Biểu tượng tự chủ công nghệ thi công hầm của các kỹ sư Việt Nam
Những năm 2000, kỹ sư, công nhân người Việt Nam thường thi công hầm cho các nhà máy thủy điện với đường kính 5-6 m, công nghệ nổ mìn, đổ bê tông vỏ, chưa thể làm hầm đường bộ lớn qua núi với đường kính trên 10 m.
Sau đó, Việt Nam bước vào giai đoạn chinh phục các cung đèo hiểm trở trên con đường thiên lý Bắc - Nam, bắt đầu với hầm Hải Vân dài 6,28 km.
Khi hầm đường bộ Hải Vân được xây dựng, nhân lực thi công chính là người Nhật, các kỹ sư Việt tham gia với vai trò phụ. Tuy nhiên, công trình đã mang đến cơ hội học hỏi rất lớn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật người Việt. Lần đầu tiên các kỹ sư Việt Nam được tiếp cận công nghệ đào hầm NATM của Áo.
Và đến hầm Đèo Cả, người Việt đã lần đầu tiên làm chủ công nghệ xây hầm đường bộ. Cùng với đó, hầm Đèo Cả đánh dấu bước tiến của đội ngũ kỹ sư người Việt, đảm nhận thi công chính bằng phương pháp NATM, chỉ có một số chuyên gia Nhật giám sát.
Được khởi công xây dựng vào năm 2012, sau hơn 4 năm nỗ lực qua nhiều thử thách, đầu tháng 9/2017 công trình đã hoàn tất, đưa vào khai thác trước thời hạn 4 tháng.
Theo Cục quản lý đầu tư xây dựng, hầm Đèo Cả là công trình biểu tượng cho niềm tự hào của người Việt trong việc làm chủ công nghệ thi công hầm, các giải pháp đầu tư, thi công hiệu quả. Hầm Đèo Cả là hầm đường bộ lớn thứ hai hiện nay trên đường thiên lý Bắc - Nam ở Việt Nam, sau hầm đường bộ Hải Vân.
Ngày 12/4/2018, tại Phú Yên, Bộ Xây dựng đã chọn công trình hầm đường bộ Đèo Cả do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả là công trình tiêu biểu ngành xây dựng Việt Nam.
Trả lời báo Đầu tư, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đánh giá: “Dự án hầm Đèo Cả hội tụ bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam. Từ đây, có nhiều bài học sẽ được đặt làm nền móng để phát triển các dự án hạ tầng giao thông Việt Nam trong tương lai”.
Hầm Đèo Cả ra đời như một kỳ tích được tạo nên lần đầu tiên hoàn toàn từ khối óc, bàn tay người Việt. Cung đèo Cả lớn và hiểm trở bậc nhất cả nước, cao 333m, dài 12km, không còn là con đường bộ độc đạo mà người dân buộc phải đi qua nếu muốn tới Khánh Hoà từ Phú Yên và ngược lại nữa.
Từ lâu tỉnh Phú Yên không thể vươn mình lớn mạnh như kỳ vọng bởi địa thế khép kín với phía Nam là dãy Đèo Cả sừng sững, phía Bắc là Đèo Cù Mông trập trùng, phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Hầm Đèo Cả và tiếp sau hầm Cù Mông đã mang đến niềm hy vọng, phá thế “ốc đảo” của tỉnh Phú Yên, mở toang cánh cửa thông thương, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, quốc phòng, an toàn giao thông; kết nối giữa hai khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa).
Công nghệ NATM thi công hầm
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, điểm đầu dự án tại Km1353+150 QL1A trên địa bàn tỉnh Phú Yên, điểm cuối dự án tại Km1374+525 QL1A trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Hai hạng mục chính của dự án là hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã có quy mô và trang thiết bị vận hành hiện đại nhất trong các hầm đường bộ trên Quốc lộ 1 hiện nay với 2 ống hầm song song, mỗi ống có 2 làn xe khai thác cùng chiều đảm bảo vận tốc khai thác 80 km/h.
Đây là công trình hầm đường bộ quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) bằng nguồn vốn trong nước bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
Việc đưa hầm đường bộ Đèo Cả vào khai thác sử dụng giúp rút ngắn thời gian qua đèo Cả từ 60 phút xuống còn 10 phút. Hầm đường bộ Đèo Cả đã trực tiếp tạo điều kiện để kết nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo thuận lợi về lưu thông giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và cả nước.
Công nghệ chính của dự án là công nghệ thi công hầm bằng phương pháp NATM. Phương pháp New Austrian Tunneling Method (NATM) của Áo, được biết đến là công nghệ hiện đại hàng đầu trên thế giới. NATM là phương pháp xây dựng ngầm phổ biến toàn cầu, nổi bật với những đột phá trong công nghệ bê tông phun.
Phương pháp NATM khai thác tối ưu các ưu điểm về khả năng tự chống đỡ của địa hình, được đánh giá là một trong những kỹ thuật kinh tế và hiệu quả nhất trong việc xây dựng hầm. Đồng thời, nó cũng giúp giảm thiểu chi phí về vật liệu, nhân công và rút ngắn tiến độ dự án.
Đặc biệt, NATM hiệu quả trong việc chống chịu áp lực địa chất tại các khu vực có nguy cơ động đất cao. Phương pháp này đã trở thành giải pháp chủ đạo trong việc xây dựng nhiều hầm đường bộ trên khắp thế giới.
Phương án định hướng thiết kế hầm đường bộ Đèo Cả là hai ống hầm song song, mỗi ống hầm lưu thông xe theo một chiều, để tạo ra luồng thông gió theo kiểu pít-tông chạy trong xi-lanh, triệt tiêu gió quẩn, giảm thiểu chi phí xây dựng hệ thống thông gió.
Thực tế thiết kế này sau đó, theo tính toán, bên cạnh an toàn, là tiết kiệm được tới 40% chi phí vận hành hầm, đồng thời nâng tốc độ lưu thông lên tới 80km/giờ. Chi phí xây dựng hệ thống cứu hộ cứu nạn cũng được tiết kiệm đáng kể khi ống hầm này chính là đường cứu hộ cứu nạn của ống hầm kia, thông sang nhau bằng các ngách được mở khi có sự cố.
Hôm qua 12/4, trần hầm đường sắt Đèo Cả bỗng sạt xuống khoảng 100 m3 đá, bịt kín cửa hầm, kéo dài tầm 5 m. Vụ việc khiến đường sắt Bắc- Nam đoạn qua Phú Yên - Khánh Hòa tê liệt, phải hạn chế phương tiện lưu thông đường bộ qua đèo.
Sau đó, lực lượng chức năng đã đặt biển báo hiệu, chóp nón, đèn quay để cảnh báo và trực tiếp phân luồng đối với các phương tiện qua . Đồng thời, hướng dẫn cho các phương tiện lưu thông trên một làn đường (hướng Nam - Bắc qua Đèo Cả).
Vị trí sạt, lở trong hầm nằm dưới làn đường quốc lộ 1, tại Km 1368+750, hướng Bắc - Nam (địa phận thôn Đông Bắc, Đại Lãnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa). Đây là đường hai chiều, không có dải phân cách giữa, rộng khoảng 8m.
Theo Phòng CSGT tỉnh Khánh Hòa, hiện, lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hoà tiếp tục bố trí phân luồng, hướng dẫn đến khi khắc phục xong sự cố. Hiện chưa biết khi nào sẽ thông hầm đường sắt đèo Cả.