Không thể bùng nổ, kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ biến thành 'Nhật Bản thứ hai'

Thu Hương |

Lần gần nhất bong bóng bất động sản vỡ tung ở Mỹ đã thổi bùng lên khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, ví dụ gần nhất với Trung Quốc hiện nay có lẽ là Nhật Bản trong những năm 1980.

Không thể bùng nổ, kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ biến thành Nhật Bản thứ hai - Ảnh 1.

Cuối năm 2022, khi Chính phủ Trung Quốc đột ngột từ bỏ chính sách Zero Covid, tất cả mọi người đều tin tưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ hồi phục ngoạn mục sau gần 3 năm trời bị bó buộc trong các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Thế nhưng, nửa năm đã trôi qua mà không có “cú nổ” nào xảy ra. Một loạt chỉ số kinh tế, trong đó có doanh số bán lẻ và tổng vốn đầu tư, đều tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự đoán. Giờ đây một số chuyên gia phân tích nhận định GDP quý II thậm chí sẽ không tăng trưởng. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chỉ đạt chứ không thể vượt mục tiêu khiêm tốn là GDP tăng trưởng 5% trong năm 2023.

Không thể bùng nổ, kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ biến thành Nhật Bản thứ hai - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc qua các quý, dự báo cho các quý còn lại của năm 2023. Nguồn: Tổng cục thống kê TQ, Morgan Stanley, The Economist.

Kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược, từ việc Mỹ siết chặt hoạt động xuất khẩu chip đến chiến dịch tăng cường quản lý các ông lớn công nghệ mà chính phủ nước này đang theo đuổi. Tuy nhiên, “thủ phạm” lớn nhất chính là thị trường bất động sản – lĩnh vực vốn là nguồn đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng GDP.

Thị trường bất động sản Trung Quốc hiện đang rất ảm đạm. Ban đầu thị trường trầm lắng do chính phủ quyết tâm xử lý các nhà phát triển bất động sản nặng nợ. Tuy nhiên gần đây hoạt động mua bán vẫn rất yếu ớt dù chính phủ đã triển khai một số biện pháp kích thích. Từ tháng 1 đến tháng 5, tổng vốn đầu tư bất động sản giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều nguy hiểm là cú lao dốc tưởng sẽ diễn ra chớp nhoáng giờ đây đã trở thành nỗi phiền muộn kéo dài.

Thời kỳ bùng nổ của bất động sản Trung Quốc đã đi đến hồi kết, và điều đó gây hại cho nền kinh tế theo nhiều cách. Không chỉ ngành xây dựng, tất cả các ngành dịch vụ có liên quan phục vụ hoạt động xây dựng và bán nhà đều bị ảnh hưởng.

Bởi vì các chủ sở hữu nhà phải lo lắng về tài sản có giá trị nhất mà mình đang có trong tay, họ cũng không muốn chi tiêu, kéo theo sức tiêu dùng sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc sử dụng bất động sản làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, vì thế thị trường nhà đất lâm vào khủng hoảng cũng đồng nghĩa dòng vốn đầu tư tư nhân suy yếu.

Không thể bùng nổ, kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ biến thành Nhật Bản thứ hai - Ảnh 3.

Thông thường, bong bóng bất động sản hiếm khi mang lại kết cục tốt đẹp. Lần gần nhất bong bóng bất động sản vỡ tung ở Mỹ đã thổi bùng lên khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, ví dụ gần nhất với Trung Quốc hiện nay có lẽ là Nhật Bản trong những năm 1980.

Giống như Trung Quốc trong 15 năm gần đây, thời kỳ đó tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản cũng chủ yếu đến từ dòng vốn đầu tư bùng nổ mà phần lớn chảy vào bất động sản.

Khi bong bóng tài sản đổ vỡ ở Nhật Bản vào cuối năm 1989, tăng trưởng kinh tế sụt giảm nghiêm trọng. Với gánh nặng nợ đè trên vai, các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ chọn giảm nợ thay vì chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Cộng với lực lượng lao động co hẹp vì dân số già, tăng trưởng GDP của Nhật Bản bị tụt lại phía sau so với các nước phát triển khác.

Các nhà hoạch định chính sách đã phản ứng quá chậm chạp. Đến năm 1999, NHTW Nhật Bản mới hạ lãi suất xuống gần 0. Chính phủ kích thích kinh tế bằng cách bơm tiền cho đầu tư thay vì cho tiêu dùng. Cuối cùng Nhật Bản chìm trong vài chục năm giảm phát và trì trệ.

Dường như Trung Quốc đang mắc phải những sai lầm tương tự. Chính phủ tung ra các gói kích thích dưới dạng đầu tư thay vì kích thích tiêu dùng. NHTW Trung Quốc có hạ lãi suất nhưng rất nhỏ giọt. Hiện chi tiêu hộ gia đình chỉ đóng góp 38% GDP, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 55% trên toàn cầu. Quan trọng hơn tỷ lệ không hề tăng trong 6 năm qua.

Kể cả khi Trung Quốc muốn tiêu dùng đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng GDP, điều đó cũng không hề dễ dàng. Rất nhiều chính sách kinh tế của nước này vẫn đang được thiết kế để thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu, không có lợi cho tiêu dùng. Trong khi đó sẽ mất rất nhiều năm để có thể tăng chi tiêu của các hộ gia đình thông qua những biện pháp như tăng cường mạng lưới an sinh xã hội.

Giới phân tích nhận định, đám mây đen xuất phát từ lĩnh vực bất động sản có thể bao phủ kinh tế Trung Quốc không chỉ 6 tháng cuối năm nay mà là trong nhiều năm tới.

Tham khảo The Economist

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại