Hạn hán kỷ lục, 1 thành phố của Mỹ bị cấm tưới cây

Minh Khôi |

Người dân tại thành phố Coalinga, tiểu bang California, Mỹ, tiếp tục phải hứng chịu tình trạng hạn hán kéo dài chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Thành phố có thể cạn nước trong 2 tháng tới

Dự kiến, nguồn cung nước của thành phố ở tiểu bang California có thể cạn kiệt trong 2 tháng, theo Washington Post.

Thành phố với 17.000 dân chỉ có một nguồn nước duy nhất được cung cấp bởi hệ thống dẫn nước quản lý bởi chính quyền liên bang.

Giới chức địa phương dự báo thành phố sẽ sử dụng hết nguồn nước này trước khi hết năm nay. Viễn cảnh không máy sáng sủa trên đã buộc chính quyền thành phố phải chạy đua với thời gian khi tìm kiếm giải pháp nguồn nước thay thế. Một số người dân đã tìm cách dự trữ nước tại nhà, trong khi nhiều người lo rằng chi phí nước sinh hoạt sẽ tăng mạnh.

Nếu Coalinga không thể tìm được giải pháp thay thế, thành phố sẽ buộc phải mua nước từ ngoài thị trường với mức giá cao ngất ngưởng, ảnh hưởng tới ngân sách thành phố.

Gần đây, Thị trưởng thành phố Ron Ramsay đã thông qua quyết định cấm người dân tưới nước ở sân vườn, và tăng mức phạt đối với những người sử dụng lãng phí, nhưng thừa nhận các biện pháp này sẽ không phải là giải pháp lâu dài.

"Chúng tôi chưa bao giờ lâm vào tình cảnh này khi họ nói nguồn nước cung cấp cho thành phố sắp cạn kiệt", thị trưởng Ramsey nói.

Hạn hán kỷ lục

Trận hạn hán khắc nghiệt nhất ở phía tây nước Mỹ kể từ thế kỉ thứ 9 đã kéo dài sang năm thứ 23. Khắp toàn bộ tiểu bang, người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tồi tệ chưa từng có. Các hồ chứa nước đang ghi nhận mức giảm kỉ lục. Nhiều khu dân cư đã không còn nguồn cung nước. Các tiểu bang dọc tuyến sông Colorado đang thảo luận phương án cắt giảm cung cấp nước, điều này nếu được thực hiện, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực được cho là khu vực sản xuất nông sản quan trọng nhất nước Mỹ.

Thời tiết ngày càng nóng bức và khô hạn đã buộc California và nhiều tiểu bang khác phải tính tới một tương lai họ sẽ có ít nước hơn. Tháng 8, thống đốc Gavin Newsom trình bày kế hoạch dài 19 trang để đối phó với viễn cảnh tiểu bang sẽ mất 10% nguồn cung nước vào 2040.

"Chúng ta phải thích nghi với một thực tế mới, và thay đổi cách thức tiếp cận", ông Newsom nói.

California bắt đầu năm 2022 với quãng thời gian khô hạn kéo dài kỷ lục 4 tháng. Các hồ chứa nước khô kiệt buộc hàng triệu người dân phải hạn chế sử dụng nước cho nhu cầu không thiết yếu.

Nguồn nước cung cấp cho Coalinga đến từ hồ chứa San Luis, cách khoảng 145 km về phía bắc, và được cung ứng thông qua tuyến đường dẫn California Aqueduct, được xây dựng vào những năm 60 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp tại đây. Đây là một phần của dự án Thung lũng trung tâm (Central Valley Project), một hệ thống các côn đập, hồ chứa nước và kênh đào hiện đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán.

Những người nông dân hiện đã không được cung ứng nước từ hệ thống này kể từ đầu năm. Điều đó có nghĩa với Coalinga sẽ chỉ có thể được đáp ứng 1/4 nhu cầu sử dụng nước trong năm nay.

Các quan chức liên bang đã cung cấp danh sách các nhà cung cấp nước mà thành phố có thể liên hệ. Nhưng khi Brewer tiếp cận những đơn vị trong danh sách, đa phần đã không còn nước để bán, trong khi những nơi còn thì lại không hề rẻ.

Với mức giá hiện đã tăng gấp 10 lần trên thị trường, thành phố ước tính sẽ phải bỏ ra 2,5 triệu đô la để mua nước dùng cho hết năm, nhưng ngân sách toàn thành phố chỉ ở mức 10 triệu đô, ông nói.

"Việc giá nước tăng lên không chỉ ở Coalinga mà còn ở trên toàn tiểu bang. Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng", Thượng nghị sĩ Melissa Hurtado nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại