Phát biểu của ông Moon được đưa ra tại một cuộc họp trù bị tại Văn phòng Tổng thống về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Cuộc họp được dự tính tổ chức trễ nhất vào cuối tháng tới, trước một tháng cuộc gặp dự kiến giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thời gian và địa điểm cụ thể của hai cuộc gặp vẫn chưa được thống nhất giữa các bên.
Ráo riết chuẩn bị đối thoại
“Chúng ta cần giải quyết dứt điểm các vấn đề về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tái lập hòa bình thông qua các cuộc đối thoại tới đây và những đối thoại tiếp nối sau đó” - tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh các nỗ lực đối thoại cần nhắm đến mục tiêu chấm dứt mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trao đổi với các quan chức chính phủ tại buổi họp trù bị, ông Moon nhấn mạnh ủy ban chuẩn bị cần thể hiện rõ được những lợi ích mà cả Mỹ và Triều Tiên sẽ đạt được thông qua lộ trình giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên. “Tôi đề nghị mọi người chuẩn bị kỹ lưỡng để chúng ta có thể trình bày và thuyết phục một cách khách quan rằng Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ sẽ có lợi như thế nào và các lợi ích này có thể trao đổi ra sao” - ông Moon cho biết.
Theo nhận định của tờ The New York Times, kế hoạch tổ chức liên tiếp hai cuộc gặp thượng đỉnh chỉ cách nhau vài tuần sẽ gây ra những thách thức chưa từng có tiền lệ cho các nhà ngoại giao ba bên. Các nhà lãnh đạo có thể sẽ phải gặp mặt mà không có đủ các cuộc gặp cấp thấp mở đường, thảo luận chi tiết các nội dung thượng đỉnh mà đặc biệt là lộ trình chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Có lẽ vì mối lo này, chính quyền Seoul ngày 21-3 cũng đã đề xuất với phía Bình Nhưỡng tổ chức một cuộc gặp cấp cao trong tuần tới để thảo luận về thượng đỉnh liên Triều.
Cơ hội thượng đỉnh ba bên
“Thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ sẽ là một sự kiện chấn động trong lịch sử thế giới, nối liền sau thượng đỉnh liên Triều. Dựa vào các kết quả đạt được của những cuộc gặp này, có thể những diễn biến sẽ dẫn đến một cuộc họp thượng đỉnh ba bên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ” - tờ The New York Times dẫn lại phát biểu của ông Moon Jae-in.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng lưu ý rằng các cuộc đối thoại cấp cao sắp tới, đặc biệt là thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, sẽ mở ra một con đường chưa từng được khám phá. “Dù đây là một con đường chưa được khám phá, chúng ta vẫn có những kế hoạch và một tầm nhìn rõ ràng về các mục tiêu muốn đạt được thông qua sự đồng thuận giữa lãnh đạo ba nước Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ” - ông Moon nhấn mạnh quyết tâm.
Theo ghi nhận của hãng tin Yonhap tại cuộc họp, các mục tiêu đầy tham vọng mà ông Moon muốn hướng đến là: (1) Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, (2) một nền hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên, (3) bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều Tiên, (4) phát triển quan hệ liên Triều và (5) phát triển hợp tác kinh tế giữa Triều Tiên và Mỹ hoặc thậm chí là ba bên Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ.
Chỉ cần một trong số các mục tiêu mặc cả đầy tham vọng của ông Moon được hiện thực hóa cũng đủ tạo nên bước tiến lịch sử trong vấn đề Triều Tiên. Các cuộc thượng đỉnh liên Triều trong quá khứ cũng từng đạt được những bước tiến lớn. Tuy nhiên, các thành quả thường bị làm ngơ hoặc phá bỏ bởi các chính phủ kế nhiệm theo lập trường bảo thủ. Lịch sử có thể sẽ không tái diễn với ông Moon Jae-in vì các cuộc thượng đỉnh diễn ra ở giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông.
Phát biểu ngày 21-3, ông Moon nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn các thỏa thuận liên Triều trong tương lai, đảm bảo các thỏa thuận này được tôn trọng dù cho chính phủ kế nhiệm có thay đổi lập trường. “Chúng ta cần thể chế hóa những gì được thống nhất tại cuộc thượng đỉnh liên Triều. Chúng ta phải thúc đẩy quốc hội phê duyệt các thỏa thuận để duy trì các nỗ lực dù cho điều kiện chính trị sau này thay đổi” - ông Moon Jae-in nhấn mạnh.
Sự im lặng của Triều Tiên
Kể từ khi Tổng thống Trump nhận lời đối thoại trực tiếp với ông Kim Jong-un thông qua phái đoàn cấp cao của Seoul, phía Bình Nhưỡng bỗng chốc trở nên "im hơi lặng tiếng", tờ The New York Times nhận định. Đến nay Triều Tiên vẫn chưa có tuyên bố chính thức rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mời ông Trump gặp mặt. Truyền thông nhà nước của Triều Tiên vẫn chưa đưa tin về lời đồng ý của ông Trump hay cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới.
Nhiều nhà phân tích cho rằng sự im lặng này không quá bất thường. Bình Nhưỡng có thể không muốn người dân đặt quá nhiều kỳ vọng vào hai cuộc gặp thượng đỉnh nói trên. Một số ý kiến khác bày tỏ sự hoài nghi liệu ông Kim có thật sự sẵn sàng giải giáp hạt nhân. Tờ The New York Times cũng lo ngại Bình Nhưỡng đang đánh lạc hướng các đối thủ trong ngắn hạn để được giải cấm vận và có thêm thời gian phát triển vũ khí hạt nhân.
Đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong lịch sử kể từ sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953. Hai cuộc gặp trước đó diễn ra vào năm 2000 và 2007, các đời tổng thống Hàn Quốc đã gặp gỡ cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.