để tháo ngòi nổ, giải pháp duy nhất là Israel phải thực hiện nghị quyết 2735 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/6/2024, trở lại bàn đàm phán với Hamas để đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza và trao đổi những người bị giam giữ.