Trong cuộc phỏng vấn đăng tải trên đài Sky News hôm 27-7, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ Viện Anh Julian Lewis dùng từ "thảm hại" để mô tả quy mô hạm đội tàu chiến của nước này.
"Tất cả lực lượng vũ trang đều có nguồn lực tài chính kém. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không có khả năng đưa ra các lựa chọn để tự bảo vệ mình. Điều đó không vấn đề gì miễn là không có mối đe dọa nào nhưng có khả năng gây ra thảm họa nếu xảy ra xung đột bởi hầu hết cuộc xung đột đến bất ngờ và không thể đoán trước" – ông Lewis nói trong cuộc phỏng vấn.
Theo đài Sky News, Anh đang thiếu các tàu chiến lớn trong hạm đội của Hải quân Hoàng gia, kết quả của nhiều năm cắt giảm ngân sách quốc phòng liên tiếp.
Hiện tại, nước này chỉ có khu trục hạm HMS Montrose giúp hộ tống các tàu thương mại treo cờ Anh ở Eo biển Hormuz ngoài khơi Iran. Khu trục hạm HMS Duncan sắp được triển khai tới Vùng Vịnh nhưng chỉ hoạt động cùng HMS Montrose một vài tuần trước khi nó trở về cảng để bảo trì.
Dù Hải quân Hoàng gia Anh sẽ biên chế 2 tàu sân bay mới nhưng chi phí "khủng" chế tạo 2 tàu này đã gây tác động không nhỏ cho các bộ phận khác.
"Để cho phép tàu sân bay hoạt động, chúng tôi phải giảm số khu trục hạm từ 35 xuống còn 32. Điều mà tân Thủ tướng Boris Johnson cần làm là nhận ra rằng nếu quốc phòng là ưu tiên của chính phủ, Anh phải trở lại mức chi tiêu theo tỉ lệ GDP trong những năm 1990" – ông Lewis lưu ý.
Trước khi rời văn phòng, Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt cam kết chi nhiều tiền hơn cho Hải quân Hoàng gia nếu được bầu làm thủ tướng. Tuy nhiên, ông không còn cơ hội làm điều này vì thất bại trước đối thủ Johnson trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ.
Đài Sky News cho biết quy mô của Hải quân Hoàng gia Anh đã bị thu hẹp đáng kể trong nhiều thập kỷ. Năm 1982, Anh có 43 tàu chiến và 12 tàu khu trục. Bây giờ, con số tương ứng chỉ còn 13 và 6. Số lượng tàu ngầm cũng giảm từ 16 xuống còn 10 chiếc.