Hai vị ĐBQH nổi tiếng khóa 13 sợ ăn nhất các thực phẩm gì?

Hoàng Đan |

"Những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn có thể coi là tội ác đối với giống nòi, người dân, toàn xã hội khi mà ung thư, bệnh tật do sử dụng thực phẩm bẩn ngày càng nhiều".

ĐĂNG KÝ THAM DỰ HỘI THẢO VỀ THỰC PHẨM SẠCH NGÀY 23.8.2016 tại đây

Ra chợ không biết mua gì...

"Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn đến như vậy", lời phát biểu của ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13 nói trước kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13.

"Mỗi ngày Việt Nam có 203 người chết do ung thư, một trong những nguyên nhân của căn bệnh quái ác này là do người dân ăn phải thực phẩm bẩn, do phải tiếp xúc với các chất độc hoặc ngửi không khí ô nhiễm", lời phát biểu của PGS.TS Hóa học, ĐBQH khóa 13 Bùi Thị An.

Những phát biểu này đã khiến dư luận xôn xao, bức xúc và để có cái nhìn, đánh giá kỹ càng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội cùng ông Trần Ngọc Vinh xung quanh câu chuyện thực phẩm hiện nay.

PV: Từng phát biểu nhiều lần trước Quốc hội khóa 13 và cũng là một người tiêu dùng, bà có nhìn nhận như thế nào về câu chuyện thực phẩm bẩn hiện nay?

Bà Bùi Thị An: Vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay đúng là vẫn rất gay cấn, nguy hại. Mỗi ngày nước ta có không biết bao nhiêu người bị ung thư, ung thư có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến hai nguyên nhân là môi trường và thực phẩm, chưa kể đến các loại bệnh tật khác, đến ảnh hưởng lâu dài tới giống nòi.

Chúng ta đã nêu nhiều và Nhà nước có một số giải pháp, quy hoạch vùng trồng rau sạch..., tuy nhiên đến nay người dân chưa thể yên tâm, vẫn phải chịu cái cảnh dù biết nhưng không còn cách nào khác, vẫn phải mua, phải ăn.

Ra chợ thì không biết mua cái gì, từ rau, thịt, thậm chí gạo giờ cũng có gạo bẩn và người dân phải đi tìm gạo sạch ăn. Rồi tôi biết có những nơi là hợp tác xã rau sạch cũng nhập cả rau bẩn, không an toàn về bán, ngay kể cả trong siêu thị vẫn có những thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Thậm chí, những câu chuyện, nuôi lợn sạch thì người nuôi họ ăn còn lợn cho ăn cám tăng trọng, thuốc thì họ bán, rau sạch họ ăn còn rau phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan họ bán... nên mới có việc các nhà ở thành phố trồng rau bằng hộp xốp, nuôi gà, nuôi lợn trên nóc nhà, rồi gửi tiền về quê nuôi gà, lợn.

Tôi là người rất thích ăn rau quả nhưng thú thực giờ cũng không dám mua các loại rau ở chợ, nhất là các loại rau ăn sống khi đi tất cả các tỉnh miền Bắc tôi đều sợ, không dám ăn. Bởi tôi là người nghiên cứu hóa học nên tôi biết, họ phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật quá.

Và tôi cũng thích hoa quả nhưng giờ chẳng dám ăn, nhất là các loại táo, nho, chuối bán ở chợ, kể cả táo ở siêu thị dán mác táo Mỹ hay nước nào. Bởi đã có lần có người cho tôi táo dán cả mác ngoại nhưng để đến cả nửa năm không hỏng vỏ bên ngoài còn ruột thì hỏng, ủng hết.

Tôi biết rõ, họ đã dùng thuốc bảo quản cho táo và với nho cũng bảo quản còn chuối thì thuốc dấm thì mới chín vàng ươm đến như thế.

Giờ có ăn thì chỉ dám ăn các quả táo ta, các loại quả trên cây mà mình nhìn thấy hay hoa quả do người thân, bạn bè của mình đi nước ngoài về cho. Nhưng thú thực, mọi thứ cũng không biết thế nào cả. Ăn gì cũng lo.

Hai vị ĐBQH nổi tiếng khóa 13 sợ ăn nhất các thực phẩm gì? - Ảnh 1.

PGS.TS Hóa học, ĐBQH khóa 13 Bùi Thị An.

PV: Hiện nay, việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm bẩn của gia đình bà như thế nào?

Bà Bùi Thị An: Gia đình tôi ở phố nên cũng chẳng có đất đai để trồng, chăn nuôi nên với rau quả thì tôi thường đi các nơi, rồi thấy có rau quả sạch, đảm bảo thì mua về để tủ lạnh ăn dần.

Hay ra chợ quen gần nhà mua rau của những gia đình mà mình biết họ có vườn chỉ trồng một số loại rau ăn còn lại không hết thì đem bán. Nhưng nói thật, rau thì tôi cũng chả dám ăn nhiều mà chủ yếu ăn các loại quả như mướp, bí... thôi, tuy nhiên, cũng không rõ nó thế nào.

PV: Gia đình bà có mong muốn như thế nào đối với các doanh nghiệp cũng như người dân trong việc sản xuất thực phẩm sạch?

Bà Bùi Thị An: Việc mong muốn được sử dụng thực phẩm sạch không chỉ của riêng gia đình tôi mà là của tất cả các gia đình, người dân trong xã hội.

Nhưng rõ ràng là thực phẩm bẩn vẫn còn như vậy còn thực phẩm sạch thì chưa làm được..

Sức khỏe là vốn quý của con người, là điều kiện để đất nước phát triển bền vững, đối với những hành vi làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm phải xử lý nghiêm khắc, mức độ nguy hại cao thì phải xử lý hình sự để răn đe.

Thậm chí đối với những trường hợp mà cá nhân, tổ chức nào vì lợi ích bất chính, sử dụng chất cấm vào thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng người khác thì phải coi đó như tội giết người.

Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách hỗ trợ việc nâng cao sản xuất thực phẩm sạch. Có đẩy mạnh khuyến khích, tạo cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ ban đầu thì mới có thể giúp phát triển sản xuất thực phẩm sạch.

Vì lợi nhuận nên người nông dân hiền lành trở tội ác khi sản xuất thực phẩm bẩn

PV: Sau phát biểu chấn động "chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn như vậy" tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 đến nay, cá nhân ông nhận thấy, vấn nạn thực phẩm bẩn ở nước ta đã có sự biến chuyển hay chưa?

Ông Trần Ngọc Vinh: Sau khi tôi phát biểu thì một số báo chí, truyền hình đã đưa và có những chuyên mục về vấn đề này.

Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc rất quyết liệt trong việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi nhậm chức đã nêu rõ quan điểm về vấn đề này.

Chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp quan trọng toàn quốc bàn về vấn đề an toàn thực phẩm.

Tại các phiên họp Chính phủ, phát biểu trước Quốc hội, tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng, Thủ tướng cũng nêu rõ việc phải kiên quyết ngăn chặn thực phẩm bẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng phát hiện một số tổ chức, cá nhân sản xuất các thực phẩm không đúng tiêu chuẩn, hại sức khỏe.

Việc xử lý thực phẩm bẩn rõ ràng đã có sự biến chuyển nhất định, tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số hạn chế mà cần phải có những chế tài sắc bén hơn để ngăn chặn được tình trạng này.

Bởi thực phẩm bẩn mang hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ đối với trước mắt mà còn lâu dài. Những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn có thể coi là tội ác đối với giống nòi, người dân, toàn xã hội khi mà ung thư, bệnh tật do sử dụng thực phẩm bẩn ngày càng nhiều.

Có một thực tế rằng người nông dân của chúng ta được đánh giá là hiền lành nhưng rõ ràng với việc sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm bẩn thì đó lại là tội ác, gây hại cho người khác. Ông có thể lý giải lý do của việc này?

Hai vị ĐBQH nổi tiếng khóa 13 sợ ăn nhất các thực phẩm gì? - Ảnh 2.

ĐBQH khóa 13 Trần Ngọc Vinh.

Ông Trần Ngọc Vinh: Đúng như vậy, người nông dân của chúng ta rất hiền lành, chăm chỉ nhưng cũng có một bộ phận vì lợi nhuận quá cao trong khi đời sống còn nhiều khó khăn, cần tiền để chi tiêu, phục vụ cuộc sống nên họ đã nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh các thực phẩm bẩn.

Họ không thấy được cái hại bởi nhìn trước mắt thì thực phẩm bẩn chưa gây tử vong ngay mà tác hại lâu dài về sau. Họ sẵn sàng sử dụng các loại thuốc tăng trưởng, hóa chất độc hại vào chăm bón rau quả năng suất cao, chăn nuôi tăng cân mạnh, nạc nhiều...

PV: Là chuyên gia về mặt pháp lý, ông có kiến nghị như thế nào đối với việc xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn?

Ông Trần Ngọc Vinh: Hiện nay, các văn bản pháp luật liên quan của chúng ta thì cũng đều đã có cả rồi nhưng việc thực hiện, xử lý chưa đến nơi, đến chốn.

Theo tôi, về mặt pháp lý, cần phải có chế tài xử phạt cao hơn nữa đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm và nếu vi phạm nghiêm trọng, gây nguy hiểm thì phải xử lý hình sự thì mới đủ sức răn đe.

Thêm vào đó, cần có biện pháp để khuyến khích các thôn, xóm, xã sau khi phát hiện ở địa phương mình có cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì số tiền phạt sẽ để lại cho họ để gây quỹ để động viên gia đình làm tốt, khen thưởng cho các cá nhân tố giác thực phẩm bẩn...

Còn nếu nộp tất cả lên trên mà ở dưới không được gì thì chắc chắn người ta sẽ không tích cực và cái cơ bản nhất là phải xử lý từ gốc trở lên.

PV: Với gia đình ông hiện nay thì ông lựa chọn, sử dụng các loại thực phẩm như thế nào?

Ông Trần Ngọc Vinh: Thực sự gia đình tôi sử dụng thực phẩm cũng chỉ bằng các kinh nghiệm thôi chứ còn không tin tưởng được các thực phẩm mà họ quảng cáo hay ở chợ.

Hiện nay, gia đình tôi ở trong quê trồng được một số loại rau, củ quả và ngoài ra, cũng biết rõ một số chỗ có bán rau sạch, đảm bảo thì mua rồi bỏ tủ lạnh ăn dần. Các loại thịt, cá cũng vậy.

Gia đình tôi chấp nhận với giá có thể đắt hơn để mua được thực phẩm đảm bảo, sạch nhưng để nói tin tưởng tuyệt đối thì chưa, bởi, mình cũng chỉ là bình thường không thể biết được hết hoàn toàn, không phân tích được hết chất lượng.

ĐĂNG KÝ THAM DỰ DIỄN ĐÀN: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH

Sáng 23.8.2016, tại khách sạn Melia Hà Nội, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH, với sự góp mặt của gần 400 đại biểu, nhà quản lý và những chuyên gia hàng đầu: Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển; TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách NN; TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách NN; Doanh nhân Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH; GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam; Ca sĩ Mỹ Linh; TS. Hoàng Đình Chân, GĐ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt; Ông Nguyễn Đình Toàn. GĐ cao cấp ngành hàng Café – Masan Consumer; Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tich Ủy ban Mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công; Ông Đoàn Văn Vươn

Những người muốn tham dự hội thảo có thể đăng ký TẠI ĐÂY

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại