Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm thu về 138 triệu USD, tương đương với mức cùng kỳ năm 2023. Trong đó riêng mặt hàng mực thu về 74 triệu USD, giảm 2% trong khi bạch tuộc thu về 65 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Các thị trường chủ đạo của mặt hàng mực và bạch tuộc tiếp tục là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc & Hong Kong, Thái Lan và châu Âu. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất với mức tăng 13%. Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh, mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh, mực nang phile làm sạch đông lạnh, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực cắt trái thông đông lạnh, mực nút đông lạnh...
Số liệu của kita.org cho thấy, Việt Nam là nguồn cung bạch tuộc đông lạnh lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm 43% thị phần. Trung Quốc đứng thứ hai chiếm 41% thị phần.
Đáng chú ý, Trung Quốc & Hong Kong là thị trường lớn thứ 3 của mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 10% với 13 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Trừ tháng 2 do rơi vào Tết Nguyên đán, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong trong tháng 1 tăng trưởng 3 con số và trong tháng 3 tăng trưởng 2 con số. Đây được đánh giá là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc “sôi nổi” nhất của Việt Nam trong năm 2023 và trong quý đầu năm nay.
Lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ Nhật Bản sau vụ xả nước thải hạt nhân ra biển của Nhật Bản đã khiến Trung Quốc tăng nhập hàng từ các nguồn khác, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc ở Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 1 năm nay để phục vụ Tết nguyên đán ở nước này. Nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của Trung Quốc tăng trong quý đầu năm nay cũng là để phục vụ nhu cầu Tết Thanh minh và kỳ nghỉ lễ Lao động (1/5).
Các sản phẩm mực tiếp tục là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc & Hong Kong chiếm 93%, bạch tuộc chỉ chiếm 7% tổng xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu sang Trung Quốc. Các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam mà Trung Quốc tiêu thụ mạnh trong quý đầu năm nay gồm mực sống/tươi/đông lạnh (mã HS03) (tăng ấn tượng 275%) và bạch tuộc chế biến (mã HS 16) (tăng 55%).
Hiện nay, trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần của thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,97 tỷ USD, giảm 17,8% so với năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 660 triệu USD, giảm 13% so với năm 2022. Tuy chưa thoát đà tăng trưởng âm, nhưng xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm nhẹ hơn so với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực khác.