Hai quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thể trở thành hình mẫu thay thế những "cỗ máy cũ" như Trung Quốc, Hàn Quốc

Thu Hương |

Ấn Độ và Indonesia có thể trở thành hình mẫu cho rất nhiều nước đang cố gắng tìm ra con đường mới hơn, bền vững hơn để phát triển trong thập kỷ này và xa hơn nữa.

Hai quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thể trở thành hình mẫu thay thế những cỗ máy cũ như Trung Quốc, Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ở thời điểm hiện tại, nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, có 2 cái tên nổi bật hiện lên: Ấn Độ và Indonesia. Hai “gã khổng lồ” ở châu Á với tổng dân số 1,7 tỷ người được IMF dự báo sẽ là 2 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm G20, không chỉ trong năm nay mà cả 5 năm tới.

Đây là thời kỳ mà thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ xu hướng quay lưng với toàn cầu hóa, căng thẳng địa chính trị đến những thay đổi mang tính cấu trúc trên thị trường năng lượng và tự động hóa. Tuy nhiên, hai quốc gia này vẫn tìm ra được những chiến lược phù hợp để trở nên giàu có hơn. Không những thế họ còn duy trì được sự ổn định về mặt chính trị - xã hội.

Trong thời gian sắp tới, liệu Ấn Độ và Indonesia có thể tiếp tục duy trì được thành công hay không sẽ có ý nghĩa quan trọng, không chỉ với người dân mà còn đối với các nhà đầu tư đã đặt cược hàng tỷ USD vào đây. Hai quốc gia này còn có thể trở thành hình mẫu cho rất nhiều nước đang cố gắng tìm ra con đường mới hơn, bền vững hơn để phát triển trong thập kỷ này và xa hơn nữa.

Mô hình mới?

Suốt mấy chục năm gần đây, các nước phát triển đều đi theo 1 công thức làm giàu đã được chứng minh là hiệu quả: người lao động di cư từ nông thôn lên thành thị để làm trong các nhà máy, khu công nghiệp, sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Hàn Quốc và Trung Quốc là ví dụ điển hình, trong đó công nghiệp hóa đã giúp 800 triệu người dân Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo.

Tuy nhiên, ngày nay mô hình đó không còn hiệu quả như trước. Chủ nghĩa bảo hộ thách thức các nền kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Các nhà máy sử dụng robot ngày càng nhiều hơn.

Nhìn qua thì Ấn Độ và Indonesia có khá nhiều điểm chung. Cả hai được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo đã đắc cử từ năm 2014 và đều sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào sang năm. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đều là những người có mức độ tín nhiệm cao vì những thành tựu mà họ đã đạt được.

Thập kỷ vừa qua, GDP của Ấn Độ và Indonesia đạt mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt 71% và 52%. Đặc biệt, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ là cao nhất, vượt trội so với ngành sản xuất. Cả hai nền kinh tế có độ mở cao, với thương mại chiếm khoảng 40% GDP và tiếp nhận dòng vốn FDI tương đương khoảng 1,5% GDP.

Hai quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thể trở thành hình mẫu thay thế những cỗ máy cũ như Trung Quốc, Hàn Quốc - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP của Ấn Độ và Indonesia.

90% lực lượng lao động Ấn Độ và 60% lực lượng lao động của Indonesia làm việc trong “nền kinh tế xám”, tức các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng chưa được thừa nhận chính thức. Chi tiêu công chỉ chiếm 30% GDP Ấn Độ và 18% GDP Indonesia.

Cả hai quốc gia đều theo đuổi những dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng. Indonesia đã xây 18 bến cảng, 21 sân bay và 1.700km đường có thu phí kể từ khi ông Jokowi nhậm chức. Còn Ấn Độ bổ sung thêm 10.000 km đường cao tốc mỗi năm.

Cả hai nền kinh tế đều còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Thu nhập bình quân đầu người của Indonesia đạt 4.180 USD còn của Ấn Độ chỉ bằng một nửa. Họ được xếp vào nhóm các nền kinh tế thu nhập trung bình nhưng ở nhóm dưới.

Thế mạnh của mỗi nước

Đó là tất cả điểm chung. Để nói về các điểm khác biệt và so sánh xem nước nào có nhiều tiềm năng hơn, hãy xét đến 3 khía cạnh: xuất khẩu, chính sách công nghiệp, và vị thế địa chính trị.

Bắt đầu từ xuất khẩu. Ở Ấn Độ, ngành đi đầu về xuất khẩu là dịch vụ công nghệ. Nhờ khả năng đào tạo nửa triệu kỹ sư công nghệ mỗi năm, năm 2021 Ấn Độ chiếm tới 15% các khoản chi tiêu cho dịch vụ công nghệ trên toàn cầu.

Còn thế mạnh của Indonesia nằm ở hàng hóa cơ bản, trong đó có nhiều loại khoáng sản (như nickel) đang lên cơn sốt trên toàn thế giới. Đến năm 2030, Indonesia sẽ là nhà sản xuất lớn thứ 4 thế giới về các “hàng hóa xanh” được sử dụng để sản xuất năng lượng tái tạo.

Những ngành này đều hứa hẹn sẽ mang về nguồn ngoại tệ dồi dào. Năm 2021, dịch vụ công nghệ đóng góp khoảng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ, còn hàng hóa (trừ nhiên liệu hóa thạch) chiếm 22% của Indonesia. Tuy nhiên, những ngành này tạo ra lượng việc àm khá khiêm tốn. Toàn ngành IT của Ấn Độ chỉ có 5 triệu nhân công.

Hai quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thể trở thành hình mẫu thay thế những cỗ máy cũ như Trung Quốc, Hàn Quốc - Ảnh 3.

Chính phủ cả 2 nước mong muốn phát triển mạnh nhóm doanh nghiệp tư nhân bằng chính sách công nghiệp. Trong đó Ấn Độ có xuất phát điểm tốt hơn. Giá trị vốn hóa của chỉ số MSCI India đạt 830 tỷ USD, tương đương 24% GDP. Còn giá trị vốn hóa của TTCK Indonesia chỉ đạt 123 tỷ USD, tức 10% GDP.

Ấn Độ có 108 “kỳ lân” (các startup có vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên), nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc. Indonesia chỉ có hơn một chục startup như vậy.

Về chính sách công nghiệp, ông Modi đặt cược 30 tỷ USD cho các chính sách phát triển, tập trung vào 14 ngành ưu tiên trong đó có chip bán dẫn. Ấn Độ cam kết đến năm 2070 sẽ đạt mục tiêu khí thải nhà kính bằng 0 bằng cách xây dựng các trang trại điện mặt trời và tăng sản xuất pin. Ngoài ra, nước này hướng tới mục tiêu giảm chi phí sử dụng điện, giảm số tiền chi cho nhập khẩu năng lượng từ mức 4% GDP trong năm 2021 xuống còn 2,5% vào năm 2032.

Trong khi đó, chính phủ Indonesia tập trung vào các tài nguyên thiên nhiên. Nước này kỳ vọng lệnh cấm xuất khẩu một số nguyên vật liệu thô sẽ buộc các tập đoàn đa quốc gia phải tới đây xây dựng nhà máy tinh chế sau khi áp dụng lệnh cấm đối với nickel thô năm 2014, số nhà máy xử lý nickel ở nước này đã tăng từ 2 lên 13 trong năm 2020 và sẽ lên đến 30 vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tăng lên, hai quốc gia đang đứng ở những vị thế địa chính trị rất khác nhau. Indonesia vẫn đi theo đường lối cân bằng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Trong khi đó Ấn Độ đang nghiêng về phía Mỹ. Nước này đã gia nhập Quad, nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Australia và Nhật Bản. Năm 2020, Ấn Độ ban hành lệnh cấm TikTok và hơn một chục ứng dụng Trung Quốc khác. Chiến lược phát triển công nghiệp của ông Modi cũng bao gồm việc thu hút các doanh nghiệp phương Tây đang muốn đa dạng hóa thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc. Mới đây Foxconn đã phê duyệt xây dựng nhà máy 1 tỷ USD ở Ấn Độ.

Mô hình nào sẽ tăng trưởng nhanh hơn? Với các doanh nghiệp tư nhân và thị trường vốn hùng mạnh hơn, Ấn Độ được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn.

Tuy nhiên, ở cả hai quốc gia đều tồn tại chủ nghĩa tư bản thân hữu. Bao quanh ông Jokowi là nhiều tỷ phú, còn ở Ấn Độ tập đoàn Adani gần như chiếm thế độc quyền. Trong khi các zaibatsu của Nhật Bản và chaebol của Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực mà họ buộc phải cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, Adani và những tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

Điều này sẽ phải thay đổi nếu như họ muốn tiến xa hơn và trở thành hình mẫu mới cho các nền kinh tế khác noi theo.

Tham khảo The Economist

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại