Khu trục hạm USS John S. McCain là một trong 2 tàu chiến của hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan ngày cuối cùng trong năm 2020. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Đây là lần thứ hai trong tháng 12, hải quân Mỹ thực hiện sứ mệnh đi qua eo biển Đài Loan. Đáng nói, tàu sân bay thứ hai nhưng là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc mang tên Sơn Đông cũng di chuyển qua khu vực này cách đây khoảng 2 tuần.
Reuters đưa tin, trong tuyên bố hải quân Mỹ nhấn mạnh, các tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain và USS Curtis Wilbur “đã thực hiện chuyến đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 31/12 và tuân thủ luật pháp quốc tế”.
“Hoạt động đi qua eo biển Đài Loan của hai chiến hạm thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay qua, đi qua và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”, hải quân Mỹ cho hay.
Việc 2 khu trục hạm USS John S. McCain và USS Curtis Wilbur di chuyển qua eo biển Đài Loan vào hôm nay đánh dấu lần thứ 13 trong năm nay, hải quân Mỹ thực hiện sứ mệnh ở khu vực này.
Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng trước sự xuất hiện của 2 tàu USS John S. McCain và USS Curtis Wilbur ở eo biển Đài Loan.
Còn trong ngày 19/12, quân đội Trung Quốc thông báo đã điều động lực lượng bám đuôi tàu USS Mustin khi chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Phía Trung Quốc đã cực lực chỉ trích hành động của Mỹ.
Cụ thể, Chiến khu Đông Bộ thuộc quân đội Trung Quốc tuyên bố, các lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc “đã đi theo và giám sát” chuyến đi của chiến hạm USS Mustin.
“Những sứ mệnh như trên cố ý làm gia tăng căng thẳng về vấn đề Đài Loan và đe dọa sự yên bình ở eo biển Đài Loan, cũng như phát tín hiệu tới các lực lượng ủng hộ giành độc lập ở Đài Loan, hủy hoại nghiêm trọng nền hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, tuyên bố từ Chiến khu Đông Bộ cáo buộc.
Chỉ sau một ngày tức ngày 20/12, hải quân Đài Loan cho biết đã huy động không quân và hải quân đi theo dõi nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc di chuyển qua eo biển Đài Loan. Bắc Kinh cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông đi qua eo biển để tới Biển Đông tiến hành các cuộc diễn tập quân sự.
Vào thời điểm đó, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan thông báo tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc được 4 chiến hạm đi theo hộ tống và khởi hành từ cảng Đại Liên vào ngày 17/12. Đài Loan đã điều động 6 tàu chiến và 8 máy bay quân sự để “duy trì canh gác” và giám sát hoạt động của các chiến hạm Trung Quốc.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”.
Dù Washington và Đài Bắc không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Mỹ hiện là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế và còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.