Theo người đứng đầu LHQ, tốc độ biến đổi khí hậu đang vượt khả năng đối phó của con người và là mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của con người. Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết hai thập niên qua "đóng góp" tới 18 năm ấm nhất trên toàn cầu kể từ khi số liệu này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1850.
Năm nay, lần đầu tiên khối băng dày vĩnh cửu tại miền Bắc Greenland bắt đầu nứt. Nồng độ CO2 trong khí quyển đang ở mức cao nhất trong 3 triệu năm qua và còn tiếp tục gia tăng. Trước thực trạng đáng báo động đó, TTK LHQ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và cam kết thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, TTK cũng thông báo tin tốt lành: công nghệ đang là trợ thủ đắc lực cho con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Năng lượng sạch ngày càng rẻ và có tính cạnh tranh hơn bao giờ hết.
Nếu các quốc gia kiên trì đi đúng hướng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể đem lại thêm 26 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Những chính sách nền kinh tế xanh có thể tạo ra 24 triệu việc làm mới.
Bên cạnh đó, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu còn tạo ra những ngành công nghiệp mới, thị trường mới, nhiều việc làm hơn và ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn.
Liên quan thách thức thứ hai, TTK nhấn mạnh những tiềm năng to lớn của công nghệ mới. Tiến bộ về khoa học đã, đang góp phần điều trị những căn bệnh hiểm nghèo, cung cấp lương thực cho dân số ngày một đông, kích thích tăng trưởng kinh tế và kết nối các cơ sở kinh doanh, cộng đồng, gia đình và bạn bè trên toàn thế giới.
Những lĩnh vực phát triển nhanh như trí tuệ nhân tạo, blockchain (chuỗi khối) và công nghệ sinh học có tiềm năng đẩy nhanh tiến trình thực thi những mục tiêu phát triển bền vững.
Mặt khác, TTK cảnh báo những mối đe dọa nghiêm trọng nảy sinh từ chính những tiến bộ công nghệ. Ông viện dẫn một loạt nguy cơ như tiến bộ công nghệ có thể làm gián đoạn những thị trường lao động toàn cầu do các việc làm truyền thống thay đổi hoặc biến mất đúng vào lúc số người trẻ tìm việc tăng.
Do đó, ông nhấn mạnh cần tiến hành công tác đào tạo lại trên quy mô chưa từng có. Giáo dục cần phải được điều chỉnh để thích nghi ngay từ những cấp sớm nhất. Các chính phủ có thể phải xem xét lập những chương trình xã hội mạnh hơn, trong đó có thể bao gồm cả thu nhập cơ bản mang tính phổ cập.
Một mối nguy cơ khác mà ông Guterres cảnh báo là công nghệ có thể bị những phần tử khủng bố sử dụng sai mục đích, hay phục vụ việc lạm dụng và bóc lột tình dục. Hiện các mạng lưới tội phạm có tổ chức đang hoạt động trên các trang web đen, thu lời từ những hoạt động thanh toán được mã hóa và tiền số để buôn người hay buôn bán hàng hóa bất hợp pháp.
Một số báo cáo ước tính tội phạm mạng hiện kiếm được 1.500 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, những tác động của công nghệ mới đối với chiến tranh cũng là một mối đe dọa trực tiếp hòa bình và an ninh. Theo TTK, việc vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo đang là mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng
TTK kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để giải quyết những vấn đề nêu trên, nhằm mục đích gây dựng lòng tin giữa và trong phạm vi các quốc gia, đồng thời đảm bảo việc sử dụng những công nghệ mới một cách có trách nhiệm.
Ông hối thúc ĐHĐ biến LHQ thành diễn đàn để thu hút sự quan tâm của toàn cầu đối với những vấn đề quan trọng này và nuôi dưỡng một tương lai số an toàn và có lợi cho tất cả mọi người.
Trong bài phát biểu trước ĐHĐ khóa 72, TTK đã nhấn mạnh tới 7 thách thức của thế giới. Một năm trôi qua, ông thừa nhận rằng hầu hết những thách thức này vẫn chưa được giải quyết.
Các cuộc chiến tại Syria, Yemen và nhiều nơi khác vẫn chưa chấm dứt. Mối đe dọa khủng bố vẫn hiện hữu, trong khi các phần tử khủng bố gắn kết hơn bao giờ hết với tội phạm có tổ chức và những mạng lưới buôn người, ma túy và vũ khí.
Mối đe dọa hạt nhân chưa dịu bớt, các quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân hiện đại hóa kho vũ khí, kích động một cuộc chạy đua mới. Những căng thẳng mậu dịch gia tăng. Người di cư và người tị nạn tiếp tục bị phân biệt đối xử và bị đe dọa trong bối cảnh hợp tác kinh tế trong lĩnh vực này chưa thỏa đáng.
* Cũng trong bài phát biểu khai mạc phiên họp Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 73, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng đang lan rộng trên toàn cầu.
TTK LHQ nêu rõ trong phạm vi các quốc gia, người dân đang ngày càng mất lòng tin vào các thể chế chính trị, trong khi tình trạng phân cực đang gia tăng và chủ nghĩa dân túy trở nên phổ biến.
Trong quan hệ giữa các quốc gia, hợp tác trở nên ít chắc chắn và khó khăn hơn. Lòng tin vào hệ thống quản trị toàn cầu trở nên mong manh trong bối cảnh những thách thức của thế kỷ XXI vượt xa khả năng xử lý của những thể chế và quan niệm của thế kỷ XX.
Theo TTK, thế giới đang phải đối mặt với một loạt những nghịch lý. Thế giới được kết nối nhiều hơn, song các xã hội lại ngày càng trở nên manh mún hơn. Những thách thức ngày một "hướng ngoại" trong khi nhiều người lại đang "hướng nội". Chủ nghĩa đa phương bị chỉ trích gay gắt đúng vào lúc các quốc gia cần điều này nhất.
Người đứng đầu LHQ cảnh báo thế giới đang theo xu hướng đa cực, song bản thân điều này không thể đảm bảo hòa bình hay giải quyết các vấn đề của toàn cầu. Ông viện dẫn châu Âu cách đây một thế kỷ, khi đó một cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc đã xảy ra do thiếu những khuôn khổ đa phương mạnh cho sự hợp tác và giải quyết vấn đề trên toàn châu Âu.
Ngày nay, trong bối cảnh cán cân quyền lực có những thay đổi, nguy cơ đối đầu giữa các quốc gia có thể gia tăng. Ông nhấn mạnh rằng nếu các nhà lãnh đạo cam kết hợp tác chiến lược và kiểm soát những lợi ích trái chiều nhau, thế giới có thể tránh được chiến tranh và trở nên an toàn hơn.
Bên cạnh đó, ông thừa nhận rằng lãnh đạo các quốc gia đều có nghĩa vụ cải thiện phúc lợi cho người dân, song cũng có nghĩa vụ phải thúc đẩy và ủng hộ một cơ chế đa phương được củng cố, được cải cách và được đổi mới.
Ông kêu gọi các quốc gia nối lại cam kết duy trì một trật tự dựa trên các quy định, với LHQ đóng vai trò trung tâm cùng những thể chế và hiệp ước khác nhau đã làm nên Hiến chương LHQ.
Ông cũng nêu bật sự cần thiết phải thể hiện giá trị gia tăng của hợp tác quốc tế bằng cách đem lại hòa bình, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội cho người dân trên toàn thế giới.
Phiên họp cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 73 diễn ra từ ngày 25/9 -1/10 tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ) với sự tham gia của 130 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu trước ĐHĐ vào ngày 27/9 (giờ địa phương).
Link bài gốc tại đây.