Gói tài chính trên sẽ được tính vào dự toán ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2017 trị giá 40.300 tỷ won, tương đương 34,7 tỷ USD vừa được Quốc hội Hàn Quốc thông qua hôm 4-12. Như vậy, năm 2017 đánh dấu 6 năm liên tiếp Seoul tăng ngân sách quốc phòng.
Tổ hợp tên lửa đánh chặn THAAD Mỹ sẽ triển khai tại Hàn Quốc. Ảnh minh họa / Getty.
Với gói tài chính bổ sung trên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ có thêm nguồn lực để trang bị tên lửa hành trình không đối đất tầm xa Taurus, hệ thống radar cảnh báo sớm; nâng cấp các tổ hợp tên lửa hành trình hiện có và đặc biệt là củng cố "lá chắn tên lửa" Patriot và các đơn vị máy bay bay chiến đấu KF-16.
Theo nguồn tin từ Nhà Xanh, quá trình nâng cấp trên được tiến hành đồng thời với chương trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa KAMD do Hàn Quốc phát triển, gồm các tổ hợp M-SAM và L-SAM.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tính toán, hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng mới sẽ nâng cao đáng kể khả năng ngăn chặn các mối nguy cơ bị tấn công tên lửa từ Triều Tiên.
Liên quan tới việc tăng ngân sách quốc phòng, giới chức Seoul cho rằng, nó sẽ có tác động tích cực lại đối với nền kinh tế nước này bằng việc tạo thêm công ăn việc làm và kích thích các chương trình phát triển công nghệ liên quan.
Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, Seoul buộc phải tăng ngân sách quốc phòng, đặc biệt là nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa sau khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng.
Chỉ tính riêng trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành 20 vụ phóng tên lửa và 2 vụ thử vũ khí hạt nhân.
Một số nguồn tin còn nhận định, Hàn Quốc có thể sẽ mua thêm các tổ hợp tên lửa đánh chặn giai đoạn cuối THAAD từ Mỹ để tăng cường bảo vệ các mục tiêu quan trọng, trong đó có thủ đô Seoul vốn nằm rất gần đường giới tuyến giữa hai miền Triều Tiên.