Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước chưa từng có do nhu cầu tăng cao và khủng hoảng khí hậu gia tăng. Theo báo cáo mới công bố của Viện Tài nguyên Thế giới, ¼ dân số thế giới ở 25 quốc gia đang đối mặt tình trạng căng thẳng cực độ về nước. Những quốc gia này đang sử dụng 80% nguồn cung cấp nước mỗi năm.
Theo phân tích, trên toàn cầu, khoảng 4 tỷ người, tương đương một nửa dân số thế giới, phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao ít nhất một tháng mỗi năm. Đến năm 2050, con số này có thể lên tới gần 60%.
Báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới cho thấy, 25 quốc gia chịu áp lực về nước nhiều nhất trong đó có Saudi Arabia, Chile, Bỉ, Hy Lạp. 5 quốc gia phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước cao nhất là Bahrain, Síp, Kuwait, Lebanon và Oman. Tại khu vực Nam Á, hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng, trong khi ở Trung Đông và Bắc Phi, có đến 83% số dân khu vực này bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nước. Tại Mỹ, dù nhu cầu ổn định hơn song 6 bang ở lưu vực sông Colorado đang trải qua tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao.
Bà Samantha Kuzma - Trưởng bộ phận dữ liệu Aqueduct, Chương trình nước, Viện Tài nguyên thế giới: "Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sự cạnh tranh hơn về tài nguyên nước và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều những năm mà có ít nước hơn; những thời điểm mà quốc gia nào đó khó khăn, thậm chí không thể tiếp cận nguồn nước họ cần. Đó có thể là nước để sản xuất điện, hay nếu nghĩ đến khu vực Trung Đông, Bắc Phi, đó là nước cho các hộ gia đình, nước dùng cho thực phẩm, tiền nước ở đây thực sự rất cao".
Nghiên cứu cũng cho thấy, gia tăng căng thẳng về nước đe dọa tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Khủng hoảng nước cũng ảnh hưởng đến sản xuất lương thực. 60% nền nông nghiệp được tưới tiêu trên thế giới phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước rất cao, đặc biệt là mía, lúa mì, gạo và ngô.
Người dân Syria chật vật do thiếu nước
Thiếu nước xảy ra tại nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới và Trung Đông - Bắc Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thế nhưng với những quốc gia vốn đã chịu ảnh hưởng từ các cuộc xung đột thì tình trạng này lại càng khiến người dân thêm chật vật.
Ông Majid Al Khalaf, cư dân thành phố Hasaka ở Syria dậy từ sáng sớm để xếp hàng lấy nước. Ông và những người hàng xóm của mình phải phụ thuộc vào 1 hoặc 2 thùng chứa nước để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, từ ăn uống đến tắm rửa.
Ông nói: "Tôi đã xếp hàng chờ từ 5 giờ sáng. Một hoặc hai chiếc xe chứa nước đã được đặt trên mỗi đường phố, nhưng thế là không đủ. Họ phải tăng số lượng xe chứa nước. Một xe chứa nước có thể phục vụ cho 50 ngôi nhà, phải mất thời gian để đến lượt của chúng tôi và chúng tôi sẽ chỉ có thể lấp đầy một hoặc hai thùng chứa, vậy thôi. Chúng tôi không có giếng nước".
Đã 4 năm người dân Hasaka sống trong tình trạng thiếu nước, phụ thuộc vào các giếng nước xung quanh khu vực để phục vụ đời sống. Nhưng, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan cũng đã khiến lượng mưa trong khu vực giảm, các giếng vì thế mà cũng cạn dần.
Ông Issa Younis - Nhân viên cơ quan quản lý nguồn nước Hasaka, Syria: "Tôi nghĩ chúng ta có thể mô tả tình hình tại Hasaka như một thảm họa nhân đạo. Đây là những gì đang xảy ra, thiếu nước nghiêm trọng tại các giếng xung quanh thành phố Hasaka. Nếu tình hình tiếp tục như vậy, nó sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với khu vực và sự ổn định của Syria".
Không chỉ là nước sinh hoạt, nước cho ngư nghiệp cũng thiếu. Như dòng sông Khabour chảy qua khu vực Tel Tamer của Syria, những hình ảnh về một dòng sông đầy nước với cỏ mọc xung quanh chỉ còn là kí ức. Ngày nay, khu vực này chỉ còn lại đất nứt, cá chết và đất cứng, buộc nhiều người dân phải rời bỏ thị trấn.
Ông Walid Al-abdallah - Ngư dân Syria: "Nước và mực nước giảm xuống. Tôi không nói là 90% đâu, mà là 100% đấy. Ngày nay ngay cả cá cũng chẳng còn, mọi thứ đều biến thành đầm lầy và những đầm lầy này là mối đe dọa cho khu vực".
Khủng hoảng nhân đạo do xung đột, nội chiến, nay đi kèm với khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng nguồn nước đang khiến cuộc sống người dân tại Syria vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Trước các thách thức về khủng hoảng nguồn nước trên toàn cầu và các sức ép từ thiếu nước tới các hoạt động sản xuất của con người, giới hoạch định chính sách, chuyên gia cũng kêu gọi cần tăng cường sử dụng, bảo tồn bền vững tài nguyên nước.
Giải pháp bảo tồn bền vững tài nguyên nước
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Tôi thấy có một số điểm để đẩy nhanh và thay đổi tình hình hiện tại. Thứ nhất là thu hẹp khoảng cách trong quản lý nước. Các chính phủ phải xây dựng và thực hiện các kế hoạch đảm bảo khả năng tiếp cận nước công bằng cho tất cả mọi người, đồng thời bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Tôi cũng kêu gọi các quốc gia cùng nhau hợp tác xuyên biên giới để cùng nhau hợp tác, quản lý nước.
Thứ hai là tăng đầu tư vào hệ thống nước, cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu nhằm tăng cường đầu tư vào phát triển bền vững. Các tổ chức tài chính quốc tế nên phát triển các biện pháp để mở rộng nguồn tài chính và đẩy nhanh việc tái phân bổ các quyền rút vốn đặc biệt và phát triển đa phương. Các ngân hàng nên tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư về nước để hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu.
Bà Grace Fu - Bộ trưởng Môi trường và Phát triển bền vững Singapore: "Các kiểu thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra đang làm gia tăng căng thẳng về nước, chúng ta cần tăng gấp đôi nỗ lực giải quyết để đạt được nguồn cung cấp nước bền vững và an toàn cho tất cả mọi người để vượt qua thách thức ngày càng tăng về tình trạng khan hiếm nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Khủng hoảng nước mang tính toàn cầu cũng như mang tính địa phương và hành động về nước toàn cầu vẫn rất quan trọng để đảm bảo nỗ lực phối hợp trong việc giải quyết vô số thách thức về nước mà chúng ta phải đối mặt.
Ông Tim Schauenberg - Phóng viên Đài DW, Đức: "Trước hết là hạn chế các tác động từ biến đổi khí hậu, có nghĩa là hạn chế hạn hán khắc nghiệt hơn và nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn. Thứ hai là có sự lãng phí rất lớn về nước do cơ sở hạ tầng nước kém. 30% nước ngọt toàn cầu bị lãng phí do rò rỉ đường ống. Thứ ba là xử lý nước, đặc biệt ở các nước phía Nam bán cầu và các nước thu nhập thấp có tiềm năng rất lớn để tái sử dụng nước vốn đã có trong hệ thống và bằng cách đó cũng ngăn ngừa ô nhiễm tài nguyên nước tự nhiên, những tài nguyên đó rất cần thiết để đảm bảo nguồn cung cấp nước trong tương lai".
Khủng hoảng nước không chỉ là lời cảnh báo mà đang đe dọa tới nhiều khu vực trên Trái đất với những thiệt hại được dự báo có quy mô tương đương đại dịch COVID-19 với các rủi ro đang tăng nhanh do sự ấm lên toàn cầu. Và nếu không hành động để đảm bảo sử dụng, khai thác, bảo tồn bền vững tài nguyên nước thì như đặc đặc phái viên Liên hợp quốc về giảm rủi ro thiên tai Mami Mizutori nêu rõ "hạn hán đang sắp trở thành đại dịch tiếp theo và không có vaccine chữa trị".