Hàn Quốc ra mắt nhà vệ sinh kiểu mới, "cứ vào là có tiền" khiến dân tình đứng ngồi không yên

Tuyết Nhung |

Nghe có vẻ kì lạ khó tin nhưng nhà vệ sinh này hoàn toàn có thật.

Cho Jae-weon – một giáo sư kỹ thuật đô thị tại Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia Ulsan (UNIST), Hàn Quốc mới đây vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh thân thiện với môi trường thu hút nhiều sự quan tâm chú ý với ý tưởng độc lạ chưa từng có trước đây.

Theo hãng Reuters đưa tin, đây không chỉ đơn thuần là một nhà vệ sinh thông thường với chức năng giúp con người "giải quyết nỗi buồn" mà còn là nơi giúp mọi người kiếm được tiền nhờ vào lượng chất thải họ vừa thải ra.

BeeVi – tên gọi của nhà vệ sinh này sử dụng một máy bơm chân không để đưa chất thải vào một bể chứa dưới lòng đất. Điều này giúp giảm thiểu việc sử dụng nước. Tại bể chứa, các vi sinh vật sẽ phân hủy chất thải thành khí metan. Sau đó, khí này sẽ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho tòa nhà, bếp ga, ấm đun nước cũng như pin nhiên liệu oxit rắn.

Giáo sư Cho chia sẻ: "Với tư duy đột phá, chúng ta sẽ khám phá ra rằng chất thải của con người cũng là một thứ có giá trị giúp tạo ra năng lượng và phân bón cho cây trồng. Tôi đã đặt giá trị này và hệ tuần hoàn sinh thái."

Hàn Quốc ra mắt nhà vệ sinh kiểu mới, cứ vào là có tiền khiến dân tình đứng ngồi không yên - Ảnh 2.

Giáo sư Cho Jae-weon đứng bên cạnh bể xử lí chất thải thu gom được từ nhà vệ sinh.

Trung bình một người sẽ thải ra khoảng 500g chất thải mỗi ngày, tương ứng với 50 lít khí metan sau khi được chuyển đổi. Khí này đủ để tạo ra 0,5 kwh điện hoặc có thể được sử dụng để vận hành một chiếc xe hơi đi được 1,2 km.

Để đưa dự án vào thực tiễn, giáo sư Cho còn phát minh ra một loại tiền ảo gọi là Ggool, có nghĩa là mật ong trong tiếng Hàn. Trung bình, mỗi người sử dụng nhà vệ sinh thân thiện với môi trường này có thể kiếm được 10 Ggool một ngày.

Sinh viên tại trường có thể sử dụng tiền ảo này để mua hàng hóa trong khuôn viên trường từ cà phê cho đến mì ăn liền, trái cây hoặc sách vở. Các sinh viên có thể chọn sản phẩm mình muốn tại cửa hàng và quét mã QR để tính tiền bằng Ggool.

"Tôi chưa từng nghĩ phân là bẩn và bây giờ nó còn là một kho báu rất có giá trị với tôi. Tôi thậm chí còn có thể nói về phân trong các bữa ăn cũng như nghĩ về những món đồ hay những quyển sách cần mua với số tiền kiếm được từ phân mình thải ra", Heo Hui-jin một nghiên cứu sinh sau đại học chia sẻ tại hội chợ Ggool.

Hàn Quốc ra mắt nhà vệ sinh kiểu mới, cứ vào là có tiền khiến dân tình đứng ngồi không yên - Ảnh 4.

Hai nữ sinh viên vui mừng cầm chuối và mỹ phẩm vừa đổi được từ chính phân do mình thải ra tại hội chợ Ggool.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại